Kim Thạch Mùa Lúa Chín
Chưa có năm nào ở thời điểm này, nhiều diện tích lúa trên địa bàn xã Kim Thạch (Vị Xuyên) lại sớm khoe sắc vàng, báo hiệu mùa lúa chín...
Sắc vàng của lúa uốn mình quanh con đường trải bê-tông liên xã, như tô điểm cho bức tranh Kim Thạch thêm lộng lẫy, đủ đầy, no ấm
Bên cánh đồng thôn Bản Thẳm, chị Nguyễn Thị Hòa vẫn luôn tay gặt, dù biết có người đang trò chuyện với mình... Sự mải miết ấy được chị giải thích một cách ấn tượng: “Chưa năm nào gia đình tôi lại được gặt lúa chín vào thời điểm này. Lúa chín sớm quá!. Không vui, không nhanh tay gặt làm sao được!”.
Trước kia, gia đình chị Hòa còn hoài nghi các giống lúa lai mà cơ quan chuyên môn khuyên dùng, thì nay, khi thấy nhiều người trong xã chuyển đổi cơ cấu giống vụ Xuân thành công, gia đình chị mới quyết tâm “theo làng một chuyến”.
Sự quyết tâm ấy nhanh chóng trở thành niềm vui khi chị Hòa nhận định: Giống lúa Việt Lai 20 mà gia đình đã cấy, nhanh cho thu hoạch. Hạt thóc chắc hơn so với một số giống lúa thuần mà gia đình chị trồng từ trước đó.
Niềm vui ngày mùa, cùng sự miệt mài lao động trên những cánh đồng lúa chín sớm của bao nông hộ vào thời điểm này, chính là “bước ngoặt” đánh dấu sự chuyển biến tích cực trong thay đổi cơ cấu mùa vụ một cách đồng bộ, trên địa bàn xã Kim Thạch.
Nhiều năm về trước, lúa bào thai vẫn là cơ cấu giống chủ yếu, làm giảm năng suất lúa của xã thì gần đây, cuộc “cách mạng”: “Nói không với lúa bào thai” được chính quyền địa phương triển khai quyết liệt và mạnh mẽ. Theo đó, tất cả các cán bộ, đảng viên phải là những người làm gương, tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, để khuyến khích người dân cùng thực hiện.
Đồng thời, vận động người dân đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Nếu đảng viên không chấp hành nghiêm túc sẽ bị phê bình, nhắc nhở trước Chi bộ”, Chủ tịch HĐND xã Kim Thạch, Hoàng Quang Cảnh nhấn mạnh.
Với sự “mạnh tay” của chính quyền địa phương mà vụ Xuân năm nay, cả xã Kim Thạch với 90 ha lúa đã đồng loạt chuyển sang trồng các giống lúa lai ngắn ngày, cho năng suất, chất lượng cao như: GS9, Nhị ưu 838 hoặc lúa Việt Lai 20,... Trên 95% diện tích lúa của xã được đầu tư thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
Cùng với đó, những diện tích lúa của xã Kim Thạch tập trung phần nhiều ở hai bên đường bê-tông liên xã nên rất thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Hiện nay, xã Kim Thạch có trên 200 đầu máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân vơi bớt sự nhọc nhằn khi phải dốc sức lao động cho những mùa vụ.
Kể từ ngày 25.5 đến 5.6, những diện tích lúa đã cho thu hoạch được người dân trong xã nhanh chóng làm đất gieo mạ, nhằm đảm bảo tiến độ sản xuất vụ Mùa đúng khung lịch thời vụ. Và khi vụ Mùa được đẩy nhanh tiến độ, đồng nghĩa với việc, đây sẽ là năm đầu tiên xã Kim Thạch thực sự bước vào sản xuất cây trồng vụ Đông một cách rõ nét nhất.
Bởi: “Trước đây, cả xã gần như bỏ vụ Đông nên cuộc sống của bà con trên mảnh đất thuần nông này vẫn còn chật vật. Do vậy, xã quyết tâm đưa sản xuất cây trồng vụ Đông trở thành vụ chính trong năm, để cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện”, Phó Chủ tịch HĐND xã Kim Thạch Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.
Đến thời điểm này, trên địa bàn xã Kim Thạch, bên cạnh diện tích lúa trà xuân muộn đang trong giai đoạn đỏ đuôi thì những trà xuân chính vụ mang tên lúa lai GS9, Nhị ưu 838... đã khoác lên mình màu vàng lúa chín, như xóa đi sự nhọc nhằn, khắc khổ trên khuôn mặt người nông dân, trước nỗi truân chuyên ruộng đồng.
Nếu so với những năm trước, khi chưa chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, năng suất lúa của xã chỉ đạt mức 48 tạ/ha thì nay, năng suất các loại giống lúa lai có thể đạt năng suất từ 58 đến trên 62 tạ/ha. Và đây thực sự là tín hiệu vui cho sự nỗ lực của chính quyền địa phương, để Kim Thạch thêm rộn rã những mùa vàng no ấm...
Khi nắng chiều nhẹ buông trên cánh đồng quê Kim Thạch, là lúc chiếc liềm trên tay người phụ nữ thêm thoăn thoắt, thu bông lúa trĩu hạt cho kịp ánh chiều; là tiếng máy tuốt rộn vang, thả hạt thóc vàng trong đôi mắt ngời sáng cùng nụ cười hạnh phúc của bao người; là lúc đàn trâu thảnh thơi gặm những gốc rạ ngả vàng, còn vương mãi mùi thơm đặc trưng của mùa lúa chín...
Related news
Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, hiện nông dân trong tỉnh còn tạm trữ hơn 47.000 tấn lúa thương phẩm, đây là sản lượng lúa tồn đọng từ vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu từ đầu năm 2014. Tuy gần đây giá lúa trên thị trường tăng nhẹ, là thời điểm thích hợp bán ra nhưng gặp phải mưa bão liên miên trong những ngày qua, thương lái đã ép giá, khiến đầu ra hạt lúa thêm khó khăn.
Ông Phạm Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, rau diếp cá và xà lách xoong là 2 loại cây trồng chủ lực của xã, đem lại nguồn thu nhập khá cao. Đầu ra của diếp cá rất ổn định, chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Diện tích diếp cá của toàn xã khoảng 5 ha.
Anh Hà Văn An, một trong sáu chủ vựa lớn ở chân núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên cho hay: Vào thời điểm tháng 9, mỗi ngày anh thu mua từ 1 - 3 tấn măng tươi. Ngoài các vựa thu gom măng ở ấp An Hoà, còn có những chuyến hàng đi thẳng từ Lâm Viên tới Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và các chợ ở TP.HCM. Bình quân mỗi chuyến trừ hết chi phí còn lãi gần 7 triệu đồng.
Ngày 16/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam về việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Ông Lưu Văn Phước, ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành – An Giang thả nuôi 7 vèo ếch Thái với diện tích trên 100m2 cho biết: Sau 3 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng từ 200 – 300 gram/con, ông thu được 5.500 con ếch thịt bán với giá 25.000đ/kg, sau khi trừ hết chi phí lãi 32 triệu đ.