Home / Cây lương thực / Trồng lúa

Kĩ thuật canh tác cây lúa lai

Kĩ thuật canh tác cây lúa lai
Author: TTKNKN Đắk Lắk
Publish date: Tuesday. March 12th, 2019

I. ĐẶC ĐIỂM CỦA LÚA LAI

- Bộ rễ lúa lai phát triển sớm và mạnh.

- Nhu cầu dinh dưỡng khoáng (N,P,K) cao.

- Đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, bông to, số hạt trên bông nhiều, năng suất cao (7,5 - 8,0 tấn/ha, ruộng thâm canh > 9,0 tấn/ha).

- Khả năng chống chịu tốt với điều kiện bất thuận (lạnh, nóng, hạn).

- Ít nhiễm bệnh đạo ôn, khô vằn. Nhiễm nhẹ bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, rầy nâu.

- Hạt giống lúa lai không để giống cho vụ sau.

II. KỸ THUẬT GIEO CẤY VÀ CHĂM SÓC

1. Làm đất:

- Lần 1: Cày trước khi sạ 25 – 30 ngày kết hợp bón vôi khử chua.

- Lần 2: Trước khi sạ, phay đất thật tơi và nhuyễn, trang mặt ruộng bằng phẳng, làm rãnh thoát nước xung quanh ruộng.

Ruộng gieo sạ nên chia thành luống rộng 2,0 - 2,5m, khoảng cách giữa các luống có rãnh rộng 20 - 25 cm.

2. Thời vụ:

Tùy thuộc vào mùa, thời gian sinh trưởng, đặc tính giống, tính chất của đất, khí hậu, sâu bệnh…

-Vụ đông xuân:  Sạ từ 15/11 đến 15/12

- Vụ mùa: Sạ từ15/5 đến 15/6

Lưu ý: Thời vụ đề nghị theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp hàng năm.

3. Giống và lượng giống:

- Chọn giống thích nghi với điều kiện sinh thái tại địa phương theo khuyến cáo của Khuyến nông & Cục Trồng trọt

- Lượng giống: Ruộng sạ lan: 40-50 kg/ha, ruộng cấy: 25 – 30kg/ha.

- Hạt lúa sau khi thu hoạch không được sử dụng làm giống cho vụ sau.

4. Xử lý và ngâm ủ hạt giống:

- Phơi hạt giống dưới nắng nhẹ 2 – 3 giờ. Phơi trên nong, nia, bạt.

- Ngâm ủ hạt giống: Ngâm trong nước sạch nước ấm 540 C (3 phần nước sôi với  2 phần nước lạnh) khoảng 15 - 20 phút khi ngâm nên rửa, đãi, vớt hạt lép và thay nước 2 - 3 lần. Ngâm 16 giờ (vụ mùa), 18 giờ ( vụ đông xuân), trước khi ủ để cho ráo nước.

- Ủ hạt giống trong bao tải, ủ 2/3 bao hoặc ủ thành đống, ủ 48 giờ, để nơi ấm  và kín gió. Trong khi ủ phải thường xuyên kiểm tra.

Lưu ý:

+ Hạt nhớt, mùi chua thì đem  đãi rửa sạch, để ráo nước và ủ lại.

+ Hạt khô thì đem ngâm thêm từ 1-2 giờ (nên ngâm trong nước ấm vừa tay), sau đó vớt hạt để ráo nước và ủ tiếp

+  Hạt nóng thì phải đảo đều và tản mỏng ra. Khi mầm ra dài khoảng 1/3-1/2 hạt thóc, rễ dài gần bằng hạt thì đem gieo.

- Để kích thích hạt giống nảy mầm tốt, rễ mầm khỏe sử dụng một số loại thuốc xử lý hạt giống như Cruise 312.5 FS, Gaucho 600 FS...Đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì trước khi sử dụng.      

5. Gieo sạ, cấy

- Lúa sạ: Trước khi sạ phải chia và gieo đều lượng giống trên mỗi luống. Khi sạ nên để hạt giống chìm sâu khoảng 1/3 - 1/2 hạt so với mặt ruộng. Sau khi sạ từ 1- 3 ngày  phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm Sofit 300 ND, phun thuốc diệt cỏ hậu nẩy mầm Si Rius 10 WP. Cần dặm tỉa sớm, khi mạ 3 - 4 lá  để ruộng lúa phát triển đồng đều.

- Lúa cấy: Gieo mạ như lúa thuần, gieo thưa. Nên gieo mạ vào buổi chiều để mạ “ngồi” thuận lợi. Sau khi gieo phun thuốc trừ cỏ Sofit. Mạ được 4 - 5 lá thì nhổ cấy. Mật độ cấy 50-55 khóm/m2, cấy 1-2 dảnh/khóm (tùy theo số nhánh đẻ/cây mẹ), tối đa không quá 3 dảnh/ khóm.

6. Bón phân:

a/ Lượng phân bón tính cho 1 ha.

-Phân chuồng hoai: 8 tấn, hoặc vi sinh 500 kg.

- Phân Lân: 400 kg (đất chua bón phân lân nung chảy).

- Vôi bột: 400 kg (tùy theo đất chua)

- Đạm Urê: 250kg  Kaliclorua: 170kg.

b/ Cách bón:

- Vôi bột: Bón sau lần làm đất đầu tiên. Tùy theo độ chua của đất để tăng hoặc giảm lượng vôi bón cho phù hợp.

- Bón lót: Phân chuồng bón khi làm đất lần cuối. Phân lân hoặc vi sinh bón trước khi gieo rải phân trên mặt ruộng sau đó trang lấp phân.

- Bón thúc:

+ Bón thúc 1: Sau sạ 10 - 12 ngày  hoặc sau cấy 5 - 6  ngày: bón 75kg urê và 35kg kaliclorua.

+ Bón thúc 2: Sau lần một khoảng 15 - 20 ngày: bón 100 kg urê và 50 kg kali clorua.

+ Bón thúc 3: Sau sạ  55- 60 ngày (khi lúa có cứt dán): 75kg urê và 85 kg kali.

Sau khi lúa trổ xong, nếu thấy lúa có biểu hiện thiếu phân (lá vàng) thì bón thêm 50 kg NPK 16.8.16. Cần bón bổ sung một số loại phân trung vi lượng, lân hữu cơ sinh học…

Lưu ý:

+Thực hiện bón 4 đúng, kết hợp làm cỏ bón phân sục bùn.

+ Tùy theo đặc điểm từng chân ruộng, mùa vụ, thời gian sinh trưởng.v.v  để điều chỉnh lượng phân cho phù hợp.

+ Không nên bón đạm nhiều lần hoặc bón đạm muộn vào giai đoạn sau trỗ ( trừ trường hợp lúa xấu, lá vàng do thiếu phân) lúa sẽ dễ nhiễm sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn,…

d/ Phun phân bón lá:

- Phun 2-3 lần mới có hiệu quả.

- Phun vào buổi sáng hoặc chiều mát.

- Chọn loại phân bón lá thích hợp cho lúa không nên sử dụng phân bón lá có chứa GA3.

7. Điều tiết nước trong ruộng  lúa:

+ Giai đoạn sạ đến bắt đầu đẻ nhánh:

Sau khi gieo từ 4-5 ngày thì tiến hành tráng ruộng mạ, ngâm 10-12 giờ rồi mới rút nước đến khi ruộng nứt chân chim mới tiếp tục cho nước vào ruộng, quá trình phơi ruộng lập đi lập lại 2-3 lần. Sau khi gieo từ 15 - 20 ngày để mực nước từ 1 - 3 cm.

+ Giai đoạn đẻ nhánh đến phân hoá đòng:

Trong giai đoạn đẻ nhánh nên giữ mực nước từ 3 - 5 cm, trước khi phân hoá đòng từ 10 - 15 ngày thì rút nước phơi ruộng (Áp dụng  phương pháp ngập khô xen kẽ).

+ Giai đoạn phân hoá đòng đến trỗ:

Giai đoạn này thường xuyên giữ nước từ 4 - 5 cm, không được để ruộng khô.

+ Giai đoạn lúa trỗ đến chín:

Giữ nước thường xuyên cho đến khi giáp thu hoạch để tạo cho quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng, tích lũy chất khô và làm cho hạt chắc mẩy hơn.

8. Phòng trừ sâu bệnh hại:

* Nguyên tắc cơ bản: Phải thường xuyên theo dõi đồng ruộng để phát hiện và sớm có biện pháp phòng trừ sâu bệnh ( Sâu thì trừ, bệnh thì phải phòng ).

- Giai đoạn mạ – đẻ nhánh: chủ động phòng trừ bọ trĩ, dòi đục lá các loại rầy và tuyến trùng hại rễ. Sử dụng Actara 25 WG, Karate 2,5 EC ...

- Giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng - trổ:

+ Sâu hại: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, sâu năn.

+ Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ đúng thời vụ, bón phân cân đối không nên bón đạm nhiều nhất là giai đoạn cuối làm đòng, làm sạch cỏ và bảo vệ thiên địch trên ruộng lúa trồng hoa cúc xung quanh bờ ruộng thu hút các loài ong đến. Sử dụng thuốc Vitako 40WG, karate 2,5 EC, Proclaim 1,9 EC.....

+ Bệnh hại: Bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá, bệnh thối bẹ.

+ Phòng trừ bệnh hại: Vệ sinh đồng ruộng, gieo đúng thời vụ, bón phân cân đối , khi cây bị bệnh ngưng bón đạm. Khi hết bệnh bón phân NPK và phun phân bón qua lá, không gieo sạ dày, chọn giống kháng bệnh. Sử dụng thuốc Amistatop 325SC, Tilt Super 300EC, NeVo 330EC. Bệnh đốm sọc vi  khuẩn, bạc lá sử dụng Starner, Kasumin, kasuran.

- Giai đoạn trổ - chín: Bệnh đạo ôn lá và cổ bông, khô vằn, rầy nâu, vàng lá, lem lép hạt. Cách phòng trừ giống như giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng- trổ.

Khi sử dụng thuốc hóa học cần tuân theo nguyên tắc 4 đúng:  Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.

III/ THU HOẠCH

- Thu hoạch khi hạt lúa chín > 90%.

- Rút nước trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày, thu vào những ngày nắng ráo. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

- Phơi hoặc sấy lúa cho khô, quạt sạch, bảo quản nơi khô ráo.


Related news

Phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt lúa Đông Xuân hiệu quả nhất Phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt lúa Đông Xuân hiệu quả nhất

Bệnh lem lép hạt làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa, bệnh gây hại từ trổ bông đến chín sữa và rơi vào những tháng có nhiệt độ thấp

Monday. March 11th, 2019
Hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc giống lúa chất lượng RVT Hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc giống lúa chất lượng RVT

RVT là giống lúa thuần chất lượng mới do ông Nguyễn Công Tạn và cộng sự nhập nội và tuyển chọn đã được công nhận cấp Quốc gia

Tuesday. March 12th, 2019
Kỹ thuật tỉa dặm lúa vụ xuân sau gieo trồng Kỹ thuật tỉa dặm lúa vụ xuân sau gieo trồng

Do ảnh hưởng của hai đợt rét kỷ lục kéo dài, nhiều diện tích lúa gieo trồng đã bị chết. Do đó, việc đầu tiên trong quá trình chăm sóc là bà con cần tỉa dặm

Tuesday. March 12th, 2019