Không thể vẽ được bức tranh 4 mùa vì El Nino
Do diễn biến của hiện tượng El Nino được dự báo là kéo dài nhất trong 60 năm qua, dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở nhiều khu vực trong cả nước, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai vừa có cuộc họp trực tuyến với các địa phương nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
“Không thể vẽ được bức tranh 4 mùa”
Ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta, có khả năng đạt cường độ của El Nino mạnh kỷ lục năm 1997-1998 và xác suất kéo dài đến hết mùa đông xuân 2015 -2016 là 90%.
Tại huyện ven biển Ninh Hải (Ninh Thuận), lượng nước dành cho diện tích trồng nho bị thiếu hụt trầm trọng.
Theo tính toán và dự báo, ngoài cường độ mạnh, nhiều khả năng El Nino 2014 -2016 sẽ trở thành một trong những El Nino kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua (kể từ khi có những quan trắc chi tiết về hiện tượng ENSO).
Do ảnh hưởng của El Nino, nhiều dòng chảy và các hồ chứa hiện thiếu hụt 30 – 50%, có khu vực thiếu hụt tới 60%, nguy cơ hạn hán và xâm nhập mặn được cảnh báo ở mức cực kỳ nghiêm trọng.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan và khó dự đoán.
“Hiện nay có những khái niệm xoay chiều ngược lại là “mùa đông ấm” hay “mùa mưa nhưng lại khô” hay “mùa hè lạnh”...
Trước đây ở miền Bắc có 4 mùa rõ ràng nhưng bây giờ có lẽ không có họa sĩ nào vẽ được bức tranh 4 mùa nữa” - Phó Thủ tướng nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, năm 2015, hạn hán đã xảy ra ở nước ta và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, làm gần 40.000ha phải dừng sản xuất do thiếu nước, diện tích cây trồng bị hạn lên tới 122.000ha và hàng chục ngàn người bị thiếu nước sinh hoạt.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và hiện tượng mùa đông ấm ở khu vực miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
Đề xuất hỗ trợ kinh phí vượt định mức
Để ứng phó với diễn biến cực đoan của thời tiết trong năm 2016, nhiều địa phương đã đề xuất các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn như: Tăng cường các biện pháp tích trữ nước trong các hồ chứa; khẩn trương rà soát nguồn nước các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, chủ động giám sát xâm nhập mặn tại các cửa lấy nước…
Là địa phương bị hạn hán nghiêm trọng nhất cả nước, ông Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện tỉnh có 5.792 hộ thiếu nước sinh hoạt, 16.000ha cây trồng phải ngừng sản xuất, tỷ lệ cháy rừng và tỷ lệ hộ nghèo cũng gia tăng.
Dự báo năm 2016 hạn hán sẽ tiếp tục nghiêm trọng nên UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí vượt định mức để phòng chống hạn hán.
Cùng chung nhận định trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Y Dhăm Ênuôi cho biết: “Chúng tôi có một số trạm bơm sử dụng điện ở gần sông và các hồ chứa nước lớn có thể bơm để cứu được một số diện tích canh tác lúa, hoa mầu và đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày nhưng phải bơm qua nhiều cấp.
Do đó, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí vượt định mức mua điện, dầu hỗ trợ bơm nước cũng như kinh phí nạo vét kênh, mương thủy lợi phục vụ chống hạn.
Mặt khác, tỉnh cũng sẽ huy động nhân dân đóng góp và tiết kiệm ngân sách địa phương để hỗ trợ chống hạn”.
Ngoài Ninh Thuận và Đăk Lăk, nhiều địa phương cũng kiến nghị Chính phủ mở rộng phạm vi hỗ trợ kinh phí vượt định mức cho các tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi để các địa phương chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ cho những vùng phải dừng sản xuất do không đủ nguồn nước tưới, các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn, đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa khẩn cấp các công trình cấp nước sạch, vận chuyển nước sinh hoạt, phục vụ người dân các vùng bị khô, hạn, thiếu nước sinh hoạt…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT kiêm Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát cho rằng, các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo cũng như các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, quyết liệt trong chỉ đạo để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn.
“Trước ngày 15.11 năm nay, các địa phương phải hoàn thành xong kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và gửi về Ban chỉ đạo để báo cáo Chính phủ và đề xuất Thủ tướng Chính phủ có biện pháp chỉ đạo kịp thời” - ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định tính chất nghiêm trọng của hiện tượng thời tiết cực đoan, và yêu cầu Bộ NNPTNT cần chủ động phối hợp Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan triển khai các giải pháp điều tiết nguồn nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện, chủ động tích trữ nguồn nước ở các hồ, đập;
Tăng cường quản lý nhà nước trong vấn đề cháy rừng, an toàn vệ sinh dịch bệnh trên người, trên gia súc nhằm đảm bảo ứng phó hiệu quả với hạn hán và xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị, các địa phương chủ động bố trí ngân sách chống hạn, xâm nhập mặn và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.
Sắp tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ có chỉ thị yêu cầu các địa phương ứng phó với hạn hán trong năm 2016.
Related news
Làm thế nào để người dân nâng cao hiệu quả và năng suất, thúc đẩy phát triển ngành nuôi trồng thủy sản (ntts) tỉnh - đó là trăn trở của các cán bộ chuyên trách địa phương và của các chuyên gia lâu năm trong ngành ntts.
Vốn đầu tư thấp, tôm nuôi ít phát sinh dịch bệnh, phá thế độc canh cây lúa, tăng thu nhập trên cùng một diện tích canh tác… là những lợi ích mang lại từ mô hình lúa - tôm kết hợp. Việc nhân rộng mô hình này đã giúp nông dân trong vùng chuyển đổi ổn định cuộc sống.
Trận mưa lụt lịch sử diễn ra trong nhiều ngày qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới ngành nuôi trồng thuỷ sản của huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện, đến thời điểm này, huyện Vân Đồn bị thiệt hại 871 lồng bè nuôi hầu, 384 ô lồng cá, 110 hộ nuôi ốc, hơn 60ha nuôi cá nước ngọt... tổng diện tích khoảng 300ha, chiếm 30% diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện.
Việc thịt gà nhập ngoại tràn ngập thị trường đã gióng lên hồi chuông báo động với ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, chăn nuôi gia cầm trong nước sẽ không có “cửa” phát triển.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận vừa phê duyệt quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng đến năm 2020.