Không Thể Làm Nông Nghiệp Theo Kiểu Mạnh Ai Nấy Làm
Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học Dona - Techno (TX. Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước áp dụng thành công mô hình sản xuất trái sầu riêng sạch để đưa vào thị trường Mỹ - thị trường rất khó tính với nông sản nhập khẩu. Dona - Techno cũng là đơn vị đầu tiên trong tỉnh mạnh dạn đầu tư thiết kế vùng nguyên liệu sầu riêng lên đến 6 ngàn hécta tại 4 tỉnh: Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Gắn bó với Dona - Techno từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc công ty, cho biết với áp lực hội nhập ngày một sâu rộng, không thể làm nông nghiệp theo kiểu tư duy “mạnh ai nấy làm”.
* Vì sao trái cây Long Khánh ngon có tiếng, hàng năm vẫn rơi vào cảnh “được mùa mất giá” như nhiều vùng khác? Theo ông có vấn đề gì ở đây? Tại nông dân không nắm thông tin thị trường hay tại doanh nghiệp thờ ơ vì có quá nhiều lựa chọn khi nhiều nhà vườn trúng mùa cùng lúc?
- Chúng ta nói nhiều về mô hình liên kết “4 nhà” trong nông nghiệp: Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp. Đã có nhiều phân tích được - chưa được trong mô hình này. Ở đây tôi muốn nói về hạn chế của mô hình này dưới góc nhìn doanh nghiệp. Kêu gọi doanh nghiệp tham gia chuỗi đầu tư sản xuất - tiêu thụ, nhưng trách nhiệm ràng buộc giữa các bên vô cùng lỏng lẻo. Ví dụ, chúng tôi đầu tư hàng chục tỷ đồng cho vùng nguyên liệu 6 ngàn hécta sầu riêng Dona, hướng dẫn quy trình, đầu tư vốn liếng cho người trồng, mọi việc rất rành rọt, cụ thể. Tuy nhiên, những nông dân tham gia chương trình hoàn toàn có quyền bỏ ngang khi họ không thích hoặc vì lý do gì đó, còn doanh nghiệp chỉ biết… bó tay!
Tương tự, ở đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp có thể đầu tư hàng chục triệu đồng/hécta lúa, sẵn sàng chịu rủi ro cùng nông dân, nhưng chỉ cần giá lúa bên ngoài cao hơn 100 đồng/kg, nhiều người sẵn sàng phá hợp đồng, bán cho thương lái. Chúng tôi không thể đi kiện nông dân được. Thực tế đó cũng rất khó lòng kêu gọi một cách chung chung sự hỗ trợ hay chung tay từ phía doanh nghiệp nếu không có những ràng buộc trách nhiệm rất rõ ràng. Vì chúng tôi đang đầu tư một cách nghiêm túc và nông dân chính là những đối tác làm ăn.
* Cái khó nhất trong sản xuất trái cây Việt Nam hiện nay là gì?
- Chưa có một chiến lược dài hạn, rộng lớn và có tính toán. Gần 20 năm đeo đuổi ngành trái cây, tôi thấy rằng sự tính toán mùa vụ hay quy hoạch giới hạn theo từng địa phương chẳng có ý nghĩa gì mấy nếu không có sự quan sát, xem xét trên một bình diện rộng hơn, ít nhất là ở quy mô vùng. Lấy ví dụ, 1ngàn hécta quýt nếu phân bố nhiều nơi, cho trái nhiều thời điểm sẽ tốt hơn dồn lại một chỗ, vì khi vào vụ, chắc chắn sẽ tái diễn cảnh “được mùa, rớt giá”. Tư duy làm trái vụ không thể chỉ nhìn ở Đồng Nai mà phải quan sát thị trường tổng thể. Có ý nghĩa gì đâu nếu Đồng Nai làm xoài trái vụ được mùa, nhưng cùng lúc, xoài từ miền Tây dồn dập đổ ra thị trường? Cùng một loại cây trái, cần xem xét miền Tây, Tây Nguyên, thậm chí phía Bắc rộ mùa ở thời điểm nào thì tránh “đụng” mùa đó. Muốn bán và xuất khẩu trái cây một cách chuyên nghiệp, cần có trái quanh năm và chính vì vậy, rất cần sự quan sát trên tổng thể vùng hoặc cả nước.
* Để cung ứng được những sản phẩm nông nghiệp tốt, giá cao ra thị trường, theo ông phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta đang thiếu sót ở khâu nào?
- Trước khi phát triển vùng nguyên liệu và xuất khẩu sầu riêng Dona vào Mỹ, tôi có 3 năm đi đi về về, xem xét và học hỏi cách làm nông nghiệp ở Thái Lan. Họ có nhiều lợi thế, trong đó một trong những lợi thế lớn nhất là vốn giá rẻ, lãi suất cho nông dân vay chỉ 3%/năm. Mặt khác, quy hoạch và chính sách nông nghiệp của họ bền vững khi phát triển dựa trên nền đất, không chạy theo phong trào. Đất nào thì cây ấy.
Tại Việt Nam, tôi nhận thấy những điều kiện cơ bản nhất để quyết định thành quả trồng trọt thì đa số nông dân chưa tiếp cận được, như: vốn giá rẻ, hệ thống tưới tiết kiệm, công nghệ mới… Về cán bộ khoa học và doanh nghiệp, nông dân phải gặp được những người có tâm thực sự, nếu không, chỉ một khuyến khích sai của nhà khoa học là nông dân lâm cảnh lao đao hàng năm trời, có thể xem việc phát triển cây cao su ở miền Trung gần đây là ví dụ.
* Chúng ta nói về nông nghiệp rất nhiều, bàn rất nhiều. Mỗi tỉnh, mỗi vùng, cả nước đều có ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật, có viện nghiên cứu… Nhưng theo ông, vì sao sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ và chưa thể nào liên kết trên diện rộng vì lợi ích chung?
- Mọi hoạch định chính sách của chính quyền, kế hoạch làm ăn của doanh nghiệp hay sự tính toán trồng trọt của nông dân muốn đúng, phải bắt nguồn từ những thông tin chính xác. Thực tế là tại Việt Nam, ai cũng có thể công bố thông tin nông nghiệp, cũng có thể ra khuyến cáo. Nhiều thông tin, nhưng không ai xác định được đâu là thông tin chuẩn. Phải có người xác tín thông tin: giá xuất khẩu, nhu cầu thị trường, khuyến khích trồng cây gì, nuôi con gì... Hiện tại, nông dân muốn chọn nghe ai thì chọn, tin theo kênh nào thì nuôi, trồng theo kênh đó, và điều này dẫn đến sự manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể liên kết. Về quy hoạch chung, tôi nghĩ cần liên kết vùng, không thể duy trì việc mỗi địa phương làm một mạch khác nhau và hay thay đổi.
* Ông đã có nhiều kinh nghiệm trong nhập khẩu lai tạo giống, thiết kế vùng nguyên liệu và xuất khẩu trái cây. Theo ông, làm sao để trái cây Đồng Nai bán được và bán lâu dài một cách chuyên nghiệp, bền vững hơn?
- Kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang một thị trường khó tính như Mỹ cho thấy đòi hỏi căn bản nhất là an toàn thực phẩm. Rất cụ thể, đối tác sẽ yêu cầu minh bạch toàn bộ quy trình: Phun gì? Xịt gì? Canh tác thế nào? Xài phân bón gì? Chúng tôi thiết lập quy trình sản xuất sạch, ứng dụng và phải công bố hoàn toàn thông tin cho đối tác, họ lấy thông tin đó trình cơ quan giám sát, nhận được sự đồng ý rồi mới bàn đến chuyện mua bán.
Theo suy nghĩ của tôi, trái cây Đồng Nai nói chung và Long Khánh nói riêng để bán được, xuất khẩu được, cần một cách làm bài bản hơn. Chưa nói đến những vấn đề khác, về chính sách, trước mắt cần trả lời mấy câu hỏi: đặc sản trái cây Long Khánh (dựa trên thổ nhưỡng) là gì? Bảo vệ chúng như thế nào? Đề xuất các tỉnh khác phối hợp quy hoạch thế nào? Đề xuất gì với Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn? Nếu vẫn manh mún thì khó lòng lâu dài được. Còn những khâu khác như thiết lập quy trình sản xuất không quá khó, sẽ làm sau.
* Chúng ta sắp tham gia những hiệp định đối tác thương mại đa phương, trong đó thị trường nông nghiệp cũng phải mở cửa cho nông sản ngoại tràn vào với thuế suất 0% (như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, dự kiến từ năm 2014). Theo ông, nông sản chúng ta đã đủ sức vóc để cạnh tranh chưa?
- Tôi nghĩ chúng ta chưa chuẩn bị kịp. Nông sản Việt Nam nói chung và trái cây Việt Nam nói riêng chưa có thương hiệu, chưa thể cạnh tranh ngay chính sân nhà nếu nông sản ngoại tràn vào với giá rẻ hơn và chất lượng đồng đều hơn. Chưa cần đến lúc đó, hiện tại ngoài sạp trái cây, hàng ngoại đã tràn ngập. Nếu vẫn không thấy điều này, thì có khả năng thị trường Việt Nam sẽ là nơi tung hoành của nông sản giá rẻ và phẩm chất thấp. Trong khi đó, hàng Việt lại chưa thể cạnh tranh lâu dài ở thị trường ngoại. Một thiệt thòi rất lớn cho nông dân.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Phú Cường gắn bó với Dona - Techno từ năm 1996, hiện tại công ty vẫn trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam. Cách đây gần 20 năm, Dona - Techno đã chú trọng đặc biệt đến việc phát triển vùng trái cây đặc sản, dựa trên những điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt vùng Đông Nam bộ, là đơn vị nhập khẩu chính ngạch và lai tạo đầu tiên nhiều loại giống: sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, xoài xanh giống Thái. Dona- Techno đang có những bước đi rất bài bản trong nghiên cứu, phát triển và phân phối thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đặc trị các bệnh khó chữa cho nhiều loại cây trồng với phương châm “an toàn và giá rẻ”.
Related news
Theo số liệu từ trung tuần tháng 10 đến nay, nông dân trong thị xã đã xuống trên 100 ha hành tím sớm, rải rác ở một số địa phương như phường 2, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước, Lai Hòa; trong đó, Vĩnh Phước xuống giống nhiều nhất trên 80 ha. Ngoài các địa phương nói trên thì một số hộ xuống giống vào cuối tháng 9/2014, đến nay hành đã gần 1 tháng tuổi, với hi vọng hành bán được giá cao khi thu hoạch.
Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, hiện rệp sáp bột hồng gây hại trên cây sắn trồng ở niên vụ 2014 - 2015 tiếp tục diễn ra. Qua kiểm tra thực tế, đơn vị này đã phát hiện rệp sáp bột hồng gây hại 20ha sắn trồng tại các xã An Hòa, An Nghiệp, An Xuân, tỉ lệ gây hại từ 20% đến 50%.
Đứng trước ruộng sắn nước xanh um lá, anh Nguyễn Minh Tuấn (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) cho biết, ruộng sắn nước nhà anh trông khá đẹp, nhưng khi nhổ thử thì củ quá nhỏ, năng suất ước 2,5 tấn/sào nên người mua chỉ trả giá 3 triệu đồng/sào. Với chi phí 5 triệu đồng/sào, anh lỗ khoảng chục triệu đồng.
Ngoài bán quả sa nhân, thời gian qua, nông dân xã Phìn Ngan còn có thêm thu nhập từ bán cây sa nhân giống cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Bát Xát và một số huyện khác của tỉnh. Thậm chí, nông dân tỉnh khác cũng đến Phìn Ngan tìm mua cây sa nhân tím về trồng. Giá mỗi cây giống từ 3.000 - 5000 đồng. Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng ước tính, tiền bán cây sa nhân giống của nông dân xã Phìn Ngan năm nay đạt trên 400 triệu đồng.
Mục tiêu của việc thử nghiệm để xác định khả năng chịu mặn của từng giống lúa, từ đó đánh giá mức độ chịu mặn và khả năng thích nghi với từng vùng đất chuyển đổi lúa - tôm, nhằm khuyến cáo nông dân thực hiện trong các vụ mùa tới, góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống lúa chịu mặn, thích nghi, có năng suất, thời gian sinh trưởng ngắn ngày, khắc phục tình trạng thiếu hụt giống, giá thành cao.