Khóc Ròng Với Cây Sương Sáo
Nếu như vào thời điểm này của năm trước, nhiều nông dân trồng sương sáo ở xã Hiệp Hưng (địa phương có diện tích trồng sương sáo nhiều nhất của huyện Phụng Hiệp - Hậu Giang) rất phấn khởi vì giá sương sáo ở mức cao, thì năm nay, bà con nơi đây đang khóc ròng vì thị trường tiêu thụ sương sáo đang gặp bế tắc.
Giá sương sáo giảm mạnh
Năm 2013, giá sương sáo khô thu mua đầu vụ trên 26.000 đồng/kg, lúc sốt hàng lên đến 35.000-36.000 đồng/kg, nhưng năm nay, giá sương sáo lúc đỉnh điểm chỉ ở mức 13.000 đồng/kg và hiện tại chỉ còn 8.000-11.000 đồng/kg. Đáng nói là, do giá thấp, thị trường tiêu thụ chậm, nên lượng sương sáo còn tồn đọng trong dân rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Vững, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Bà con nơi đây thu hoạch sương sáo đợt 1 trong tháng 4 vừa qua hầu hết còn chất đống tại nhà, vì giá thấp và có ít thương lái đến thu mua. Riêng tôi còn 4 tấn sương sáo khô đang chờ thương lái đến cân từ nhiều tháng qua nhưng chẳng thấy đâu, nên cuộc sống gia đình lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau”.
Gia đình ông Vững trồng được 6 công sương sáo, trong tháng 4 vừa qua, sau khi thu hoạch xong đợt 1, tuy ông đã chấp nhận bán cho thương lái với giá 13.000 đồng/kg, nhưng thương lái cứ hẹn lần hẹn lựa ngày cân và kéo dài cho đến hôm nay.
Mấy ngày trước, mặc dù thương lái có đến hỏi mua nhưng lại hạ giá xuống còn 9.000 đồng/kg, đồng thời ra yêu cầu, nếu gia đình đồng ý bán thì cho nợ lại tiền và chỉ trả khi nào sương sáo tại kho xuất hàng được. Với việc, thương lái hứa thời gian trả tiền vô định như thế nên ông Vững vẫn quyết định trữ sương sáo lại tại nhà, mặc dù biết rằng trong thời gian tới sẽ đối mặt nhiều khó khăn.
Ông Vững cho biết thêm: “Tôi trồng sương sáo đã 10 năm nay, nhưng chưa có năm nào rơi vào tình cảnh bế tắc như thế này. Mọi năm, tuy giá có lúc lên lúc xuống nhưng cũng bán được, riêng năm nay thì lại rất khó khăn, thương lái luôn ép giá nông dân. Điều lo ngại nhất của tôi cũng như nhiều bà con nơi đây là, mùa vụ thu hoạch sương sáo đợt 2 sắp đến, nếu không bán sương sáo đợt 1 được thì thu hoạch đợt 2 sẽ không có chỗ chứa và không có tiền thuê nhân công”.
Hệ lụy của phong trào trồng tự phát
Bắt nguồn từ việc sương sáo là loại cây dễ trồng, mỗi năm có thể cho thu hoạch 2-3 đợt (tùy vùng đất), từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ mất 3-4 tháng, năng suất đạt từ 1-1,2 tấn/công, chi phí đầu tư cho việc làm cỏ, phân bón, phun thuốc, tưới nước… mỗi công khoảng 10 triệu đồng và sau khi trừ chi phí, nhiều hộ có nguồn thu nhập vài chục triệu đồng/công.
Đặc biệt, năm 2013 vừa qua, do sương sáo sốt giá nên nhiều hộ nông dân đã bỏ mía hoặc hoa màu để chuyển sang trồng loại cây này, từ đó dẫn đến diện tích tăng lên đáng kể.
Chị Lan, ở cùng ấp Mỹ Hưng kể: “Do trồng mía nhiều năm liền bị thua lỗ nên năm 2013, tôi đã chuyển hơn 1 công đất sang trồng thử nghiệm cây sương sáo và năm đầu cho lợi nhuận khá cao. Năm nay tiếp tục mở rộng toàn bộ diện tích 1ha, ai ngờ giá lại rớt thảm hại và rất khó bán”.
Theo bà con trồng sương sáo ở xã Hiệp Hưng, thời gian đầu, thương lái địa phương liên kết với thương lái nước ngoài hỏi mua sương sáo với giá cao (25.000-30.000 đồng/kg), nên một số người trồng sương sáo trúng đậm, vì tính ra giá thành chỉ khoảng 12.000 đồng/kg. Do thấy ngon ăn nên nhiều hộ ở đây đã ùn ùn mở rộng diện tích. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến nay, giá sương sáo giảm mạnh hiện ở mức 8.000-11.000 đồng/kg, với lý do thương lái Trung Quốc không thu mua nữa.
Nếu năm 2013, toàn xã Hiệp Hưng chỉ có khoảng 16ha diện tích trồng sương sáo, thì sang năm 2014, diện tích tăng lên gần 60ha. Với diện tích trên, năm nay, người dân xã Hiệp Hưng sẽ cung ứng hơn 600 tấn sương sáo khô. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là, hiện chỉ có 3 thương lái thu mua sương sáo cho bà con nhưng giá cả bấp bênh.
Do vậy, việc cạnh tranh trong thu mua như những năm trước đây hầu như không có, tình trạng nông dân bị ép giá không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, hiện người trồng sương sáo cũng đang lo lắng về sản phẩm mình làm ra liệu có được tiêu thụ khi thị trường đang có dấu hiệu bế tắc như hiện nay.
Với tình hình khó khăn về đầu ra của cây sương sáo hiện nay, một lần nữa, vấn đề hệ lụy của phong trào trồng tự phát lại được nhắc đến. Điều này, càng nhắc nhở ngành chức năng cần có những định hướng và hướng dẫn nông dân trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như thế nào cho phù hợp và mang tính bền vững, tránh chạy theo phong trào để rồi bao khó khăn nông dân luôn là người gánh chịu...
Related news
Chiều 10/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Lê Quốc Doanh và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp & PTNT về triển khai công tác phòng, chống bệnh đốm nâu trên thanh long. Tham dự cuộc họp có một số sở, ban ngành; ban chỉ đạo phát triển cây thanh long bền vững các địa phương và một số nông dân trồng thanh long.
Cần đặt ngành Chăn nuôi của Việt Nam vào “bản đồ” chăn nuôi thế giới để thay đổi cách tiếp cận trong việc phát triển ngành theo hướng sản xuất hàng hóa có cạnh tranh cao về chất lượng, giá trị trong tiêu dùng và xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nay, dù dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, song chăn nuôi của Hà Nội vẫn tương đối ổn định.
Nhờ áp dụng công nghệ nuôi bò sữa của Israel nên năng suất cho sữa của đàn bò ở trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa của TPHCM có năng suất cao hơn năm trước gần 19%. TPHCM hiện đang tính toán để nhân rộng mô hình này.
Mặc dù là mô hình chăn nuôi mới, nhưng vài năm trở lại đây nuôi vịt trời đã được nhiều trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lựa chọn vì mang lại hiệu quả kinh tế cao.