Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi Người Dân Tộc Quyết Chí Làm Giàu

Khi Người Dân Tộc Quyết Chí Làm Giàu
Publish date: Monday. April 28th, 2014

Việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc vẫn luôn là một nỗi quan tâm lớn của các cấp chính quyền địa phương. Đa phần cuộc sống đồng bào dân tộc còn khó khăn, trong đó nhiều hộ thiếu ý thức vươn lên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Song, một thực tế phải nhìn nhận là có rất nhiều người dân tộc đầy nghị lực, vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng.

Toàn tỉnh chỉ có gần 12.000 hộ của 13 dân tộc thiểu số (chiếm 0,42% dân số của tỉnh), trong đó đông nhất là dân tộc Khmer, khoảng 7.800 hộ, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số lại cao gấp gần 3 lần tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhìn nhận: “Dù số lượng không nhiều, nhưng chúng ta ghi nhận sự nỗ lực một bộ phận người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Ngoài sự trợ lực từ Nhà nước, ý thức vươn lên chính là “chìa khoá” để đưa người dân tộc thành công và làm giàu”.

Cần mẫn làm giàu

Bước vào căn nhà kiên cố, khang trang với đầy đủ tiện nghi của chị Huỳnh Thị Na, ở ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, khó ai có thể hình dung được rằng, nơi đây hơn 26 năm về trước chỉ là một căn chòi tạm.

Ngày đầu lập gia đình ra riêng, vợ chồng chị Na chỉ có 2 công đất ruộng mẹ chồng cho mượn để canh tác. Cuộc sống thiếu trước hụt sau bởi vụ lúa chỉ đem lại đủ chén cơm cho 5 nhân khẩu. Vất vả từng ngày làm mướn với đủ thứ nghề cấy lúa, nhỏ cỏ, làm bún,… vợ chồng dành dụm được ít tiền sang thêm vài công ruộng. Rồi hôm nay, từ sự trợ giúp chính sách với 7 triệu đồng xây dựng nhà 134, gia đình anh chị đã biến nó thành căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. 3 người con của anh chị một là giáo viên, 2 đang học phổ thông.

Có được cơ ngơi như hôm nay, chị Na vẫn chưa coi là đủ. Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng, khi mọi người vẫn còn ngủ say thì chị lại cặm cụi đem rau cải ra chợ bán, tối mịt mới về nhà. Chồng chị tranh thủ chở thuê những chuyến hàng khô ra chợ tỉnh, rồi chở đồ tươi về cho vợ bán, mỗi chuyến thu lời khoảng 150.000 đồng. Người dân xung quanh hiếm khi được gặp vợ chồng chị vì cả hai thường đi từ sáng sớm đến tối mới về nhà.

Ông Đoàn Chí Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, cho biết, cả ấp Đá Bạc này ai cũng khâm phục sự chí thú làm ăn của gia đình chị Na.

Chị Na tâm sự: “Nghe trên ti-vi vẫn thường hay nói người dân tộc nghèo khó nên vợ chồng quyết tâm làm, phần vì mặc cảm, phần vì không muốn cứ trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tôi nghĩ, làm giàu không khó, quan trọng là mình phải biết quyết tâm làm và tích lũy”.

Gia đình ông Lý Văn Quang, ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh cũng là một điển hình về sự cần mẫn, chịu khó, biết tận dụng đất đai sản xuất, đem về lợi nhuận khá lớn. Từ diện tích vườn nhỏ hẹp chỉ vài trăm mét vuông đến cái sân trước nhà đều được ông tận dụng trồng rau cải.

Ông Quang tâm sự: “50 năm trước đây, khi lộ làng chỉ là con đường đứt, cuộc sống eo hẹp, khó khăn, bà con Nhân dân, học sinh xóm Khmer Nhỏ này phải chịu vất vả trong đi lại, học hành. Giờ lộ bê-tông thẳng tắp, việc đi lại dễ dàng. Xung quanh nhà nào cũng trồng rau cải xanh mướt. Cuộc sống sung túc lắm rồi”.

Ngoài việc tận dụng đất trống trồng rau màu, ông Quang còn nuôi bò, trồng quýt, nuôi cá sấu mỗi năm đem về thu nhập cho gia đình 70-80 triệu đồng. Có vốn tích luỹ, ông mua thêm 12 công đất khác tiếp tục canh tác. Những cố gắng của bản thân không chỉ đem về cho gia đình ông một cuộc sống ấm no mà 3 năm liền ông đều được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Ông Quang chia sẻ: “Nếu biết cố gắng, đừng ngại khó, ngại khổ thì người dân tộc cũng có thể làm giàu nhanh chóng”.

Phong trào trồng rau màu trong đồng bào dân tộc được phát động nhiều năm qua. Ban đầu chỉ có một vài gia đình, đến nay cả ấp, cả xóm đều trồng màu. Từ cây dưa leo đến khổ qua, bầu, bí, mướp, cây gì thích hợp với vùng đất này là người dân đều trồng. Xóm Khmer Nhỏ sung túc hẳn lên.

Ông Danh Hoàng Rim, Trưởng ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh, hớn hở khoe: “Không gì là không thể, trừ khi mình không làm thôi. Ở đây đồng bào dân tộc ai cũng quyết chí làm ăn, một phần cũng nhờ vào công tác tuyên truyền, vận động đã phần nào “thấm” vào suy nghĩ của họ. Tin rằng không bao lâu sau ấp này sẽ không còn hộ người dân tộc nghèo nữa”.

Phát huy vai trò người “uy tín”

Ông Hữu Văn Nhọ, người uy tín trong đồng bào dân tộc của ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cũng là người tiêu biểu cho sự cần cù, chịu khó của người dân tộc nơi đây. Căn nhà 3 gian trị giá hơn 400 triệu đồng được xây dựng cách nay gần 10 năm chính là thành quả cho sự chịu thương, chịu khó của gia đình ông.

Ngoài 10 công đất có được từ ngày đầu lập nghiệp, đến nay ông tích góp mua thêm gần 50 công đất nữa để nuôi tôm. Cộng với 2 ao cá và vườn cây ăn trái và gần 1,5 ha ruộng đã đem về thu nhập bình quân mỗi năm cho gia đình ông gần 500 triệu đồng/năm. 3 người con của ông được học hành, thành đạt, trở thành những kiến trúc sư, kế toán. Riêng ông, 5-6 năm liền là nông dân sản xuất giỏi của huyện.

Ông Nhọ chia sẻ chân tình: “Là người uy tín, mình phải đi đầu trong các phong trào, cố gắng làm ăn; theo đó, vận động anh em, bà con cùng nhau phát triển kinh tế, dành dụm cho con cháu mai sau”.

“Làm giàu không khó, chỉ khó ở chỗ có ý chí quyết tâm hay không. Hiện nay, Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao mức sống. Đây là tiền đề, bước đệm để những hộ nghèo còn lại phát huy sức lao động, ý chí vươn lên, vượt qua nghèo khó”, ông Nguyễn Thanh Điền nhận định.


Related news

Quảng Nam Hướng Tới Cây Màu Trong Chiến Lược Chuyển Đổi Tiết Kiệm Nước Quảng Nam Hướng Tới Cây Màu Trong Chiến Lược Chuyển Đổi Tiết Kiệm Nước

Sau hơn một năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nền nông nghiệp Quảng Nam đã có diện mạo tươi sáng hơn, đưa giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với sản xuất lúa, trong đó cây ngô, cây lạc khẳng định tính ổn định và bền vững.

Saturday. May 24th, 2014
Vùng Rau Chuẩn An Toàn Duy Nhất Của Tỉnh Bắc Ninh Vùng Rau Chuẩn An Toàn Duy Nhất Của Tỉnh Bắc Ninh

Tháng 1-2014, dự án rau an toàn thuộc Khu thực nghiệm Nông nghiệp công nghệ cao (Sở KH&CN) được khởi động, đến nay, cung ứng 500-700kg rau an toàn mỗi ngày. Với quy trình sản xuất chặt chẽ, khoa học, dự án được cấp giấy chứng nhận VietGap và trở thành một vùng rau an toàn duy nhất được công nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ở thời điểm này.

Saturday. May 24th, 2014
Bài Học Từ Việc Bỏ Cây Ca Cao Bài Học Từ Việc Bỏ Cây Ca Cao

Đầu năm 2014, ACDI/VOCA, một trong những tổ chức tham gia hỗ trợ, tập huấn nông dân trồng ca cao từ đầu, công bố lý do vì sao nông dân chặt bỏ cây ca cao khi giá hạt ca cao giảm còn trên dưới 30.000 đồng/kg.

Wednesday. May 7th, 2014
Ngành Điều Đối Phó Với Cạnh Tranh Trung Quốc Ngành Điều Đối Phó Với Cạnh Tranh Trung Quốc

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết ngành xuất khẩu hạt điều đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng và thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu vì sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc.

Saturday. May 24th, 2014
Tìm Hướng Nâng Cao Giá Trị Khoai Lang Tìm Hướng Nâng Cao Giá Trị Khoai Lang

Vĩnh Long có hơn 10.000ha khoai lang, nhưng hiện vẫn chưa có vùng sản xuất giống cung ứng tại chỗ. Gần 90% nông dân phải mua dây giống từ nơi khác hoặc trao đổi để trồng, dẫn đến tình trạng nhiều giống khoai bị thoái hóa, sinh trưởng kém, sâu bệnh tăng và năng suất giảm.

Wednesday. May 7th, 2014