Khắc phục thiệt hại ở vùng nuôi tôm
Thiệt hại nặng
Ở vụ 2 nuôi tôm nước lợ vùng triều, gia đình ông Nguyễn Xuân Lập (thôn Thanh Đông, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ) thả nuôi 50 vạn con tôm giống ở 3 ao nuôi có tổng diện tích 1ha. Khi tôm đến gần ngày thu hoạch thì bão kéo đến làm mất trắng, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
“Theo tính toán của gia đình thì cuối tháng này sẽ thu hoạch rồi nghỉ ngơi chờ tháng 3 sang năm sẽ tiếp tục sản xuất. Vậy nhưng bão bất ngờ kéo đến đánh sập bờ ao nuôi, nước sông Trường Giang dâng mạnh đã khiến tôm nuôi thoát ra ngoài” - ông Lập nói.
Vùng sản xuất nuôi tôm của gia đình ông Lập là khu vực ven sông Trường Giang, đoạn sát ngay cầu Tam Thanh.
Đây là vùng trũng thấp, ao nuôi luôn thường trực tình thế bị nước sông gây ngập. Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, hạ tầng nuôi tôm ở khu vực này rất sơ sài, bờ ao không kiên cố, thủy lợi chưa được đầu tư nên rất dễ bị thiệt hại khi có bão lụt.
“Số tiền để mua tôm giống của gia đình chúng tôi là 40 triệu đồng. Tiền thức ăn và các chi phí thuốc, men vi sinh là 200 triệu đồng. Trong khi đó tôm nuôi đến ngày thu hoạch, đạt trọng lượng khoảng 6 tấn. Thiệt hại của gia đình tổng cộng là 600 triệu đồng” - ông Lập ước tính.
Ông Mai Văn Trưởng túc trực ở ao nuôi để chăm sóc, phòng bệnh có thể xảy ra trên tôm nuôi.
Bão số 3 đã đi qua nhưng hậu quả ở lại với người nuôi tôm là quá nặng nề. Khắp 6 huyện, thành phố ven biển của tỉnh đều bị thiệt hại. Theo thống kê sơ bộ, TP.Hội An thất thoát khoảng 3 tấn tôm, tổn thất của người nuôi là hơn 300 triệu đồng.
Thị xã Điện Bàn có 4ha ao tôm bị sạt lở, hơn 10 tấn tôm thương phẩm đến kỳ thu hoạch trôi theo nước, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. TP.Tam Kỳ, huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Núi Thành đều có nhiều ao nuôi tôm bị bão gây hư hại.
Ông Trương Công Hoa (thôn Hóc Rộ, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) cho biết: “Bão đến sớm quá. Gia đình tôi đã chú tâm nuôi tôm thẻ chân trắng đúng theo khuyến cáo lịch mùa vụ của Phòng Kinh tế TP.Hội An. Dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng này. May mà còn kịp thời thu hoạch sớm chứ không thì mất trắng khoảng 7 tấn tôm thương phẩm rồi”.
Theo ông Hoa, mặc dù tôm nuôi không bị mất nhưng do thu hoạch sớm, bán tôm với giá rẻ nên thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng. Gia đình ông Hoa vẫn còn may mắn hơn nhiều nông hộ ở đây khi họ bị nước cuốn trôi gần hết sản lượng tôm nuôi sắp sửa đến kỳ thu hoạch.
Tạo ổn định cho tôm
Chưa triển khai hỗ trợ người nuôi
Theo Quyết định 152/2009/QĐ-TTg ngày 31.12.2009 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Vậy nhưng, những năm qua người nuôi thủy sản tại Quảng Nam vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ này do Quảng Nam không công bố dịch.
Theo nhiều phân tích để phát triển thủy sản bền vững trong thời gian tới, Quảng Nam cần có sự đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án phát triển, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Sở NN&PTNT đề xuất, Trung ương cần tổ chức các cuộc họp trực tuyến định kỳ để qua đó bàn về các khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nuôi trồng thủy sản hiện nay như vấn đề quản lý con giống, hướng dẫn về các chế tài xử lý, phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Qua phân tích, bàn bạc sẽ có các giải pháp nâng tầm nuôi thủy sản phát triển hơn mức hiện nay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thiệt hại đối với người nuôi tôm không chỉ dừng lại ở những thất thoát tôm nuôi khi bão đến mà còn bởi các hệ lụy sau bão. Vào thời điểm này, rải rác các diện tích nuôi tôm trên cát đã bị chết ở các địa phương như Núi Thành, Thăng Bình.
Tôm nuôi bị chết thường ở giai đoạn dưới 100 ngày tuổi, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Nguyên nhân tôm chết vì môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm vốn là hệ lụy sau bão. Nhiều hộ nuôi có kinh nghiệm, lường trước việc này nhưng không khống chế được do mầm bệnh lây lan nhanh trong nước.
Thời tiết không ổn định, mưa nắng xen kẽ, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch quá cao cũng khiến cho tôm nuôi bị chết. Cùng với đó là tôm được thả nuôi chưa lâu, sức đề kháng quá yếu.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để bảo vệ và không để bệnh trên tôm nuôi lây lan, ngành nông nghiệp tỉnh đã phân công các cán bộ thuộc Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh bám sát cơ sở, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ tôm nuôi.
Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp có liên quan thực hiện tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo về diện tích bị bệnh để có hướng tổ chức sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian đến.
Tại các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, phường Cẩm Châu, Cẩm Nam (TP.Hội An) vào những ngày này, nhiều hộ nuôi tôm be đắp bờ ao, sửa sang lại các đường ống dẫn nước giúp tôm ổn định, phát triển. Nhiều nông hộ khác thì chủ động kiểm tra và tu bổ lại bờ đê chắc chắn, đảm bảo giữ được nước ổn định cho tôm nuôi sinh trưởng tốt.
Nhiều hộ kỹ càng đặt lưới chắn, tránh tình trạng tôm nuôi thất thoát ra ngoài lỡ khi nước sông dâng quá cao sau bão. Trong khi đó ở các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ, nhiều nông hộ tháo bớt nước trong ao nuôi tôm, rải vôi xung quanh bờ ao phòng thủy triều làm trôi phèn xuống ao nuôi gây biến động độ pH trong ao nuôi.
Việc bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men vi sinh vào ao nuôi tôm cũng được các nông hộ thực hiện. “Sau khi bão đi qua, nguồn nước ở các sông luôn bị biến động mạnh. Môi trường nước trong ao nuôi tôm cũng bị biến động theo thủy triều. Vì thế, điều kiện tiên quyết là phải giữ sự ổn định về môi trường nước trong ao nuôi tôm.
Chúng tôi luôn túc trực quanh ao tôm để chủ động xử lý khi nước trong ao nuôi tôm có biểu hiện khác thường” - ông Mai Văn Trưởng, chủ hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Phú Quý (xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) nói.
Related news
Triển khai từ tháng 1-2013, mô hình phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 tại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) được đánh giá là khá hiệu quả. Qua đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và địa phương, các ruộng bắp trong mô hình sinh trưởng và phát triển vượt trội; hiệu quả ước đạt cao hơn so với canh tác truyền thống khoảng 20 đến 30%.
Vịt Super Heavy có ngoại hình đẹp, chân vàng, lông trắng, tỷ lệ nạc khá cao, trọng lượng đạt từ 3,3 - 3,68 kg/con sau 1,5 tháng nuôi, cho lãi từ 750 - 850 nghìn đồng/100 con.
Thay vì nuôi những giống gà lai, gà công nghiệp, mấy năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Văn Thân, thôn Lân Thịnh, xã Phúc Hòa (Tân Yên, Bắc Giang) đã đầu tư chăn nuôi gà tre, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến thời điểm này, Công ty TNHH XNK Nông sản Hồng Ân (xã Hải Ninh, Bắc Bình - Bình Thuận) đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng Nhà máy xử lý thanh long bằng hệ thống xử lý hơi nước nóng, công suất 4.200 tấn/năm. Theo đó, công ty đã có văn bản trình Cục Bảo vệ thực vật xem xét, kiểm tra để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động và bảo đảm tính pháp lý cho việc vận hành nhà máy.
Chiều 14-4, ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiệp hội đang cùng các nhà chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT sang Na Uy để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về mô hình nuôi, chế biến và xuất khẩu cá hồi. Na Uy là đất nước nổi tiếng về nghề nuôi và xuất khẩu cá hồi, xuất khẩu cá hồi đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD/năm.