In tên ông giáo sư trên bó rau có đáng tin
Đầu tư vào bao bì, hình ảnh, xây dựng thương hiệu một thời được coi là cách gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp nói chung.
Việc kêu gọi nông dân, các cơ sở chế biến thực phẩm truyền thống phải hiện đại hóa, đầu tư đóng gói sản phẩm chuyên nghiệp cách đây mươi mười lăm năm được ưu tiên.
Rõ ràng đó là một lộ trình hợp lý để đầu ra sản phẩm có vẻ chuyên nghiệp hơn.
Hình ảnh và đời sống người làm ra sản phẩm đó cũng có vẻ bớt lấm lem trong đời sống đang hiện đại hóa muôn mặt.
Giai đoạn bao bì đi cùng với đóng chuẩn chất lượng, kéo theo đó là sự thay đổi về phương thức làm ra sản phẩm đạt tiêu chí, quy trình, đảm bảo những hệ tiêu chuẩn chất lượng.
Sản xuất truyền thống đi vào quy trình công nghiệp, tính chuyên nghiệp thể hiện nơi bao bì, nhãn mác, logo.
Sự yên tâm của khách hàng về sản phẩm được căn cứ trên bao bì.
Nói cách khác, bao bì gửi tín hiệu về chuẩn mực chất lượng đến khách hàng.
Mua hàng rõ nguồn gốc, có lẽ là thông điệp được các cơ quan chức năng, chuyên gia khuyến cáo người dân sau những đợt bê bối vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể được diễn dịch một cách nôm na rằng, nên mua những gì có bao bì nhãn mác rõ ràng để đảm bảo chất lượng và để tiện truy cứu khi có vấn đề về chất lượng.
Nhưng cuộc sống nào có đơn giản vậy.
Niềm tin con người khó có thể đóng một cây đinh yếu đóng trên bờ tường nhũn.
Chỗ nọ, chỗ kia, người nông dân từ bỏ các hợp tác xã, không tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn nhưng vẫn được các cơ sở, nhà phân phối thu mua, đóng chuẩn để bán ra thị trường phục vụ nhu cầu số đông, những vụ xì căng đan về dư lượng hóa chất trong rau đội lốt bao bì sạch xuất hiện nơi nọ nơi kia lại khiến người tiêu dùng hoang mang.
Niềm tin vào bao bì sau những vụ việc này, đã bị lung lay.
Cảm giác bội tín của khách hàng là có thật, khi họ nhận ra trên thực tế, mua một bó rau có bao bì có ghi nguồn gốc, nhãn mác ở siêu thị có giá gấp đôi, gấp ba ngoài chợ, nhưng thực tế chất lượng chẳng trội hơn chút nào.
Bỏ tiền để mua sự đóng gói, mua một sự an tâm hão huyền?
Con đường từ logo bao bì đã đến lúc phải đi xa hơn.
Một hôm bạn nhìn thấy tên của các vị giáo sư khả kính, các viện nghiên cứu được đóng lên những bó rau để chứng minh một điều: đây là bó rau sạch.
Cay đắng làm sao khi khách hàng vốn đang tuột dốc niềm tin, sẽ phải truy vấn tới cùng, rằng, liệu ông giáo sư hay cái viện nọ, trung tâm kia có đi giám sát quy trình chất lượng hay chỉ cho thuê tên, bán uy tín trên mỗi bó rau? Sự rẻ rúng đau đớn của danh vị bấy lâu nào phải chỉ nằm ở việc cơ sở đào tạo học hàm học vị mọc lên như nấm mà còn nằm ở chỗ người ta dùng những chức danh, học hàm học vị ấy vào việc gì?! Vậy là, trong một xã hội mất niềm tin, bao bì bó rau có khi cũng đặt lại vấn đề về giá trị của những vị giáo sư, tiến sĩ dễ như chơi!
Bạn còn biết tin vào điều gì?
Hãy đến những tiệm rau organic một đôi lần để rồi thấy cái niềm tin ấy được chuyển hóa từ bao bì sang… không bao bì, từ bản địa sang hướng ngoại, từ siêu thị sản phẩm đóng gói hàng loạt sang… nhà vườn truyền thống thủ công.
Bó rau trong các cửa hàng organic đôi khi không có nhãn mác, xuất xứ, nhưng chủ cửa hàng đã niêm yết trước mắt khách một bảng nguyên tắc sản xuất hữu cơ theo công nghệ Singapore, Nhật, hay châu Âu với mô hình trang trại nhỏ.
Rau được đặt trên những gian kệ đẹp, thân thiện, tạo cảm giác trong lành, khả tín.
Vậy là đã có thể thuyết phục người tiêu dùng.
Khách hàng sẵn sàng mua những bó rau cỏ vẻ “nhà trồng” với giá gấp bốn, gấp năm lần giá bó rau đóng gói có “nguồn gốc” sản xuất hàng loạt được bày bán trong siêu thị.
Vậy là, đến đây, con đường từ bó rau không nhãn mác bao bì đến có nhãn mác bao bì, rồi từ chỗ có nguồn gốc chứng nhận đến lột bỏ bao bì là một hành trình của niềm tin tiêu dùng giữa bối cảnh mà tính chính danh bị thử thách, niềm tin xã hội đặt vào các giá trị, bảo chứng chuyên môn đang bị khủng hoảng trầm trọng.
Related news
Ở Sơn La, không chỉ cây nhãn mà xoài, bơ, cam quýt, hồng, mận…, gần như cứ trồng loại cây ăn quả nào cũng có thể giúp nông dân kiếm bộn tiền.
Những năm gần đây, nông dân ở xã Nghi Thuận (Nghi Lộc, Nghệ An) đã sử dụng rơm phủ để trồng các loại rau xanh, nhất là cải củ, hành tăm, thu nhập đạt 22 triệu đồng/ sào/năm.
Trong giai đoạn nâng chất tiêu chí nông thôn mới (NTM), TP.HCM sẽ xây dựng những chính sách thích hợp vừa đảm bảo huy động được các nguồn lực xây dựng NTM, vừa đảm bảo không vượt quá sức dân và doanh nghiệp (DN).