Dân Sơn La hái ra tiền từ các loại cây ăn quả, xuất hiện tỷ phú xoài
Thực tiễn cho thấy cây ăn quả đang dần trở thành một thế lực ở tỉnh Tây Bắc này.
Cây bơ, một trong những “cây tiền tỉ” ở Mộc Châu
Tỉ phú cây ăn quả
Ở Bản Áng, xã Đông Sang (huyện Mộc Châu, Sơn La), có một khu đồi người dân nơi đây hay gọi là khu đồi trọc.
Sở dĩ nó có cái tên như thế bởi trước đây, người ta trồng ngô liên tục đến nỗi đất chai sạn, ngô chẳng mọc được bắp nữa nên dần dần bị bỏ hoang.
Thế nhưng bây giờ, khu đồi trọc rộng hơn 8ha ấy không còn trọc nữa, mà đã trở thành một vùng cây ăn quả ngút ngàn, hàng năm đưa lại cho chủ nhân của nó là anh Cao Văn Công hàng tỉ đồng lợi nhuận.
Chúng tôi tới trang trại của anh Công đúng lúc ông chủ này đang xắn tay thu hoạch xoài, đóng vào thùng các-tông, thương lái từ Hà Nội lên đã đỗ sẵn xe tải ngay ở cổng khuân hàng chuẩn bị chuyển về.
Những quả xoài giống lai Đài Loan lớn như bắp đùi, mỗi quả trung bình nặng tới 1kg, quả lớn tới 2kg.
Anh Công cho biết: Cái lợi nhất của xoài Sơn La đó là mùa thu hoạch diễn ra từ tháng 7 tới tháng 9 hàng năm, đúng vào giai đoạn mà vụ xoài miền Nam đã kết thúc nên thương lái khắp nơi tranh nhau đặt hàng.
Hiện loại xoài Đài Loan ở trang trại anh Công được thương lái tại Hà Nội đặt mua từ lúc còn xanh với giá loại đẹp tới 40 nghìn đồng/kg.
Quy ra mỗi quả xoài có trị giá trung bình từ 50 - 60 nghìn đồng.
Năm nay, vườn xoài gần 1.500 gốc (hơn 5ha) của anh Công ước cho thu hoạch trên 100 tấn quả, với giá trung bình khoảng 35 nghìn đồng/kg, anh ẵm về không dưới 3 tỉ đồng.
Hiện tại, vườn cây ăn quả của anh Công thường xuyên duy trì 10 lao động, 2 kỹ sư nông học để giám sát kỹ thuật.
Anh Công kể: Trước đây, anh đã từng đưa vào trồng nhiều loại cây như rau, hoa, tuy nhiên xét về giá trị kinh tế thì không gì bằng cây ăn quả nên bây giờ toàn bộ 8ha anh đã chuyển hết sang trồng cây.
Dĩ nhiên là để có ngày “ngồi đếm tiền” như hôm nay, anh Công cũng phải đổ ra không ít mồ hôi, tiền của đầu tư để thuê thầu, cải tạo hơn 8ha đất đồi trọc suốt từ năm 2004 đến nay.
Nhưng quả là đất không phụ công người.
Anh bảo, điều quan trọng hơn, nó cho thấy vùng đất Mộc Châu không chỉ có bò sữa, có rau ôn đới, có chè, mà Mộc Châu nói riêng, Sơn La nói chung có thể hái tiền nhờ cây ăn quả.
Nếu như Sông Mã, Mai Sơn phất lên với cây nhãn, Mộc Châu cũng có thể phất lên với nhiều loại cây ăn quả khác, nhất là xoài, bơ.
Ngoài cây xoài đã khẳng định được khả năng phát triển, tại khu trang trại của anh Công mấy năm gần đây cũng đã thử nghiệm đưa vào một số giống bơ, kết quả cho thấy cây bơ “kết” với vùng đất Mộc Châu chẳng kém gì cây xoài, giá trị kinh tế cũng không thua kém.
Với mật độ trồng tương đương như xoài (khoảng 300 cây/ha), một số giống bơ trồng tại vườn anh Công khoảng 4 - 5 năm tuổi đang cho thu hoạch với năng suất trung bình 200 kg/cây, một số cây cho năng suất cao có thể lên tới 300kg/cây.
“Tỉ phú cây ăn quả” Cao Văn Công phân tích: Tương tự như xoài, cây bơ ở Mộc Châu cũng có mùa thu hoạch rải đều từ khoảng tháng 7 đến tháng 9 hàng năm.
Đây là giai đoạn mà vựa bơ tại miền Nam và các tỉnh Tây Nguyên đã hết mùa nên giá rất cao.
Hơn thế, với khí hậu mát mẻ, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm khá cao cộng với đặc thù thổ nhưỡng, bơ Mộc Châu được người tiêu dùng rất ưa thích do vị thơm mát, béo đậm, giá bán luôn cao hơn so với bơ Tây Nguyên từ 5 - 10 nghìn đồng/kg.
Thời điểm này, các thương lái từ Hà Nội đang đặt hàng vườn bơ của anh Công với giá trung bình 40 nghìn đồng/kg.
“Mỗi gốc bơ chỉ cần trung bình cho 200kg quả, nhà vườn đã có thể thu về ngót nghét chục triệu đồng/năm.
Tại vườn bơ của tôi, đã từng ghi nhận cây bơ 8 năm tuổi, cho thu hoạch 30 triệu đồng/cây/năm”, anh Công không ngần ngại cho biết.
Cú hích chính sách
Ở Sơn La, không chỉ có nhãn, bơ, mà nhiều loại cây ăn quả khác cũng đang thi nhau chạy đua ngang ngửa về giá trị kinh tế.
Cây na, đại táo, cam ở huyện Mai Sơn; cây hồng giòn, mơ, mận ở Mộc Châu; cây xoài bản địa ở Yên Châu…, cây gì cũng đang cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/ha.
Cây ăn quả đang lấn dần cây ngô, mía, sắn, thậm chí cà phê.
Việc trồng - chặt của người dân nơi đây chẳng có gì là chuyện đáng bàn, miễn là cho giá trị kinh tế cao.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, ngay trong 6 tháng đầu năm 2016, diện tích cây ăn quả của tỉnh này đã tăng vùn vụt hàng nghìn ha, trong đó cây xoài trồng mới trên 430ha; cây nhãn trồng mới gần 600ha; cây có múi trồng thêm 140ha; hồng giòn, bơ trồng mới trên 10ha…
Tính đến năm 2016, thống kê chưa đầy đủ, diện tích cây ăn quả của tỉnh này đã tăng lên con số gần 21 nghìn ha, trong đó Sông Mã hơn 5.200ha (chủ yếu là nhãn); Mộc Châu trên 3.300ha; Yên Châu trên 2.500ha…
Để tạo thêm cú hích cho tiềm năng cây ăn quả của tỉnh, mới đây, Tỉnh ủy Sơn La đã chủ trương riêng cho việc phát triển cây ăn quả đến năm 2020.
Sơn La sẽ đưa cây ăn quả lên đất dốc
Theo đó, cùng với việc ghép cải tạo, hình thành các vùng cây ăn quả chuyên canh tập trung, Sơn La sẽ từng bước đưa các loại cây ăn quả có sức chống chịu, nhất là cây nhãn lên đất dốc, đưa một số cây ăn quả thành cây trồng lâm sản ngoài gỗ tại các diện tích rừng có điều kiện.
Để khởi động cho chương trình này, ông Hà Quyết Nghị, GĐ Sở NN-PTNT Sơn La cho biết: Hiện diện tích nhãn ghép cải tạo toàn tỉnh mới chỉ đạt trên 2.000ha trong tổng số trên 8.000ha.
Vì vậy trước mắt đối với cây nhãn, Tỉnh ủy Sơn La đã có chủ trương sẽ ghép cải tạo 100% diện tích nhãn trên toàn tỉnh.
Không những thế, UBND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, quy hoạch nâng tổng diện tích nhãn toàn tỉnh lên 13 - 14 nghìn ha, tăng 5 - 6 nghìn ha nữa so với hiện tại.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-CN Sơn La tiến hành triển khai làm chỉ dẫn địa lý để xây dựng thương hiệu cho nhãn Sông Mã.
Đồng thời, đã thực hiện hỗ trợ xây dựng thí điểm 8 HTX cây ăn quả, trong đó có 4 HTX thí điểm tại vùng nhãn Sông Mã nhằm tiến tới hình thành các chuỗi hàng hóa lớn, xa hơn là phục vụ xuất khẩu.
Không chỉ nhãn, Sơn La sẽ tiến hành ghép cải tạo đối với nhiều cây trồng khác như xoài, cam, táo…
Để đẩy nhanh ghép cải tạo, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 200 nghìn đồng/hộ thực hiện ghép cải tạo vườn tạp; 1 triệu đồng/hộ đối với vùng di dân tái định cư và hộ nghèo.
Để đảm bảo chất lượng giống, tỉnh đang rà soát quản lí chặt đối với 160 cơ sở giống trên toàn tỉnh.
Hiện Sở NN-PTNT cũng đã tiến hành công nhận cho một cơ sở giống nhãn đủ điều kiện SX giống làm mắt ghép, đồng thời phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả đưa thêm nhiều bộ giống cây ăn quả để khảo nghiệm trên địa bàn tỉnh.
Để chuẩn bị cho kế hoạch tiêu thụ dài hơi, Sơn La cũng đã tiến hành xây dựng SX cây ăn quả theo VietGAP tại 8 HTX, đồng thời đã có văn bản đề nghị Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) phối hợp xây dựng một số vùng trồng được cấp mã số để sẵn sàng phục vụ XK khi có doanh nghiệp vào cuộc.
Khó khăn nhất hiện nay đó vẫn là xây dựng SX theo VietGAP, bởi quy trình khá khó khăn, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, mà muốn cấp mã số vùng trồng thì trước hết phải xây dựng được VietGAP.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT cần sớm thay đổi cơ chế SX VietGAP thế nào đó cho đơn giản, dễ dàng hơn nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu để XK.
Ông Hà Quyết Nghị - GĐ Sở NN-PTNT Sơn La
Related news
“Dù xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2015, nhưng quan điểm của chúng tôi là không thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Cả hệ thống chính trị cùng nhân dân sẽ quyết tâm tiếp tục nâng cao chất và lượng các tiêu chí hơn nữa trong những năm tới” - ông Nguyễn Văn Chức – Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc - Chủ nhiệm HTX Thỏ Việt, HTX chọn rau muống nước làm sản phẩm chủ đạo để xây dựng thương hiệu vì nhu cầu tiêu thụ loại rau này rất lớn.
Từ 2 bàn tay trắng với ý chí, quyết tâm làm giàu đã giúp ông Đặng Anh Tuấn (60 tuổi) vượt qua khó khăn để thành “vua trang trại” ngay trên mảnh đất quê hương (xóm 7, xã Xuân Sơn, Đô Lương).