Huyện Quang Bình Tổng Kết Sản Xuất Nông Lâm Nghiệp Năm 2014

Vừa qua, UBND huyện Quang Bình tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Đến dự có các đồng chí: Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy; Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, UBND, HĐND; UBND 15 xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị của huyện.
Năm 2014, mặc dù bị ảnh hưởng của gió lốc, mưa lớn gây sạt lở, ngập úng 632 nhà dân và nhiều công trình phúc lợi công cộng khác; diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng trên 257 ha, ước tính tổng thiệt hại trên 15 tỷ đồng… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền nền kinh tế của huyện vẫn phát triển và đạt được nhiều kết quả tốt.
Huyện tăng cường chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đột phá, các chương trình trọng tâm, chương trình sản xuất hàng hóa, duy trì ổn định tốc độ sản xuất nông - lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất và đời sống, nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
Các tiềm năng thế mạnh của rừng được khai thác gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững; công tác phòng chống dịch bệnh gia súc có hiệu quả, phát triển chăn nuôi gia súc gắn với thâm canh; chương trình quy tụ dân cư sống rải rác ở và vùng có nguy cơ sạt lở về nơi an toàn được triển khai hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới….
Vì thế đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Kết quả diện tích gieo cấy đạt trên 5.219 ha, năng suất ước đạt 57 tạ/ha, cây ngô trên 2.469 ha, năng suất ước đạt 33,5 tạ/ha, cây lạc trên 2.192 ha, năng suất ước đạt trên 19 tạ/ha… Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 38 tấn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã nghiêm túc chỉ ra những hạn chếtồn tại cần phải rút kinh nghiệm, đó là: Công tác chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa cao, đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định…
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2015, Hội nghị tập trung thảo luận đề ra các giải pháp thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức sản xuất phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch, xác định rõ từng vùng: vùng thâm canh lúa, vùng chăn nuôi tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản... Đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, gắn với lợi thế của từng vùng nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai kế hoạch sản xuất năm 2015 đạt kết quả tốt, nhất là trong sản xuất vụ Đông - xuân, chú trọng phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại và sử dụng con giống mới có chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng chống hiệu quả. Thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, đất rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung của chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra quản lý quy hoạch; tranh thủ và huy động mọi nguồn lực để xây dựng các tiêu chí nông thôn mới.
Hội nghị cũng đã thông qua báo cáo công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng năm 2014 và kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp năm 2015…
Related news

Từ các chương trình và dự án về phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt, Trung tâm Giống thủy sản và Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức nhiều lớp huấn luyện, xây dựng điểm trình diễn để chuyển giao kỹ thuật ương lươn giống và nuôi lươn thịt. Đây là mô hình giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật mới, phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian vừa qua, đàn bò của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị bệnh lở mồm long móng (LMLM). Trong khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm mọi cách để khống chế dịch bệnh thì thương lái đã tìm đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua bò với giá rẻ. Điều này gây thiệt đơn thiệt kép, không chỉ thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn khiến dịch bệnh lây lan.

Mấy năm gần đây, nghề nuôi ong trên địa bàn thị trấn Mậu A (Văn Yên, Yên Bái) phát triển mạnh. Tuy là nghề mới nhưng lợi nhuận được cho là “một vốn đôi lời” từ vật nuôi này đang mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân trong vùng.

Chúng tôi về xã Giao Hà (Giao Thủy) đúng lúc người dân đang hối hả, tất bật với việc thu hoạch hoa hòe để… chạy bão. Già, trẻ, gái, trai ai cũng bận rộn “hái hòe”. Đây cũng là thời điểm cây hòe đang cho hoa, nụ nhiều nhất trong năm. Nhiều năm nay, người dân trong xã đã khai thác thế mạnh của đất phù sa sông Hồng để trồng hòe và đinh lăng xuất bán làm dược liệu.

Toàn thôn Thanh Thủy (Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) có 550 hộ dân thì đã có hơn 400 hộ dân theo đuổi nghề trồng hành hàng chục năm nay. Trước hiệu quả kinh tế đem lại, cây hành ngày càng được bà con nông dân “tín nhiệm”. Họ rất muốn mở rộng diện tích trồng hành nhưng lại gặp phải “nút thắt” vì thiếu cát.