Được mùa biển gần bờ
Thu sang. Trời ấm. Từng đàn cá kình, cá ngừ kéo nhau vào bờ. Đó cũng là thời điểm thuận lợi cho hoạt động của nghề khai thác cá vùng ven biển của ngư dân. Cả tháng nay, bến cá Bình Châu, Sa Kỳ, Tịnh Kỳ tấp nập tàu đánh bắt của ngư dân. Tàu vừa về đến cảng, bán cá xong, như dân lại vội vã nhổ neo ra khơi.
Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đưa cá vào bờ sau một đêm đánh bắt.
Khai thác gần bờ thường trưa hoặc chiều tàu sẽ ra khơi. Sau một hoặc vài ba ngày tàu sẽ trở vào bờ. Khoảng cách buông lưới chỉ cách bờ mấy chục hải lý. Cá gần bờ thường không phải là loại cá to như đánh bắt khơi xa, nhưng do thời gian trữ cá trên tàu ngắn nên cá rất tươi ngon, bán được giá cao.
Mùa này, cá khai thác gần bờ chủ yếu là cá kình (có nơi gọi là cá bù nú) và cá ngừ loại nhỏ. Tại cảng cá Sa Kỳ, tàu của ngư dân Phạm Văn Mến (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) vừa vào với khoang tàu toàn cá kình. Ngư dân chuyển lên bờ, cân cho chủ nậu. Những chiếc xe chở hàng đông lạnh về mua cá chờ sẵn.
Anh Mến ước lượng số cá mình vừa đánh bắt được khoảng 2 tấn. Giá bán 35.000 đồng/kg, tính ra một đêm đánh bắt thu được khoảng 70 triệu đồng. Bốn lao động trên tàu được anh Mến trả cho mỗi người 5,5 triệu đồng. Riêng anh Mến trừ chi phí, còn lại hơn 30 triệu đồng. “Khoảng 10 ngày nay, ngày nào cũng trúng cá kình. Cá kình mùa này tiêu thụ nhanh, giá giữ mức ổn định” – anh Mến cho biết.
Có nhiều tàu đánh bắt vùng biển cách bờ khoảng 50 hải lý, sau 3 – 5 ngày bủa lưới, hầu hết các tàu đều thu được từ 4 – 6 tấn cá kình. Hiện nay, giá dầu diezel đang giảm sâu nên chi phí đi biển của ngư dân cũng nhẹ hơn trước. Trong khi giá bán cá khá ổn định, nên mức thu nhập của các tàu cá đạt khá cao so với những tháng đánh bắt trước đó.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã này cho biết: “Các tàu đánh bắt gần bờ vào thời điểm này mỗi chuyến ra khơi từ 3 – 5 ngày, trừ chi phí còn lãi cả trăm triệu đồng. Lâu lắm rồi ngư dân khai thác gần bờ mới trúng đậm cá kình như thế”.
Sự biến động về mùa cá có lẽ như đang tiếp diễn với mùa thu này, khi mà từng đoàn cá ngừ, cá nục lại kéo về vùng biển gần bờ ở đảo Lý Sơn. Không chỉ tàu cá của ngư dân Lý Sơn mà một số tàu cá của các tỉnh lân cận cũng đổ về đây để đánh bắt. Cá nục mùa này giá bán khoảng 30.000 đồng/kg; cá ngừ khoảng 40.000 đồng/kg đã đem về cho ngư dân niềm vui “cá trái vụ”.
Trò chuyện với chị Dương Thị Hậu ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) khi chị ra cảng cá chờ đón chồng và con trai sau một đêm đi biển. Chị Hậu bảo: “Mấy ngày nay đánh được cá ngừ loại nhỏ. Mỗi đêm cũng được độ 300 – 500kg. Cá về đến bến là có người mua ngay, giá 30.000 đồng/kg. Mọi năm vào thời điểm này ít khi đánh được cá ngừ”.
Cũng tại chân cầu cảng Lý Sơn, nhiều tàu cá khác khai thác được cá nục suôn. Với gần 1 tấn cá nục suôn sau một đêm đánh bắt trên vùng biển cách Lý Sơn khoảng chục hải lý, ngư dân Trần Hiếu, thôn Tây, xã An Vĩnh thu được gần 40 triệu đồng.
Related news
So với các tỉnh, thành trong cả nước, Bạc Liêu được xếp vào tỉnh giàu tiềm năng về kinh tế biển. Với bờ biển dài 56km, Bạc Liêu đã và đang hình thành những mô hình nuôi trồng, xuất khẩu đột phá đứng nhất, nhì cả nước. Đồng thời nơi đây cũng đang tập trung nhiều dự án động lực để doanh nghiệp, ngư dân thay nhau làm giàu.
Ngày 21-4, Cục Thú y phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo “Tác nhân và một số giải pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp AHPNS và bệnh vi bào tử trùng EHP trong sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm”. Các cơ sở sản xuất tôm giống ở tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và một số hộ nuôi tôm thương phẩm dự hội thảo.
Thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn hán gay gắt đã ảnh hưởng lớn đến việc nuôi trồng thủy sản (NTTS), người dân cần cẩn trọng khi thả nuôi.
Tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến cá tra phục vụ cho xuất khẩu, nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải quyết nguồn vốn đầu tư vùng nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Dự án đầu tư chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco sản xuất - chế biến – xuất khẩu do công ty TNHH SXTM DV Thuận An (Tafishco) thực hiện đã mang lại kết quả tích cực.
Tháng 9-2014, bà Lê Thị Hồng (thôn Suối Khô, xã Phước Chính, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) và một số người dân trong xã được tham gia lớp tập huấn trồng nấm do Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tổ chức. Sau khóa học, thấy được tính khả thi của loại cây này, bà Hồng đã “bắt tay” trồng nấm tại nhà.