Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hướng Mở Cho Làng Nghề Cá Khô Vàm Láng

Hướng Mở Cho Làng Nghề Cá Khô Vàm Láng
Publish date: Wednesday. September 10th, 2014

Thị trấn Vàm Láng không chỉ được nhiều người biết đến với cảng cá lớn nhất khu vực Gò Công, Lễ hội Nghinh Ông, Di tích Lăng Ông Nam Hải… mà còn có làng nghề cá khô truyền thống. Cùng với các loại hình chế biến khác như lột ghẹ, lột tôm, chế biến mắm, tôm khô, ruốc khô… nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Theo các vị cao niên, Làng nghề cá khô Vàm Láng gắn liền với sự hình thành của làng cá Vàm Láng từ rất xưa và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay. Thuở ban đầu, người xưa làm khô vì lượng cá tươi đánh bắt được quá nhiều, ăn không hết nên chế biến, dự trữ để ăn dần trong những lúc trời mưa to, bão lớn.

Rồi theo thời gian, những cư dân ở đây đi làm ăn nơi xa đều mang món cá khô của quê nhà theo để ăn và được nhiều người ở xứ khác khen ngon, nhờ đặt mua giùm. Dần dần từ đó, món cá khô ở làng biển này đã có mặt ở những sạp khô, mắm trong và ngoài tỉnh.

Nghề phơi cá khô truyền thống đã góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương. Địa bàn hoạt động của nghề chế biến cá khô chủ yếu tập trung ở khu phố Chợ 1 và khu phố Chợ 2 của thị trấn Vàm Láng. Số hộ tham gia có quy mô vừa và nhỏ chiếm 38% trên tổng số hộ dân trong khu vực làm nghề chế biến thủy sản (1.338 hộ), đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 500 lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Với nghề chế biến cá khô Vàm Láng, mỗi năm sử dụng 5.000 tấn cá các loại, trị giá trên 50 tỷ đồng, cung cấp cho thị trường 1.500 tấn khô cá mối, cá lưỡi trâu, cá chỉ vàng, cá đổng, cá lù đù… Ngoài việc chế biến cá khô bán lẻ, nhiều hộ còn làm đầu mối thu gom để cung cấp cho các chủ vựa để bán ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, TP. Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long An…

Anh Lê Văn Danh, chủ cơ sở sản xuất cá khô khu phố Chợ 2, thị trấn Vàm Láng cho biết: Tùy theo con nước, tàu đánh bắt về lúc nào thì đem cá về lúc đó và làm không kể ngày đêm nhằm bảo đảm độ tươi của con khô sau khi thành phẩm.

Vào những khi cá nhiều, làm không kịp thì sẽ ướp muối đá cho vào kho trữ lạnh để giữ độ tươi của cá. Quy trình làm cá khô truyền thống ở vùng biển này như sau: làm sạch vây, vảy, ruột, sau đó ướp muối hoặc tẩm gia vị, đem xếp lên giàn phơi nắng, mỗi ngày cần được trở 2 lần.

Nếu nắng tốt, chỉ cần phơi đủ 2 nắng là con khô đạt yêu cầu. Các khâu: rửa, cắt ruột, đánh vảy thì tiền công 1.000 đồng/kg, phơi thì 3.000 đồng/vỉ, thu nhập bình quân của người lao động từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Được biết, trước đây anh là “bạn” đi biển, bây giờ lớn tuổi nên chuyển sang nghề làm cá khô với cơ sở chế biến thành lập hơn 10 năm nay. Trung bình hàng ngày cơ sở của anh có hơn 10 lao động tham gia các khâu chế biến, phơi, sấy khô.

Tại hộ bà Mười Đăng (khu phố 1, thị trấn Vàm Láng), toàn bộ khoảnh sân trước cửa nhà đều được tận dụng phơi khô. Không phải là cơ sở chế biến lớn nên gia đình bà chỉ làm cá khô vào những tháng nắng, trung bình mỗi ngày phơi từ 50 - 100 kg cá tươi. Sản phẩm khô truyền thống của bà nổi tiếng với khô cá lù đù, cá mối được các sạp khô ở chợ TX. Gò Công đặt hàng mà không đủ cung cấp.

Chị Trần Thị Thu, chủ cơ sở sản xuất, cung ứng hải sản, khô, ruốc nổi tiếng ở khu phố 2, thị trấn Vàm Láng, giới thiệu quy trình sản xuất cá khô của gia đình làm nghề truyền thống trong hàng chục năm qua. Tại khu vực sản xuất cá khô của chị trung bình mỗi ngày có 26 nhân công tham gia các khâu xẻ cá, phơi khô.

Thu nhập bình quân của mỗi lao động từ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, vào những lúc tàu đánh bắt được mùa thì thu nhập có thể tăng hơn vì lượng cá xẻ khô nhiều. Sản phẩm khô của chị chủ yếu được tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh với lượng thành phẩm trung bình mỗi ngày 1 tấn khô cá mối, cá đổng, cá lưỡi trâu…

Chị Thu cho biết: Hiện nay, đầu ra sản phẩm khô của cơ sở đã ổn định và nhiều lúc sản phẩm làm ra không đủ bán vì nhu cầu tiêu thụ lớn, trong khi nghề làm khô lại phụ thuộc nhiều vào lượng cá đánh bắt của tàu cá, đặc biệt là thời tiết. Vào mùa nắng, nhiệt độ cao, mẻ khô nhìn đẹp, hấp dẫn người ăn và chi phí sản xuất không cao; trong khi vào mùa mưa, chất lượng con khô giảm và chi phí sản xuất cao vì để khô đạt yêu cầu thì phải sấy bằng nhiệt.

Hiện nay, cơ sở của chị Thu cũng như một số cơ sở sản xuất cá khô khác sử dụng cách sấy khô truyền thống là sử dụng quạt đẩy hơi nóng từ bếp than tàn ong sang vỉ khô. Công đoạn này rất quan trọng vì nếu hơi nóng ít thì khô không đạt yêu cầu, nếu ngược lại thì thịt khô bị chín.

Làng nghề cá khô Vàm Láng tuy phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn cần được sự quan tâm và hỗ trợ của các ngành chức năng. Đó là: Bên cạnh một số cơ sở sản xuất theo quy mô lớn, còn có nhiều cơ sở chế biến sản xuất dưới hình thức hộ gia đình; mặt bằng, diện tích sử dụng cho các công đoạn chế biến còn hạn chế; chưa tiếp cận với quy trình sản xuất hiện đại. Nguồn nước sử dụng phục vụ cho chế biến từ nguồn nước sinh hoạt gia đình.

Nguồn vốn sản xuất của các cơ sở chế biến là vốn tự có, chưa có các dự án hỗ trợ vốn đầu tư để phát triển nghề. Sản phẩm làm ra các cơ sở tìm mối tiêu thụ và bán tại chợ, chưa có thương hiệu để quảng bá sản phẩm. Nơi chế biến đan xen trong khu dân cư, nước thải từ chế biến thải ra các đường cống thoát nước công cộng nên ảnh hưởng đến môi trường…

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng trăn trở về hướng phát triển của làng nghề cá khô của thị trấn: Nếu được đầu tư, phát triển hợp lý, làng nghề chế biến cá khô sẽ mở ra cơ hội cho người dân thị trấn và các xã lân cận trong việc giải quyết việc làm, nhất là duy trì nghề truyền thống gắn liền với nghề khai thác hải sản của vùng biển quê hương.

Điều cần thiết là cần có những dự án đầu tư vào làng nghề nhằm giúp các chủ cơ sở sản xuất, hộ gia đình có điều kiện được vay vốn ưu đãi, có cơ hội tiếp cận công nghệ, thiết bị chế biến sản phẩm hiện đại cũng như được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm.


Related news

Ngăn Chặn Virus Cúm Gia Cầm Xâm Nhập Vào Việt Nam Ngăn Chặn Virus Cúm Gia Cầm Xâm Nhập Vào Việt Nam

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), nguy cơ những chủng virus cúm hiện đang xuất hiện tại Trung Quốc, xâm nhập vào Việt Nam qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới trong thời gian tới là rất cao.

Thursday. January 23rd, 2014
Giá Hồ Tiêu Vẫn Cao Giá Hồ Tiêu Vẫn Cao

Hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu tiêu hàng đầu thế giới với sản lượng chiếm 50% thị trường. Giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2013 bình quân là 7 ngàn USD/tấn. Năm 2014, giá hồ tiêu có thể sẽ tăng nhẹ so với năm 2013.

Thursday. January 23rd, 2014
Thị Trường Tiêu Thụ Nấm Rơm Chưa Ổn Định Thị Trường Tiêu Thụ Nấm Rơm Chưa Ổn Định

Vụ nấm rơm đông xuân năm nay, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) xuống giống hơn 35ha, tập trung ở các xã ven sông Hậu như: Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa... Trong đó, xã Tân Hòa là nơi có diện tích trồng nhiều nhất, nông dân ở đây trồng nấm rơm quanh năm.

Thursday. January 23rd, 2014
Nhân Rộng Mô Hình Làm Giàu Từ Cây Ăn Quả Giá Trị Cao Nhân Rộng Mô Hình Làm Giàu Từ Cây Ăn Quả Giá Trị Cao

Xác định Đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao của TP là hướng đi quan trọng góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các mô hình sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, tương xứng với tiềm năng của ngành nông nghiệp Thủ đô Hà Nội.

Thursday. January 23rd, 2014
Bưởi Tết Bưởi Tết "Sốt" Giá

Giá bưởi tết hiện đang ở mức cao kỷ lục. Đứng ở mức cao nhất là bưởi Tân Triều (Đồng Nai) với bưởi đường da xanh ruột hồng có giá 1,1-1,2 triệu đồng/chục; bưởi đường lá cam loại 1 có giá từ 800 - 900 ngàn đồng/chục; tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thursday. January 23rd, 2014