Hướng Làm Giàu Cho Nông Dân Huyện Điện Biên
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, kinh nghiệm sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong những năm gần đây, huyện Điện Biên đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp mang lại hiệu quả cao.
Mỗi năm trang trại lợn của chị Nguyễn Thị Kim Thắng nuôi 500-600 con lợn thịt, tạo việc làm cho 3 nhân công, trả lương 4 triệu đồng/tháng. Trong ảnh: Nhân công trang trại cho lợn ăn.
Tính đến nay, toàn huyện có 200 trang trại và rất nhiều gia trại chăn nuôi gia súc, trong đó có 16 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT, đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng/năm; nhiều trang trại đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Năm 2008, bằng kinh nghiệm từ nhiều năm chăn nuôi, chị Nguyễn Thị Kim Thắng, đội 11, xã Thanh Hưng quyết định xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp theo hướng công nghiệp. Trên diện tích 5.000m2, chị Thắng đã xây dựng thành 4 dãy chuồng nuôi lợn thịt, vịt thịt và đào ao nuôi cá. Dãy chuồng lợn rộng 2.000m2, được xây dựng đảm bảo “đông ấm, hè mát”, thường xuyên nuôi 250 – 300 con/lứa, mỗi năm 2 lứa.
Dãy chuồng vịt rộng 1.300m2, nuôi 1.500 – 2.000 con/lứa, mỗi năm 4 lứa. Ao cá rộng 1.600m2, nuôi đủ các loại cá để tận dụng nguồn thức ăn từ chất thải chăn nuôi. Mỗi năm, chị Thắng xuất ra thị trường khoảng 40 tấn lợn thịt, 12 tấn vịt thịt. Đến nay, trang trại của chị cho thu nhập mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Ở trang trại nhà chị Thắng, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, vật nuôi được tiêm vắc xin định kỳ.
Đặc biệt, chất thải chăn nuôi đã được chị Thắng xử lý triệt để: Phân khô thì cho xuống hố, sau đó bán cho người dân làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước thải được cho vào bể bioga để làm khí đốt phục vụ gia đình. Hiện tại, trang trại của chị Thắng đang có 3 bể bioga xử lý chất thải, dung tích 16m3/bể, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Chị Thắng đã được huyện Điện Biên cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & PTNT và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích nông dân lao động, sản xuất kinh doanh giỏi năm 2012.
Từ thành công của chị Thắng, nhiều gia đình trên địa bàn xã Thanh Hưng cũng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tổng hợp. Hiện nay, đã có nhiều hộ đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm như: Ông Vì Văn Biến (đội 7); Phạm Hồng Giang (đội 19); Nguyễn Quyết Thắng (đội 1)...
Không chỉ ở xã Thanh Hưng, đến nay, phong trào chăn nuôi theo mô hình trang trại tổng hợp đã lan rộng ra hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Nhiều trang trại được đầu tư cho thu nhập từ 500 triệu – 1 tỷ đồng trở lên, như các trang trại của: ông Lò Văn Miên (đội 9, xã Thanh Nưa); Lò Văn Oai (đội 9, xã Thanh Chăn); Nguyễn Đức Tài (khu trại giam C10, xã Sam Mứn)... và rất nhiều mô hình gia trại chăn nuôi nhỏ đã hình thành và phát triển.
Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Điện Biên, năm 2003, anh Phan Văn Mão, đội 4, xã Pom Lót đã xây dựng trang trại nuôi vịt đẻ, xây dựng 3 lò ấp con giống, phát triển mô hình theo hướng công nghiệp khép kín. Mỗi năm, trang trại anh Mão nuôi 6.000 con vịt. Hàng tháng, anh Mão bán ra thị trường 30.000 quả trứng vịt và hơn 10.000 con vịt giống, doanh thu đạt 150 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, một bất cập hiện nay là, phần lớn các trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Điện Biên đang nằm xen kẽ trong các khu dân cư, các phương pháp xử lý chất thải chưa đảm bảo, ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Để giải quyết vấn đề này, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã khuyến khích người dân phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, áp dụng khoa học kỹ thuật trong xử lý chất thải chăn nuôi, giữ vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các trang trại hiện có trên địa bàn để cấp chứng nhận cho những trang trại đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Related news
Sáng 24.11, Tại Hà Nội, CLB Phóng viên Nông nghiệp, nông dân, nông thôn phối hợp với Báo Nông Thôn Ngày Nay đã tổ chức buổi Tọa đàm về nông dân và kinh tế hợp tác. Các chuyên gia, nhà quản lý và nhiều nhà báo đã quan tâm tới dự, chia sẻ sôi nổi về vấn đề này.
Những năm gần đây, Quang Chiểu - xã vùng cao biên giới của huyện Mường Lát (Thanh Hóa) luôn dẫn đầu huyện về giảm tỷ lệ hộ nghèo. Dự kiến cuối năm nay, số hộ nghèo của xã còn khoảng 4%.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, từ giữa tuần này các tỉnh miền Bắc sẽ đón đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
Trước năm 2004, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) trồng lúa rẫy nhưng năng suất thấp, thường xuyên phải ăn sắn. Đời sống bà con nơi đây đã đổi thay rõ rệt từ khi Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị mở nhà máy tinh bột sắn...
Nhiều hộ nuôi ếch trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hòa vốn hoặc thua lỗ khi giá ếch liên tục sụt giảm. Hiện ếch thịt được thu mua với giá 25.000 - 28.000 đồng/kg (loại 3 - 5 con/kg), so với vài tuần trước giảm từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.