Hướng Đi Nào Cho Sản Xuất Rau VietGAP?
Giữa thời điểm còn nhiều luồng thông tin về chất lượng rau an toàn (RAT) như hiện nay, việc thiết lập được những mô hình sản xuất rau thực sự đảm bảo chất lượng là mong mỏi cấp thiết của nhiều người tiêu dùng.
Đáng nói là thực tế, sản xuất rau theo hướng VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) dù đáp ứng được tiêu chí này, song nhiều năm nay vẫn loay hoay, bế tắc.
Chưa hấp dẫn nông dân
Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm là một trong những vựa rau lớn nhất Thủ đô với diện tích hơn 200ha, trong đó có 25ha rau sản xuất theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, thực tế, mô hình rau VietGAP chưa thực sự thu hút được người nông dân.
Nguyên nhân là do sản xuất theo quy trình VietGAP đòi hỏi yêu cầu khắt khe, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ghi chép nhật ký đồng ruộng từ khi xuống giống, chăm sóc, thu hoạch... "Với rau VietGAP, bà con nông dân mất nhiều công sức hơn, chi phí cũng tăng từ 10 - 15% so với RAT nhưng giá bán lại chỉ ở mức tương đương" - Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Cùng trong tình cảnh trên, HTX Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì dù được hỗ trợ rất lớn từ Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội nhưng gần 4 năm qua, diện tích sản xuất rau VietGAP chỉ tăng được khoảng 5 ha/năm. Hiện, toàn HTX có khoảng 20ha rau sản xuất theo quy trình VietGAP, chủ yếu là su hào, cà chua, súp lơ, bắp cải...
Ông Đặng Bá Thắng - Chủ nhiệm HTX Đại Lan chia sẻ, tuy chất lượng rau VietGAP rất đảm bảo nhưng đầu ra của sản phẩm vẫn bế tắc. Hiện nay, người dân chủ yếu tự tiêu thụ sản phẩm qua các kênh như chợ đầu mối, nhà hàng, bếp ăn tập thể... Do đó, người nông dân không mấy mặn mà với mô hình này.
Thực trạng rau VietGAP chưa được trả về "đúng giá trị" và "tắc" ở đầu ra đang trở thành nỗi trăn trở không chỉ của TP Hà Nội mà của nhiều địa phương khác trên cả nước.
Đó cũng là vấn đề được khơi lên tại hội thảo "Thực hành nông nghiệp tốt - VietGAP: Hiện trạng, định hướng và phát triển sản xuất RAT tại Việt Nam" do Bộ NN&PTNT tổ chức trong hai ngày 18 - 19/3.
Điều này cũng lý giải nguyên do, dù đã được chú trọng triển khai nhiều năm nay, song theo số liệu từ Cục Trồng trọt, đến nay cả nước mới chỉ có 1.185ha rau được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP - một con số quá khiêm tốn!
Thiết lập lại thị trường
Trở lại câu chuyện về đầu ra cho rau VietGAP, theo các địa phương, mấu chốt của vấn đề hiện nay là sự "bắt tay" giữa các "nhà" còn lỏng lẻo. Trong đó, sự tham gia của doanh nghiệp còn khá mờ nhạt và thiếu sức bền. Đơn cử như vùng rau Văn Đức, trước đây HTX và các hộ dân đã từng liên kết với Công ty Hương Cảnh để tiêu thụ sản phẩm, nhưng nay đã tạm dừng do nhiều khó khăn trong hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Tân Lộc - Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, thiếu sự liên kết dọc và liên kết ngang giữa các tác nhân trong ngành hàng rau nên chưa giải quyết tốt được khâu tiêu thụ sản phẩm. Bởi vậy, tổ chức sản xuất rau theo quy trình VietGAP phải trên cơ sở liên kết bền chặt giữa Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Trưởng phòng Giao dịch (Sàn Giao dịch Rau quả & Thực phẩm an toàn Hà Nội) cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng đối với rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là rất lớn. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất rau VietGAP mặc dù được đầu tư nhiều nhưng không phát triển được như kỳ vọng. Điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có những vấn đề không hợp lý về phát triển, tổ chức và quản lý thị trường.
Do hạn chế về quản lý nên thị trường RAT tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung rất "loạn", gần như không kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng rau. Điều này ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, để phát triển sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cần phải chú trọng nhiều hơn đến giải quyết vấn đề thị trường, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, tránh cách làm trước đây chủ yếu tập trung vào hỗ trợ kỹ thuật.
Và để tạo lập được một thị trường tiêu thụ rau quả VietGAP, cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bởi theo tính toán, chỉ riêng đối với Hà Nội sẽ cần khoảng 5 - 10 năm với kinh phí vài trăm tỷ đồng mới có thể xây dựng được một hệ thống phân phối rau quả an toàn đảm bảo yêu cầu.
Khâu phân phối RAT từ sản xuất đến tiêu dùng cần phải rút ngắn lại vì hiện nay có quá nhiều nhà buôn bán nhỏ làm giá nên giá bán rau tại đồng ruộng khác xa so với siêu thị, cửa hàng, dẫn tới chính người dân không được hưởng lợi - Bà Nguyễn Thị Xuân ThuThứ trưởng Bộ NN&PTNT.
Related news
Trước và trong tết Nguyên Đán, tại các xã Tam Quan, Đại Đình, Hồ Sơn, Bồ Lý (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) xuất hiện tình trạng gia cầm, chủ yếu là gà bị ốm, chết bất thường.
Hiện nay trên địa bàn xã Quách Văn Phẩm, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) có hơn 400 hộ thực hiện mô hình nuôi sò huyết xen canh tôm cho thu nhập khá, tập trung nhiều nhất ở 2 ấp Ngã Oác và Bào Hầm.
Những tưởng vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ có gió, sóng và sản vật từ biển, nhưng rất lạ ở nơi này còn nuôi được heo rừng – vật nuôi chỉ thường nuôi ở vùng núi, trung du. Dẫu chưa phải là phổ biến song việc con heo rừng đang thích ứng tốt với điều kiện sống ở đây như một thí nghiệm hay cần được tiếp tục nghiên cứu…
Năm 1981, ông Thành phục viên rồi lấy vợ. Để nuôi gia đình, ông đấu thầu hơn 1ha đất ngoài bãi sông Kinh Thầy để cấy lúa, trồng ngô, khoai… Nhưng do thiên tai, cái đói, nghèo cứ bám lấy gia đình ông.
Theo đề nghị của Huyện ủy, UBND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Hội nông dân (ND) tỉnh đã mời TS Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Phân bón Sông Lam trực tiếp đến xã Đa Mi giúp địa phương “cứu” cây cà phê.