Đồng Nai phát triển ca cao cần theo dự án
Hiện thị trường đang xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua ca cao. Tuy nhiên, với dự án phát triển cánh đồng lớn cho cây ca cao, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) đang được xây dựng ngày càng bền chặt để cùng phát triển cây ca cao thành cây “vàng” làm giàu cho nông dân.
* Cạnh tranh thiếu lành mạnh
Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), chia sẻ: “DN đã thực hiện dự án liên kết với nông dân để phát triển cây ca cao cả chục năm qua. Khó khăn lớn nhất trong dự án là sự phân chia đồng đều trách nhiệm giữa nông dân và DN”.
Theo ông Khanh, liên kết giữa DN và nông dân vẫn rất dễ bị phá vỡ khi xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua ca cao. Cụ thể, Trọng Đức ký kết hợp đồng bao tiêu và có chính sách đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định. Nhưng khi có DN bên ngoài “nhảy” vào, trả giá cao hơn để cạnh tranh thu mua, nông dân sẵn sàng phá vỡ liên kết. Vì chỉ mua đứt bán đoạn nên khi gặp cảnh ca cao dội chợ, rớt giá, họ không thu mua nữa, bỏ rơi nông dân.
Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho DN đầu tư dự án chế biến ca cao tại địa phương. “DN kiến nghị cần có một quy chế chặt chẽ, có tính ràng buộc và quy định trách nhiệm rõ hơn cho từng đối tượng tham gia liên kết. Trong đó, cần phát huy vai trò là cầu nối giữa DN và nông dân của hợp tác xã. Và để làm được như vậy, hợp tác xã cần phải thay đổi về chất với đội ngũ được đào tạo để nâng cao năng lực hoạt động”- ông Khanh nhấn mạnh.
Cũng từng gặp cảnh khó khăn trên khi đầu tư cho nông dân phát triển cây ca cao nhưng ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh) lại không lo ngại nhiều về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh này. Ông Lộc phân tích, vài năm trước tình trạng thu mua chụp giựt trên thị trường ca cao vẫn xảy ra. Nhưng chính nông dân cũng nhận thấy cái “lợi bất cập hại” của tình trạng thu mua chụp giựt này nên không vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ hợp đồng với DN bao tiêu. Bản thân DN cũng tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc tổ chức tốt hơn khâu thu mua với quan điểm cùng chia sẻ lợi nhuận với nông dân.
* Chia sẻ lợi ích với nông dân
Ông Lộc cho biết thêm: “Tôi đang cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Puratos Grand-Place Việt Nam. Tập đoàn này đã đầu tư nhà máy chế biến tại Việt Nam chứ không đơn thuần làm kinh doanh nên đang tiếp tục triển khai dự án đầu tư hàng triệu USD để phát triển cây ca cao vào năm 2016. Từ niên vụ 2015 - 2016, tập đoàn đã triển khai thêm chính sách chia sẻ lợi nhuận với nông dân bằng cách tính thêm điểm thưởng cho nông dân theo hàng quý”.
Tổ chức tốt khâu thu mua, chia sẻ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh cho nông dân để phát triển mối liên kết bền vững là hướng đi DN đang thực hiện để phát triển cây ca cao theo hướng bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Dự án cánh đồng lớn cây ca cao đang triển khai trên địa bàn Đồng Nai được nông dân rất ủng hộ. Vì Công ty TNHH cao cao Trọng Đức đang phát triển theo hướng đầu tư chế biến sâu và hiện đã có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản. Theo đó, công ty có giá bao tiêu sản phẩm cho nông dân cao và sẽ tiếp tục điều chỉnh giá lên theo thị trường”.
Theo ông Phước, tuy có tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng với DN bán ca cao ra ngoài nhưng chỉ là số ít. Nguyên nhân cũng không phải chỉ là lỗi của phía nông dân mà do khâu tổ chức thu mua của tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương chưa tốt. Ở đây, khâu tuyên truyền, vận động nông dân cũng cần được quan tâm hơn, minh bạch hoạt động của hợp tác xã để xã viên hiểu và ủng hộ.
Related news
Sau Tết Nguyên đán, nhiều nông dân chuyên sản xuất, tạo hình nông sản “độc - lạ” ở đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tìm tòi, học hỏi để cải tiến sản phẩm. Kế hoạch thời gian tới, họ sẽ phối hợp, đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài giới thiệu.
Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy (Giao Thủy, Nam Định), nằm ở phía nam cửa sông Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ ra biển, rất lợi thế cho việc phát triển kinh tế với nhiều nghề: nuôi ngao, nuôi tôm, nuôi ong lấy mật, trồng nấm, khai thác rau câu… Đặc biệt, sản lượng nuôi ngao ở VQG Xuân Thủy được xếp loại hàng đầu cả nước. Với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân gắn bó với nghề nuôi ngao tạo sinh kế bền vững, VQG Xuân Thủy và chính quyền địa phương đã kết hợp với cộng đồng nuôi ngao quảng canh ở khu vực thực hiện cơ chế “đồng quản lý và chia sẻ lợi ích”.
Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (Ninh Bình) vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thỏ dược liệu với Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi thỏ Hợp Thành, huyện Sơn Động (Bắc Giang).