Hội nghị triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu khai mạc hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.
Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Sau gần 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một nước thiếu lương thực đến nay Việt nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, sau Thái Lan và Ấn Độ.
Hàng năm Việt Nam xuất khẩu từ 6 đến 8 triệu tấn gạo, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước từ 3 đến 3,7 tỷ USD, đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn liên tục đổi mới, phương thức sản xuất chuyển biến tích cực, sản phẩm nông nghiệp được cải thiện cả về số lượng và chất lượng và từng bước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, đặc biệt là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu và thảo luận các nội dung:
Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam và Kế hoạch triển khai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tình hình sản xuất lúa gạo miền Nam giai đoạn 2010 - 2014 và định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo;
Tình hình thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và thế giới giai đoạn 2010 - 2015 và dự báo trong thời gian tới; Những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ trong xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Đề cập đến mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra cho Hội nghị lần này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Trần Thanh Nam tin tưởng rằng Hội nghị sẽ thống nhất được cách thức triển khai và giải pháp cụ thể để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam.
Trước những thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp để hội nhập kinh tế quốc tế, định hướng đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động thương mại nông sản, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu để bảo hộ sản phẩm là một trong những định hướng quan trọng được Chính phủ chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Do đó, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, thương mại lúa gạo.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai Đề án, với mục tiêu đến năm 2020, đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu;
Đến năm 2030, 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.
Trong Kế hoạch hành động cũng xác định nội dung và phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị triển khai 5 dự án trọng điểm của Đề án.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Related news
Những năm gần đây giá cà phê trên thị trường cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng có nhiều biến động, lúc lên cao, xuống thấp…, tranh thủ cơ hội lúc giá cà phê xuống thấp (thường là lúc đầu vụ), nhiều người dân đã bỏ tiền mua cà phê về nhà tạm trữ, chờ tăng giá bán kiếm lời.
Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng tại sáu tỉnh thành là TP.HCM, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hà Nội, Hưng Yên và Thanh Hóa sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra các địa điểm sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhằm kiểm soát tình trạng buôn bán các chất cấm trong chăn nuôi.
Trong những ngày tháng 8, có dịp về thăm Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi không ngờ: Được đầu tư nhà trưng bày sản phẩm, nhà nuôi cấy và các thiết bị nuôi cấy mô; đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Dù DN xuất tiểu ngạch đang điêu đứng nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo xuất chính ngạch sang Trung Quốc vẫn bình thường.
Điều đáng nói là, cùng với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác như nhau, trong khi người dân các xã vùng thấp lụt huyện Đức Thọ “lúa đã đầy bồ” thì hầu hết diện tích lúa hè thu của các địa phương trên toàn tỉnh chưa đến kỳ thu hoạch, thậm chí, đến thời điểm này, nhiều diện tích mới trổ bông!