Hoàn thiện chuỗi cung ứng và ATTP bước ngoặt quan trọng
Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm VN 2018 (Foodexpo 2018) đã kết thúc nhưng dư âm của nó đã cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam và toàn bộ hệ thống thực phẩm Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng với nhiều cơ hội phong phú để tăng trưởng trong tương lai, là một trong các quốc gia dẫn đầu xuất khẩu nông sản.
Ông Hardwick Tchale, đại diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Ngành nông nghiệp và toàn bộ hệ thống thực phẩm Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. Mặc dù đã có những thành tựu đáng kể với nhiều cơ hội phong phú để tăng trưởng trong tương lai, là một trong các quốc gia xuất khẩu nông sản dẫn đầu, Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng thấp về mặt chất lượng. Việt Nam có rất nhiều cơ hội để cải thiện nguồn cung, chất lượng và ATTP, gia tăng giá trị cho nông sản nhằm duy trì tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản nhấn mạnh, gia tăng chuỗi SX phải tích hợp trong từng khâu. Từ tạo môi trường đầu tư, chính sách hỗ trợ, đến quy trình sản xuất, ATTP, nâng cao hạ tầng cơ sở, chất lượng quản lý, cuối cùng sản phẩm đi đến thị trường. Đặc biệt, những năm gần đây, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân, liên kết giữa các tỉnh được hình thành là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, càng ngày chuỗi liên kết càng mang tính toàn cầu. Để xuất khẩu được nông sản, thực phẩm, đơn vị SX phải đáp ứng hệ thống các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ nông dân được hình thành là một hướng đi đúng đắn. Các chuỗi liên kết SX không chỉ trong nước mà ngày càng có xu hướng toàn cầu.
Chia sẻ nỗi lo lắng của nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân Việt Nam lo ngại việc mỗi thị trường có những tiêu chuẩn khác nhau, ông Đặng Anh Tuấn, PTGĐ tập đoàn kiểm soát chất lượng Hà Lan cho biết, các doanh nghiệp cần xác định khách hàng của mình là ai, thị trường nào để tổ chức SX theo tiêu chuẩn của thị trường đó. Tuy nhiên, đơn vị sẽ không gặp khó khăn cho việc đưa sản phẩm vào bất cứ thị trường nào khi tham gia quy trình an toàn GFSI - bộ tiêu chí dễ hiểu, dễ làm và dễ kết nối các nhà cung cấp với chiến lược an toàn từ đồng ruộng tới bàn ăn của Antesco.
Quản lý ATTP ngày nay cũng đã toàn cầu với các ứng dụng công nghệ cao, TS Đào Hà Trung, chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM đã có chia sẻ thú vị về việc chi phí quản lý truy xuất nguồn gốc tưởng như cao siêu, khó khăn nhưng đã có thể thực hiện một cách… rẻ bất ngờ, ví như hệ thống truy xuất heo cho các tỉnh, cả nông hộ TE-FOOD với 25.000 hộ chăn nuôi Đồng Nai, 16.000 hộ Bà Rịa Vũng Tàu, 10.000 hộ Cà Mau và dưới 10.000 hộ ở Cân Thơ tham gia, chi phí chỉ tốn 0,5 USD quản lý truy xuất đầy đủ 1 con heo từ trang trại tới bàn ăn.
Ảnh: Phương Chi
Là một công ty chuyên ngành chăn nuôi và TĂCN Hà Lan hoạt động tại Việt Nam, ông David Marks, giám đốc của Công ty De Heus chia sẻ, là công ty cung cấp thực phẩm thì không thể bỏ qua các tiêu chuẩn ATTP để sự cung cấp được bền vững. Việt Nam và Hà Lan vừa hoàn thành hợp tác phát triển chuỗi thịt lợn, đào tạo nâng cao năng lực cho hàng trăm chuyên gia Việt Nam. Nhiều chuỗi thịt lợn trên toàn quốc đã được thành lập nhờ sự hỗ trợ của dự án. Bước tiếp theo, hai nước sẽ cùng nhau thiết lập một hệ thống phòng thí nghiệm tham chiếu cấp quốc gia cũng như xây dựng kế hoạch hành động để tăng cường quản lý ATTP.
Related news
Anh Nguyễn Văn Hảo tìm được cho mình một công việc ổn định ngay tại gia đình mà lại có thu nhập rất cao, đó là sản xuất gà giống.
Nhờ nuôi gà Ai Cập đẻ trứng, mà gia đình anh Nguyễn Văn Bòng có của ăn của để, mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn năm 2018” do Hội Nông dân cùng Sở NN-PTNT Hà Nội tổ chức.