Hoàn Thành Tốt Nhiệm Vụ, Giỏi Làm Kinh Tế
Đó là nhận xét của lãnh đạo xã Phi Mô và Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lạng Giang (Bắc Giang) về anh Nguyễn Thành Chung, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phi Mô.
Sinh năm 1972, anh Chung lên đường nhập ngũ năm 1994 và được kết nạp Đảng trong giai đoạn này. Năm 1996, hoàn thành nghĩa vụ về địa phương, anh hăng hái tham gia các phong trào ở cơ sở, được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Anh tích cực cùng Ban Chấp hành Đoàn xã vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Năm 2001, Nguyễn Thành Chung được Ban CHQS huyện cử đi học lớp đào tạo Chỉ huy trưởng quân sự xã. Khi đủ điều kiện theo tiêu chuẩn, tháng 10-2006 anh được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phi Mô.
Đảm nhận nhiệm vụ đúng chuyên môn được đào tạo, anh tích cực tham mưu cho Đảng uỷ, UBND xã về công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Hàng năm, căn cứ kế hoạch của cấp trên, anh cùng với Ban CHQS xã làm tốt công tác theo dõi, nắm nguồn gọi thanh niên nhập ngũ và quản lý nguồn dự bị động viên. Do vậy xã Phi Mô đều hoàn thành tốt công tác tuyển quân và huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Trong huấn luyện dân quân, anh Chung trực tiếp biên soạn giáo trình huấn luyện chính trị và quân sự, tổ chức huấn luyện kỹ chiến thuật và bắn đạn thật cho lực lượng dân quân từ năm thứ nhất đến năm thứ 4. Đồng thời xây dựng lực lượng dân quân nòng cốt biên chế thành hai trung đội cơ động và lực lượng binh chủng trên địa bàn.
Hai năm qua, Phi Mô là xã điểm của Cục Dân quân tự vệ (Bộ Quốc phòng) về tuyên truyền phổ biến pháp luật cho dân quân tự vệ. Bằng kiến thức, kinh nghiệm công tác, anh đã tham mưu với cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của đơn vị điểm. 12 năm công tác tại cơ sở, anh 10 lần được khen thưởng, trong đó 5 năm liên tục (2007 - 2012) được Bộ CHQS tỉnh tặng giấy khen.
Tuy bận rộn với công tác quân sự địa phương, vợ làm công nhân Nhà máy gạch Tân Xuyên nhưng vợ chồng anh vẫn gieo cấy 4 sào ruộng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ năm 2009 anh đầu tư nuôi nhím, lợn rừng. Năm 2010 và 2011, từ bán nhím và lợn rừng giống cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Năm ngoái thị trường tiêu thụ khó hơn nhưng gia đình anh vẫn thu lãi 60 triệu đồng từ nuôi con đặc sản.
Với những thành tích đạt được, trong dịp sơ kết việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2012, Nguyễn Thành Chung được Huyện uỷ Lạng Giang đề nghị Tỉnh uỷ biểu dương, khen thưởng trong thời gian tới.
Related news
Phúc Thành (Yên Thành) là xã đầu tiên của Nghệ An thành công trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Đây là “cánh cửa” mở ra những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).
Gia đình ông Lê Quốc Hùng ở thị trấn Bút Sơn huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa đã triển khai mô hình nuôi lợn rừng được ba năm nay. Hiện nay, trại lợn rừng của ông Hùng đã có tới hàng chục cặp lợn rừng bố mẹ tham gia sinh sản, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm. Đến nay trại lợn rừng của gia đình ông đã ngày một phát triển, mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng trăm con giống, mang lại nguồn thu đáng kể so với một số ngành nghề khác.
Từ nhiều năm nay, người dân ở thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành rất kính trọng ông Bùi Xuân Danh, 55 tuổi, công an thôn bởi ông là người biết tính toán làm ăn, đi lên từ mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn và làm giàu chính đáng ngay tại địa phương vốn nghèo khó này.
Đã có không ít hộ nông dân thất bại khi đầu tư vào phát triển sản xuất, bởi do họ đã áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật, thiếu vốn đầu tư, thiếu nơi tiêu thụ sản phẩm hay chưa đổi mới tư duy, cách làm mới... Ở xóm Mỹ Triều xã Thạch (Thạch Hà, Hà Tĩnh) lại có một mô hình phát triển kinh tế theo hướng đa cây cho hiệu quả khá cao.
Người dân quanh vùng đào ao để thả cá, còn bác Dương Văn Lê ở thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc lại đào ao thả vịt. Ai cũng nghĩ bác quẩn. Vậy mà chỉ vài năm cách làm này đã giúp gia đình bác thoát nghèo, trở thành triệu phú, được cả làng làm theo.