8x trồng hoa treo, thu lãi 1,5 tỷ đồng/năm
Kiếm tiền tỷ từ đất hoang
Thi đại học không đỗ, Duy không “cay cú” theo đuổi việc vào đại học bằng được mà lựa chọn học nghề nông nghiệp, cụ thể là học trồng hoa, rau tại Trường Trung cấp nghề Đà Lạt (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng).
Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, hễ rảnh rỗi là Duy lại đến các trang trại trên thành phố để học hỏi kinh nghiệm.
Ra trường, Duy đã xác định ngay cho mình con đường khởi nghiệp: Trồng hoa treo tại xứ Bảo Lâm.
Duy nhớ lại: “Đầu tiên, tôi dồn vốn vào mua đất, dựng nhà lồng, lắp điện, nước, cuối cùng chọn giống hoa cẩm tú cầu về trồng trên diện tích 300m2.
Tuy nhiên, do khí hậu ở Bảo Lâm nắng nóng hơn Đà Lạt nên hoa cẩm tú cầu không phát huy hiệu quả, tôi bèn chuyển sang trồng các loại hoa trong chậu và có dây treo như dạ yến thảo, dừa cạn rủ, triệu chuông”.
“Thật không may, do tôi chưa nắm chắc kỹ thuật chăm sóc nên vụ đầu tiên hoa chết hàng loạt.
Khó khăn nữa là nhà kính trồng hoa bị đổ do thiết kế sơ sài, khiến tôi mất trắng” - Duy chia sẻ.
Gian nan là vậy nhưng Duy không nản lòng, lại ngược xuôi xuống các vườn trồng hoa học hỏi kinh nghiệm, rồi tìm hiểu thêm qua sách, báo… Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình, bạn bè, Duy bắt tay vào xây dựng lại hệ thống nhà kính, tiếp tục trồng hoa và cuối cùng những giỏ hoa của anh đã bắt đầu bung nở rực rỡ.
Hiện nay, mỗi năm trang trại hoa của chàng trai 8x xuất ra thị trường trên 100.000 chậu hoa các loại, với giá bán từ 28.000 - 35.000 đồng/chậu, thu về khoảng 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi trên 1,5 tỷ đồng.
Truyền nghề cho bà con K’Ho
"Dù còn trẻ nhưng cách làm kinh tế của Duy khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Hiện, trang trại hoa của anh là mô hình kinh tế tiêu biểu của toàn huyện, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, là tấm gương cho thanh niên trong vùng.
Đặc biệt, Duy còn là đoàn viên ưu tú nhận được Giải thưởng cao quý Lương Định Của năm 2015”.
Bí thư Đoàn xã Lộc Thành (Bảo Lâm) Trần Mạnh Thắng
Khi đã thành công từ nghề trồng hoa treo, Duy nghĩ ngay đến việc sẽ đào tạo, truyền nghề cho bà con dân tộc trong vùng.
“Tôi làm được nghề và không giấu nghề, ai có nhu cầu tôi đều truyền nghề miễn phí.
Hiện, trang trại của tôi có 12 – 15 lao động thường xuyên và 10 lao động thời vụ, 100% là người K’Ho” – Duy cho biết.
Chị Y Thơm, công nhân chăm sóc hoa tại trang trại cho biết: “Tôi làm ở đây đã 8 năm, lương bình quân 4 – 5 triệu đồng/tháng.
Việc trồng hoa công nghệ cao không đòi hỏi quá khó về kỹ thuật.
Quan trọng nhất là phải nhạy bén, vì hoa rất dễ mắc bệnh, do đó người trồng phải thường xuyên thăm vườn để kịp thời nhận biết các dấu hiệu bệnh, có cách phòng tránh hợp lý”.
Không riêng gì chị Thơm mà hơn 20 lao động đang làm việc tại trang trại hoa của Duy đều rất thành thạo với nghề.
Nhiều người chia sẻ, nếu được hỗ trợ vốn từ nguồn vay nhà nước các chị sẽ đầu tư mô hình tại nhà để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Related news
Về thăm xã Suối Nho (huyện Định Quán, Đồng Nai) mùa nào cũng thấy những vườn rau hẹ xanh tốt, sum suê. Chỉ trồng 1 lần nhưng rau hẹ cho thu hoạch kéo dài từ 2-3 năm mới phải trồng lứa mới nên rau hẹ mang lại lợi nhuận cao, nông dân đua nhau mở rộng diện tích.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vừa phối hợp UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình “Sản xuất hoa lily giống mới chất lượng cao” năm 2015.
Ngày nay cuộc sống đã dần hiện đại, internet và các công cụ truyền thông đã “gõ cửa” từng vùng, từng nhà, chính nhờ đó, nhiều nông dân đã tham khảo, học hỏi và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.