Hỗ Trợ Để Trái Vải Việt Nam Sớm Thâm Nhập Thị Trường Australia

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, Chính phủ nước này đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để trái vải Việt Nam sớm được nhập khẩu vào thị trường này.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, đây là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Hiện tại, Australia chưa chấp nhận nhập khẩu bất cứ loại trái cây tươi nào của Việt Nam mà mới chuẩn bị thí điểm cho nhập khẩu trái vải.
Australia đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để đưa trái vải Việt Nam vào thị trường này. Dự kiến, đến mùa vải năm 2015, trái vải Việt Nam sẽ chính thức xuất khẩu vào thị trường Australia.
Để góp phần đưa trái vải nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Australia, ngay sau khi được chính phủ nước này cấp phép, Thương vụ Việt Nam tại Australia xây dựng Đề án Nghiên cứu và tổ chức các hoạt động xúc tiến xuất khẩu trái vải Việt Nam sang thị trường Australia.
Đề án sẽ tập trung vào các hoạt động chính như: nghiên cứu tình hình sản xuất, tiêu thụ trái vải của Australia và các quy định về kiểm dịch đối với sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về trái vải của Việt Nam. Đồng thời, Thương vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có liên quan xây dựng bộ thông tin chuẩn về trái vải Việt Nam, lựa chọn một số vườn quả đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia để quảng bá.
Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ phối hợp với Hội doanh nhân Việt kiều Australia tổ chức hội thảo với nội dung “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mục tiêu nhằm vận động các doanh nghiệp Việt kiều đưa trái vải tiêu thụ trong hệ thống chợ do người Việt và người Á Đông tại Australia làm chủ, sau đó mở rộng đến người tiêu dùng Australia nói chung. Về lâu dài, Thương vụ sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp trong nước sang kết nối giao thương ngay sau khi nước này cho phép nhập khẩu trái vải Việt Nam.
Related news

Năm 2013, diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tăng nhanh và nhiều nông dân thả nuôi liên tục nhiều vụ trong năm. Nguyên nhân là do người nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, trúng giá với lợi nhuận mỗi vụ tới 500-700 triệu đồng/ha.

Khóm Cầu Đúc từng nổi danh một thời, giúp nhiều hộ nông dân ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) ăn nên làm ra, tuy nhiên những năm gần đây do giá khóm không ổn định, đất bạc màu cộng với bệnh chết bụi khá phổ biến, làm cho người trồng khóm ở Hỏa Tiến gặp không ít khó khăn.

Do đặc điểm địa hình, đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều vùng trũng, chỉ cấy được một vụ lúa/năm nhưng năng suất bấp bênh, hay bị ngập úng, dẫn đến người nông dân thường bỏ ruộng.

Những năm gần đây, số lượng chim yến đến với Thanh Hóa ngày càng tăng, đã góp phần tạo ra một nghề mới - nghề nuôi chim yến lấy tổ của người dân ở những vùng ven biển của tỉnh.

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, cây mãng cầu xiêm đã "bén duyên" và ngày càng phát triển mạnh ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Chính loại cây này góp phần lớn mang lại ấm no trên vùng đất cù lao đầy phèn - mặn này.