Hồ tiêu thu tiền tỷ
Khoảng 10 năm trở lại đây, giá hồ tiêu liên tục tăng và ổn định ở mức cao ngất ngưởng và trong vòng 3 năm gần đây luôn ở mức 200 ngàn đồng/kg. Với giá bán này, hàng ngàn nông dân ở các huyện thuộc tỉnh Gia Lai có lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng đã đổ xô thâm canh cây hồ tiêu.
Xã Nam Yang (huyện Đăk Đoa, Gia Lai) bắt đầu rầm rộ trồng tiêu từ năm 2007. Cho đến nay, xã này được coi như là vùng hồ tiêu Chư Sê 2.
Đưa chúng tôi đi thăm những vườn tiêu xanh mượt, ông Nguyễn Xuân Tùng, Chủ tịch UBND xã Nam Yang tự hào: “Người dân ở đây trồng tiêu từ khoảng 20 năm trước. Nhưng vì lúc đó điều kiện kinh tế khó khăn, nông dân không có điều kiện thâm canh như bây giờ
Cho đến năm 2005, khi cây cà phê bắt đầu cho thu nhập ổn định, người dân mới quay lại trồng tiêu và rầm rộ nhất là từ năm 2007 đến nay. Không hiểu là vì điều kiện thổ nhưỡng hay do kỹ thuật chăm sóc, nhưng việc tiêu chết hàng loạt như các nơi khác thì ở đây chưa có, chỉ bị chết nhỏ lẻ vài chục trụ”.
Theo thống kê mới đây, xã Nam Yang có 730ha cà phê và 209ha hồ tiêu (canh tác trên địa bàn xã). Khoảng 7 năm trở lại đây, diện tích cây hồ tiêu ở xã phát triển đến chóng mặt. Khi giá hồ tiêu lên 120 ngàn đồng/kg, nông dân bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương tiếp tục phá bỏ nhiều diện tích cà phê để mở rộng vườn tiêu.
Gần đây, khi diện tích đất SX khan hiếm, người dân xã này bắt đầu chuyển hướng xâm canh ở các xã lân cận như Hà Bầu, Đăk Roong, H’neng, Kon Gang và Đăk Sơ Mei.
Theo ông Tùng, diện tích đất người dân ở đây xâm canh để trồng tiêu, chính quyền địa phương vẫn chưa thống kê được, có thể gấp vài ba lần diện tích hồ tiêu trên địa bàn xã.
Ban đầu người dân chỉ chọn đất đỏ có địa hình bằng phẳng để mua, nhưng nay thì đất đai khan hiếm, đồi núi, đất pha cát, đất sỏi, đá… người dân đều mua.
Việc người dân nơi đây “rầm rầm” mở rộng diện tích cây hồ tiêu bằng hình thức mua đất hoặc thuê đất đã đẩy giá đất trồng cây lâu năm trong vùng tăng vọt. Năm 2010, giá đất ở đây mới chỉ khoảng 100 triệu đồng/ha nhưng đến đầu năm 2014 đã lên đến 500 triệu đồng/ha và hiện nay là khoảng 600 triệu đồng/ha, nếu gần thì còn cao hơn.
Những năm giá hồ tiêu ở mức 120 ngàn đồng/kg, nông dân trồng hồ tiêu ở xã này thu tiền tỷ chỉ đếm được ở đầu ngón tay. Thế nhưng khoảng 3 năm nay, giá hồ tiêu lên đến 200 ngàn đồng/kg, nông dân thu tiền tỷ đã không còn hiếm. Cụ thể, vụ thu hoạch vừa rồi, rất nhiều nông dân ở đây thu về từ 5 tấn đến trên 20 tấn tiêu.
Anh Ngô Văn Tiên ở thôn 1 là một điển hình với 10.000 trụ tiêu. Vụ mùa vừa rồi anh Tiên thu 22 tấn tiêu. Sau khi trừ các khoản chi phí, anh Tiên bỏ túi 4 tỷ đồng. Có được khoản tiền khá lớn, năm nay, anh Tiên tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vườn tiêu với số lượng lớn.
Xếp sau anh Tiên là ông Phan Chiến và 3 người con trai của ông ở thôn 3. Vụ thu vừa rồi, ông Chiến và những người con của ông thu về mỗi người từ 10 đến 20 tấn tiêu. Anh Phan Việt Vương (con trai ông Chiến) tiếp tục xuống giống 7.000 trụ để mở rộng diện tích.
Riêng ông Chiến vì tuổi đã cao nên không mở rộng diện tích mà “bắt” ngay một chiếc ô tô con 1,4 tỷ đồng để… đi thăm vườn tiêu. Việc “chơi ngông” ở đây ngoài ông Chiến còn có ông Yên ở đội 9 thôn 1. Ông Yên sau khi bán hơn 10 tấn tiêu đã “bắt” ngay 1 chiếc ô tô con có giá hơn 1 tỷ để đi uống cà phê và … đưa đón người làm.
Theo nhận định của nhiều người, nếu giá hồ tiêu ổn định như hiện nay, sau vụ thu hoach năm tới, sẽ có thêm hàng chục xe ô tô con bạc tỷ được nông dân trồng hồ tiêu ở đây đưa về.
Related news
Nhằm cải thiện môi trường, nhất là môi trường các ao, đầm nuôi tôm bị dịch bệnh, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ninh đã triển khai áp dụng mô hình chuyển đổi nuôi một số loài cá biển trong ao. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Thời gian gần đây, mô hình nuôi cừu lấy thịt đã được nhiều hộ dân trong tỉnh Đắk Lắk quan tâm và đạt được những thành công, bước đầu đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh vừa trao giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm măng cụt và sản phẩm quýt đường cho 2 Hợp tác xã trái cây trên địa bàn. Đó là Hợp tác xã măng cụt Tân Thành, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè và Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, huyện Càng Long.
Sơn cho biết, những gì mình có được ngày hôm nay là kết quả của niềm đam mê, tâm huyết lẫn tri thức, sức lực. Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thôn Đông Gia (Đại Minh, Đại Lộc), Sơn cũng như bao thanh niên khác từng mơ ước được vào giảng đường để có thể đổi đời.
Từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều đầm, bãi nuôi ngao giống và thương phẩm ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt. Theo các ngư dân, chưa có năm nào ngao chết nhiều như năm nay.