Hiu Hắt Vùng Đìa Cam Thành Bắc (Khánh Hòa)
2 năm trở lại đây, các vùng đìa nuôi tôm, cá tại xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) trở nên hiu hắt bởi liên tiếp nhiều vụ nuôi nông dân thua lỗ nặng.
Thả nuôi cầm chừng vẫn lo thua lỗ
Đang là thời điểm chăm sóc tôm, thu hoạch cá nhưng vùng đìa thôn Tân Quý rộng vài chục héc-ta chỉ có bóng dáng vài nông dân đang vớt bọt trong ao nuôi cá và cho cá ăn. Vừa vớt bọt trong ao nuôi cá chẻm, bà Phạm Thị Xuân Đào (thôn Tân Quý) vừa cho biết: “Cuối năm trước, gia đình tôi thả nuôi 2 đìa cá chẻm, diện tích 0,7ha; đầu tư nuôi đến nay đã 8 tháng hết hơn 350 triệu đồng.
Không hiểu sao năm nay cá rất chậm lớn, mới đây tôi xuất bán nhưng cá chỉ được 5 - 6 lạng/con (trước đây hơn 1kg/con). Không chỉ giảm sản lượng mà giá thức ăn năm nay lại rất cao, trong khi giá cá thấp, đầu ra bấp bênh, hiện thương lái chỉ mua với giá 46.000 đồng/kg nên nông dân nuôi cá chẻm thua lỗ nặng, riêng gia đình tôi lỗ mấy chục triệu đồng”. Gia đình bà Đào có 3 đìa nuôi, diện tích hơn 1ha nhưng do thua lỗ 2 năm liên tiếp nên vụ vừa rồi, bà đã bỏ hoang 1 đìa.
Bà dự định chưa vội thả nuôi tiếp sau khi thu hoạch cá mà đợi xem tình hình thế nào mới tính tiếp. Cạnh đìa nhà bà Đào, ao đìa của gia đình ông Hoàng, ông Minh... tuy đã thu hoạch cá hơn 1 tháng nay nhưng vẫn chưa thả nuôi lại vì lo thua lỗ.
Tại vùng đìa thôn Suối Cam, không ít ao đìa bờ bãi xập xệ, những lều canh đìa đã xuống cấp nhưng hơn 1 năm nay chưa được tu bổ. Chỉ tay về phía đìa tôm hơn 0,5ha bị bỏ hoang, bà Nguyễn Thị Loan (thôn Suối Cam) tâm sự: “Mọi năm, thời điểm này tôi và người dân quanh đây đã bám lấy đìa, nhưng năm nay trên cả vùng đìa rộng lớn này không thấy bóng ai. Năm trước, tôi nuôi tôm thẻ chân trắng, thả đâu chết đó.
Đầu năm nay, tôi thả mấy chục vạn con giống, thu lên chỉ được vài chục ký tôm, thử hỏi ai dám đầu tư? Liên tiếp 2 vụ nuôi gần đây, tôi lỗ gần 100 triệu đồng. Trước tình hình này, chúng tôi phải xem thời tiết, giá cả thế nào rồi mới tính, nếu thả tiếp, tôm chết thì chỉ có cách bán ao đìa, mà bán lúc này chắc cũng chẳng ai mua. Tôi dự định chuyển sang nuôi tôm, cá quảng canh, vừa đỡ chi phí mà hiệu quả có thể sẽ cao hơn”.
Ở các vùng đìa nuôi trồng thủy sản (NTTS) của xã Cam Thành Bắc, rất nhiều hộ nông dân cứ nơm nớp trước mỗi vụ nuôi, từ tôm thẻ chân trắng cho đến cá chẻm, cá mú, rong sụn... Những năm trước còn ăn nên làm ra, nhưng vài năm trở lại đây, họ đều lâm vào cảnh nợ nần do thua lỗ, ao đìa bỏ không, thậm chí không ít hộ dân đã phải bán đìa để trả nợ.
Nhiều nông dân cho biết, vùng đìa của xã Cam Thành Bắc rộng hàng trăm héc-ta nhưng thực tế diện tích người dân thả giống nuôi trồng chỉ khoảng 50%, chủ yếu là hình thức quảng canh chứ không nuôi theo hình thức công nghiệp như trước, bởi đầu tư càng nhiều thì thua lỗ càng nặng.
Nông dân cần sự hỗ trợ
Theo thống kê của UBND xã Cam Thành Bắc, hiện địa phương có 135 hộ tham gia NTTS với diện tích 87ha, trong đó có 40ha tôm, 23ha cá, 21ha nuôi trồng các loại thủy sản khác. Do nhiều ao đìa bỏ trống, tôm chết do thời tiết, cá chậm lớn... nên sản lượng NTTS của địa phương từ đầu năm đến nay đạt thấp, chỉ được 112 tấn.
Ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết: “Trước đây, nghề NTTS đã mang lại thu nhập cao cho nông dân địa phương, nhiều gia đình nhờ thế đã xây dựng được nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng. Nhưng 2 năm trở lại đây, hiệu quả của nghề này rất thấp, nhiều hộ do thua lỗ liên tiếp đã lâm vào cảnh nợ nần, đời sống rất khó khăn”.
Theo ông Thọ, nguyên nhân chủ yếu của việc NTTS thua lỗ là do thời tiết không thuận lợi, môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nên tôm, cá chết, chậm lớn; con giống người dân mua chất lượng không đảm bảo; trong khi giá thức ăn ngày càng tăng mà đầu ra lại rất bấp bênh, giá thấp.
Trước tình hình đó, chính quyền xã Cam Thanh Bắc cũng như nhiều hộ nông dân kiến nghị các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ nông dân tìm kiếm đầu ra ổn định; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trực tiếp cho bà con với giá ổn định, bởi hiện nay, nông sản nuôi chủ yếu bán cho thương lái, qua nhiều cấp trung gian mới đến được doanh nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, nhiều nông dân đề nghị ngân hàng tạo điều kiện trong việc tiếp cận vốn vay để tái đầu tư sản xuất.
Ngoài ra, ngành chức năng cần quan tâm đến việc kiểm định chất lượng con giống, môi trường nuôi... để có khuyến cáo kịp thời cho người dân, tránh xảy ra dịch bệnh...
Related news
Có thể khẳng định rằng thịt gà xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam rất an toàn đối với dịch bệnh cúm gia cầm và theo đúng quy định của OIE.
Từ đầu năm 2013 đến nay, dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (LCASP) tỉnh Lào Cai được triển khai rộng khắp các huyện, thành phố. Nhiều địa phương vượt kế hoạch đề ra.
Theo quy hoạch phát triển vùng SX thủy sản ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tập trung tổ chức nuôi theo hướng liên kết SX, áp dụng các kỹ thuật nuôi tiên tiến.
Cỏ dại hại lúa là một trong những vấn đề lo âu trong SX lúa. Đây là đối tượng dịch hại quan trọng mà nông dân cần quan tâm ngay từ đầu vụ.
Xã Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) từ lâu là điểm trung chuyển ngô lớn nhất không chỉ của Sơn La mà cả vùng Tây Bắc.