Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiu hắt đồng tôm

Hiu hắt đồng tôm
Publish date: Saturday. April 25th, 2015

Thời điểm này những năm trước, những cánh đồng tôm Hoài Hải, Hoài Mỹ, Hoài Hương... náo nhiệt bao nhiêu thì nay hiu hắt bấy nhiêu.

Diện tích nuôi tôm giảm còn dưới 8,8%

Hoài Nhơn là huyện có phong trào nuôi tôm mạnh đứng thứ 2 ở Bình Định, chỉ sau huyện Tuy Phước. Nhiều năm gần đây, dịch bệnh xảy ra liên hoàn đã khiến nhiều hộ nuôi tôm phá sản, nên phong trào nuôi tôm ở đây ngày càng yếu dần.

Những con số thống kê cho thấy: Từ năm 2012 trở về trước, diện tích nuôi tôm hàng năm ở Hoài Nhơn luôn đạt trên 340 ha thì đến cuối năm 2014 chỉ còn 240 ha diện tích ao hồ được thả nuôi. Bước sang năm 2015, dù là thời điểm chính vụ nhưng mới chỉ có 30 ha được thả nuôi, diện tích giảm mạnh chỉ còn dưới 8,8%.

Ông Sử Văn Hưng, cán bộ Trạm Thú y huyện Hoài Nhơn cho biết: “Theo kế hoạch, vụ tôm đầu năm nay toàn huyện sẽ thả nuôi 120 ha. Thế nhưng dù đã qua lịch thời vụ hơn 1 tháng nhưng diện tích xuống giống mới chỉ đạt 30 ha. Nguyên nhân cơ bản do nhiều diện tích ở các vùng nuôi chuyên canh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi trong quá trình nuôi, hầu hết các hồ đều xả thải trực tiếp ra môi trường gây phát sinh dịch bệnh tràn lan”.

Theo ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, trong số 30 ha được thả nuôi, mới chỉ thời gian đầu mà hiện đã có khoảng 2,7 ha hồ tôm đã bị nhiễm bệnh đốm trắng và hội chứng chết sớm.

Riêng tại xã Hoài Hải, địa phương có phong trào nuôi tôm mạnh nhất huyện Hoài Nhơn với 80% dân số tham gia nhưng năm nay cũng mới chỉ có 13 ha được thả nuôi, số diện tích còn lại hầu như đang bị bỏ giá.

Ông Huỳnh Có, Chủ tịch UBND xã Hoài Hải trần tình: “Không kham nổi thua lỗ nên người dân nuôi tôm ở địa phương dần dà bỏ nghề hết rồi. Vùng nuôi tập trung của xã đang bị ô nhiễm nặng, khó có thể phục hồi. Hiện chỉ có khoảng 1/3 chủ hồ có điều kiện nâng đáy làm hồ nổi phủ bạt mới dám thả nuôi, số còn lại bỏ trống hồ”.

Nghịch lý giá tôm

Người nuôi tôm còn khốn đốn vì nghịch lý giá tôm. Trước đây, loại tôm có kích cỡ nhỏ (100 con/kg) luôn có giá thấp hơn tôm có kích cỡ lớn (50 - 70 con/kg). Do đó, vừa để bán được cao giá, vừa rút ngắn thời gian tôm nằm trong hồ nhằm tránh rủi ro, họ cho tôm ăn mạnh chấp nhận chi phí cao hơn để tôm nhanh lớn.

Thế nhưng hiện nay, giá tôm có kích cỡ lớn lại bán được giá thấp hơn tôm nhỏ. Đầu tư cao, bán giá thấp, lại thấp thỏm lo dịch bệnh, bao nhiêu rủi ro bủa vây nên người nuôi ngày càng quay lưng với con tôm là điều chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.

“Hiện nay, tôm 100 con/kg chỉ có giá hơn 90.000 đ/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư nuôi đạt 1 kg tôm đã lên đến 90.000 đ nên người nuôi không có lãi. Nghịch lý hơn, tôm có kích cỡ càng lớn giá càng thấp nên người nuôi không biết đâu mà lần. Trước đây, ngoài nuôi tôm tôi còn cung cấp thức ăn tôm cho người nuôi ở địa phương. Bây giờ tôi không nuôi cũng không cung cấp thức ăn nữa, bởi nhìn thấy chuyện nuôi tôm không còn sáng sủa gì nên không dám mạo hiểm đồng vốn”, ông Võ Thanh Hùng bộc bạch.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên nhằm đưa nghề “mũi nhọn” ở Hoài Nhơn đi theo hướng bền vững, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn cho hay: "Hoài Nhơn đã triển khai lập dự án nâng cấp vùng nuôi tôm tại 2 xã Hoài Hải và Hoài Mỹ. Đồng thời phối hợp với Dự án CRSD (Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững) nâng cấp hạ tầng, chuyển giao quy trình nuôi tôm VietGAP ở khu A, thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ.

Đến nay, BQL Dự án đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp thực hành nuôi tốt, nuôi nhiều đối tượng khác trên cùng diện tích, thực hành ghi chép nhật ký kỹ thuật nuôi an toàn sinh học; phương pháp thu mẫu, chẩn đoán, xử lý bệnh trên tôm nuôi và hướng dẫn quản lý sức khỏe thủy sản nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Chúng tôi lo ngại nhất nguồn tôm giống, bởi công tác kiểm dịch còn rất lơ mơ. Dự án CRSD đã tổ chức điều tra truy xuất nguồn gốc con giống tại các vùng nuôi trong dự án, phổ biến lợi ích sử dụng giống sạch góp phần hạn chế dịch bệnh, hạn chế thiệt hại cho người nuôi”, ông Nguyễn Chí Công nói.


Related news

Nghề Khai Thác Cá Ngừ Đại Dương: Còn Bấp Bênh Nghề Khai Thác Cá Ngừ Đại Dương: Còn Bấp Bênh

Chế biến cá ngừ đại dương tại Công ty TNHH Xuất khẩu Đại Dương.

Thursday. June 21st, 2012
Gốc Hay Ngọn Gốc Hay Ngọn

Mới đây, tại buổi tọa đàm về việc xuất khẩu rau, quả đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Cục phó Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) Hoàng Trung thông báo, từ giữa tháng 5 phải tạm dừng việc cấp phép xuất khẩu (XK) 5 loại rau quả gồm khổ qua (mướp đắng), ngò gai (mùi tàu), cần tây, húng quế, ớt ngọt vào thị trường EU.

Friday. June 22nd, 2012
Lâm Đồng: Khoai Tây Được Mùa, Trúng Giá Lâm Đồng: Khoai Tây Được Mùa, Trúng Giá

Theo nhiều người trồng khoai tây tại Đà Lạt (Lâm Đồng), nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ khoai tây này các nhà vườn được mùa lớn, giá bán rất ca0

Tuesday. April 19th, 2011
Giống Cam Đỏ Cara Cara Vào Việt Nam Giống Cam Đỏ Cara Cara Vào Việt Nam

Giống cam Cara Cara không hạt có năng suất chất lượng hàng đầu thế giới, đã được trồng thử nghiệm thành công tại Vĩnh Phúc.

Thursday. February 10th, 2011
Vùng Trồng Cà Phê Arabica Ngon Nhất Việt Nam Mất Mùa Lớn Vùng Trồng Cà Phê Arabica Ngon Nhất Việt Nam Mất Mùa Lớn

Vùng trồng cà phê Arabica ngon nhất Việt Nam hiện nay ở Lâm Đồng đang đứng trước nguy cơ mất mùa lớn, sản lượng có thể giảm tới trên 50% so với niên vụ trước.

Saturday. June 23rd, 2012