Bất thường thương lái Trung Quốc thu mua heo siêu mỡ giá cao

Ngày 27.11, ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Sở này đã có văn bản gửi Phòng Kinh tế, Phòng NNPTNT các huyện trên địa bàn tăng cường kiểm tra, nắm thông tin về việc thương lái Trung Quốc thu mua heo có lượng mỡ nhiều để xuất sang nước này, nhằm báo cáo về Sở để có hướng xử lý kịp thời.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh này, thời gian gần đây có thương lái từ xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp xuống phối hợp với thương lái địa phương thu mua heo của các hộ chăn nuôi.
Heo được thu gom từ các nơi về đầu mối ở tỉnh Ðồng Tháp, sau đó chuyển ra Hà Nội để xuất sang Trung Quốc.
“Do các tay thương lái bỏ vài trăm ngàn đồng chi cho người dẫn đường (làm cò) để vào các vùng nông thôn tìm mua heo nhiều mỡ, nên có nhiều người tham gia” – một cán bộ Thanh tra nông nghiệp tỉnh Cà Mau thông tin.
Một số hộ nuôi cho biết, thường thì những con heo có trọng lượng lớn, mỡ nhiều, ít nạc rất khó bán, vì thị trường tiêu thụ kém.
Nhưng không hiểu vì sao thời gian gần đây loại heo hơi này lại hút hàng đến thế.
“Hồi đầu năm, tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái bán đàn heo (4 con, mỗi con trọng lượng hơn 100 kg), còn vừa rồi thương lái vào tận chuồng mua, với giá ngang bằng heo chất lượng tốt (từ 3,3-3,4 triệu đồng/100 kg) – chị Nguyễn Thị Tiên ở huyện Cái Nước cho biết.
Trong khi người nuôi heo đang phấn khởi vì loại heo “siêu mỡ” có đầu ra, thì các chuyên gia kinh tế lại lo ngại vì chúng ta có quá nhiều bài học thiệt hại về việc thương lái Trung Quốc thu mua nông sản và các loại hàng hoá khác.
Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã phát đi văn bản cảnh báo, khuyến cáo người nuôi thân trọng trước việc này.
Văn bản nêu rõ: Ở góc độ ngươi dân, thương lái thu mua heo giúp đầu ra dễ tiêu thụ, giá heo tăng, đem lại lợi nhuận cao.
Tuy nhiên thị trường Trung Quốc rất bất thường và việc làm ăn với thương lái Trung Quốc thường không có hợp đồng rõ ràng nên dễ bị động.
Tình trạng thu mua này dẫn đến thị trường cung cầu không ổn định, khi heo được thu gom ồ ạt để xuất sang Trung Quốc vào dịp cuối năm sẽ gây cơn sốt giá thực phẩm và nguồn cung sụt giảm.
Khi thương lái ngừng thu mua, giá heo hơi giảm đột ngột, người chăn nuôi sẽ thua lỗ.
Trong khi thị trường trong nước những năm gần đây có xu hướng thích tiêu dùng loại heo có tỷ lệ nạc cao, tỷ lệ mỡ ít và trọng lượng dưới 100kg.
Điều này phù hợp với xu hướng chăn nuôi thế giới, Vì vậy việc thu mua này có thể là hành vi phá hoại kinh tế, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của người chăn nuôi.
Related news

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tây Ninh vừa sơ kết thực hiện quy hoạch sản xuất, phát triển và tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, khoảng cách giữa mục tiêu phát triển và thực tế còn rất... xa!

Đó là sự băn khoăn, trăn trở không chỉ của riêng người trồng nhãn Hưng Yên trước thông tin từ đầu tháng 10 tới, quả vải và nhãn tươi của Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ. Là quê hương của “nhãn tiến vua” từng nức tiếng bao đời, cơ hội mở ra với người trồng nhãn Hưng Yên song thách thức đặt ra cũng không nhỏ.

Mô hình trồng cam sành của gia đình ông Trần Đắc Thắng, thôn Đầm Hồng 2, xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng/năm.

Hỏi về người trồng mít nhiều kinh nghiệm ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn - Ninh Thuận), không ai qua được vợ chồng bà Nguyễn Thị Bé ở thôn Tầm Ngân 2. Hàng cây xà cừ tỏa bóng rợp mát con đường nhỏ chạy giữa khung cảnh làng quê thơ mộng. Một bên là kênh thủy lợi dẫn nước từ sông Ông, một bên là đồng lúa chấp chới cánh cò.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), trên cả nước hiện trồng khoảng 33.600 ha cây thanh long thương phẩm. Trong đó, tại tỉnh Bình Thuận có 24.000 ha, Long An có 5.400 ha và tỉnh Tiền Giang trồng 4.200 ha.