Hiệu quả từ tổ dịch vụ bao trái xoài ở thành phố Cao Lãnh
Tổ dịch vụ bao trái xoài góp phần nhân rộng mô hình sản xuất xoài an toàn ở TP. Cao Lãnh
Xuất phát từ ý tưởng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong lĩnh vực sản xuất xoài an toàn và tạo thêm thu nhập cho những nhà vườn có kinh tế khó khăn, một số nhà vườn ở phường 6, TP.Cao Lãnh đã thành lập TDV bao trái xoài.
Lúc mới thành lập, TDV bao trái xoài chỉ có 12 thành viên, sau hơn một năm hoạt động, số thành viên nâng lên trên 40 người. TDV hoạt động đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: bao trái, cắt tỉa, tạo tán, thu hoạch xoài... Các thành viên trong TDV được nhà vườn xem như những “chuyên gia” trong lĩnh vực chăm sóc xoài.
Anh Lê Minh Hiện ngụ khóm 6, phường 6, TP.Cao Lãnh tâm sự: “Ban đầu khi giao vườn xoài của mình cho anh em TDV chăm sóc, tôi cảm thấy rất lo lắng. Bởi khi xoài đậu trái và rụng sinh lý lần 2 thì sẽ được tuyển trái và sàng lọc trước khi được đưa vào túi bao; sau mùa thu hoạch, một số nhánh xoài không cần thiết sẽ được cưa bỏ, thậm chí đối với những cây xoài quá cao cũng bị cưa đọt...
Những kỹ thuật này khác xa so với kỹ thuật canh tác từ trước đến giờ. Tuy nhiên, sau mỗi vụ mùa tôi thấy hiệu quả từ cách làm mới này rất rõ rệt. Không những giá xoài bao trái cao hơn mà cây xoài cũng khỏe hơn, phát triển tốt hơn; quản lý dịch bệnh thuận lợi hơn”.
Ông Nguyễn Bá Minh - Tổ trưởng TDV bao trái xoài phường 6, TP.Cao Lãnh cho biết: “Quy trình kỹ thuật mà TDV thực hiện trên xoài là những kinh nghiệm mà chúng tôi tích lũy trong quá trình sản xuất. Đây còn là những kỹ thuật sản xuất mới chúng tôi được các nhà khoa học, cán bộ nông nghiệp ở địa phương tập huấn và chuyển giao.
Mặc dù làm dịch vụ kinh doanh nhưng TDV rất chú trọng đến việc xây dựng niềm tin của khách hàng qua chất lượng dịch vụ mà mình cung cấp. Đối với những thành viên mới, chúng tôi luôn tập huấn, đào tạo kỹ thuật chuyên môn trước khi phục vụ cho khách hàng”.
Nhờ tạo được uy tín, nên hiện nay không những hoạt động trong địa bàn TP.Cao Lãnh mà TDV bao trái xoài còn được nhiều khách hàng ở các địa phương lân cận “đặt hàng”, nhờ làm ăn hiệu quả nên TDV thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Ông Phan Thành Thanh - thành viên TDV bao trái xoài chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm phụ hồ mỗi ngày thu nhập chỉ khoảng 130 ngàn đồng, hiện nay nhờ tham gia vào TDV mà thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều. Trung bình 1 tháng tôi làm việc khoảng 20 ngày, 1 ngày làm có tiền công là 200 ngàn đồng và được nhà vườn hỗ trợ thêm bữa ăn trưa. Đây là khoản thu nhập khá, giúp tôi trang trải chi phí trong gia đình, có thêm vốn để đầu tư cho mảnh vườn của gia đình”.
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, trong quá trình “tác nghiệp”, các “chuyên gia” này cũng gặp không ít khó khăn khi phải làm việc trong môi trường leo trèo trên cao, chưa kể đối với nhiều khu vườn có địa hình phức tạp như: hầm, hố hoặc tán cây cao, gần sông thì càng khó khăn và nguy hiểm hơn.
Ông Minh chia sẻ thêm: “Mặc dù không được đào tạo chuyên nghiệp, song chúng tôi luôn đặt vấn đề an toàn lao động cho các thành viên lên hàng đầu. Ngoài ra, trong quá trình làm, nhiều anh em cũng sáng tạo thêm một số dụng cụ chuyên dụng, do đó dù ở địa hình nào, xoài cao hay thấp, chúng tôi đều đảm bảo xử lý bao trái tốt cho nhà vườn”.
Ông Lê Văn Vạt - Chủ tịch Hội Làm vườn TP.Cao Lãnh nhận định: “Hoạt động của TDV không những góp phần giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên mà các hoạt động của TDV cũng đã tạo được sự thay đổi về tập quán sản xuất của nhà vườn.
Thông qua hoạt động của TDV này, nhà vườn có điều kiện để tiếp cận với các mô hình sản xuất xoài an toàn cũng như ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất xoài. Từ đó, cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng và đồng nhất, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm xoài của địa phương và tăng thu nhập cho nông dân”.
Related news

Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm khuyến cáo, nhà vườn cần tỉnh táo và rút ra bài học cho mình trong việc chuyển đổi giống cây trồng nhằm tránh những trường hợp chuyển đổi ồ ạt như quả chanh dây và dự án sầu riêng Dona trước đây để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Mặc dù diện tích trồng sắn của tỉnh Đăk Lăk đã lên tới 28.000-32.000 ha/năm, với 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn nhưng mới đây, UBND tỉnh này vẫn đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cho phép xây dựng thêm 4 nhà máy nữa. Đây là động thái có thể làm gia tăng tình trạng mất rừng, tàn phá môi trường và nhiều hệ lụy khác.

Có thời điểm, diện tích mận ở Bắc Hà lên tới trên 2.000 ha và là nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều diện tích mận bị thoái hóa, sản phẩm mận bị rớt giá khiến người nông dân không còn mặn mà phát triển cây mận.

Ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), cho biết: Tháng 1.2015, mô hình “Nuôi hàu thương phẩm” sẽ được triển khai nuôi tại khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại. Hai đối tượng nuôi được chọn nuôi tại mô hình lần này là hàu muỗng và hàu Thái Bình Dương.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chín tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 2,8 triệu tấn, tăng 140 nghìn tấn so cùng kỳ năm 2013, trong đó có một triệu tấn thu được từ khai thác và 1,8 triệu tấn do nuôi trồng, tổng giá trị 34.500 tỷ đồng.