Hiệu Quả Từ Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Theo Hướng An Toàn Sinh Học
Nhằm đưa ra mô hình chăn nuôi gia cầm an toàn giúp các hộ dân giảm rủi ro trong chăn nuôi, năm 2013, từ nguồn vốn của Trung ương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học (ATSH) ở huyện Giá Rai. Qua thời gian thực hiện, mô hình này đã cho hiệu quả khá cao…
Có 17 hộ ở ấp 3 và ấp 13 (xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai) tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH, với tổng số vịt giống được hỗ trợ là 3.500 con. Khi tham gia mô hình này, các hộ được Nhà nước hỗ trợ, đầu tư 100% tiền con giống và hỗ trợ 30% thức ăn cho vịt nhỏ và 30% thức ăn cho vịt lớn.
Đồng thời, hỗ trợ 30% hóa chất sát trùng chuồng cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Các hộ nông dân tham gia mô hình được các kỹ sư, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng và khu vực thả vịt hợp vệ sinh.
Song song đó, cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, trực tiếp theo dõi và hướng dẫn các hộ chăn nuôi. Sau gần 3 tháng nuôi, các hộ tham gia thực hiện mô hình đã bán hết số vịt trong chương trình trình diễn. Nhìn chung, hiệu quả mô hình đạt khá cao, tỷ lệ hao hụt chiếm 7,4%, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 2,6 - 3,2kg.
“Gia đình tôi nhận nuôi 200 con vịt, đến khi xuất chuồng chỉ hao hụt 8 con. Với giá bán 40.000 đồng/kg, mỗi con có trọng lượng 3kg, sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận thu được hơn 8 triệu đồng” - ông Trần Văn Do, một hộ dân tham gia mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH ở xã Phong Thạnh Đông A cho biết. Hay như hộ anh Trương Thế Vũ (ấp 13, xã Phong Thạnh Đông A) cũng tham gia mô hình chăn nuôi này.
Được đầu tư 200 con vịt giống, anh Vũ mua thêm 100 con vịt giống về nuôi. Tổng chi phí đầu tư từ chương trình hỗ trợ và gia đình bỏ ra là hơn 25 triệu đồng. Sau gần 3 tháng nuôi, vịt đạt trọng lượng từ 2,9 - 3,2kg/con. Khi xuất bán gần 300 con với giá 42.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí anh Vũ lãi gần 15 triệu đồng.
Anh Vũ phấn khởi cho biết: “Tôi được cán bộ Trung tâm KN-KN hướng dẫn kỹ thuật từ khâu chăm sóc, nuôi dưỡng như nuôi úm vịt con ở giai đoạn từ 1 - 14 ngày tuổi, đến cách cho vịt ăn theo độ tuổi. Ngoài ra, còn tận dụng cơm, cá tạp, ốc bươu vàng, rau xanh… cho vịt ăn để giảm chi phí”.
Hầu hết, các hộ nông dân áp dụng đúng kỹ thuật và quy trình hướng dẫn đều đạt hiệu quả. Chính vì thế, sau khi mô hình trình diễn hoàn thành, nhiều hộ đã mạnh dạn tiếp tục thả nuôi vịt theo hướng ATSH. Ông Vũ Thành Huế - Trưởng trạm KN-KN huyện Giá Rai, nhận xét: “Hầu hết các hộ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật của mô hình chăn nuôi vịt theo hướng ATSH đều đạt hiệu quả khá cao.
Đây là một trong những mô hình tương đối thuận lợi về đầu ra. Hiện, Trung tâm KN-KN huyện khuyến cáo nông dân tiếp tục áp dụng mô hình này vào chăn nuôi và nhân rộng ở các địa phương trong huyện”.
Related news
Rào cản phi thuế quan, nhìn ở góc độ tích cực là điều kiện cần thiết các quốc gia nhập khẩu buộc các nước xuất khẩu phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định) về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có hiệu lực từ ngày 20/6/2014 nhằm quản lý và phát triển ổn định ngành cá tra Việt Nam trên toàn chuỗi sản xuất.
Mặc dù đã có 300 đàn ong nuôi ổn định tại Đăk Nông, nhưng ông Cừ vẫn quyết định xuống Bình Phước nuôi thêm 300 thùng ong mật vì đầu ra cho mật ong luôn sẵn có. Ông Cừ cho biết, vụ ong này có thể sẽ mang lại thu nhập hàng chục triệu/tháng cho gia đình ông.
Chính quyền và nhân dân xã Nhơn Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) đang tập trung nỗ lực chống hạn bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống. Nông dân địa phương “chắt chiu” nguồn nước hồ Ông Kinh, hệ thống nước ngầm được tưới tiết kiệm phục vụ hiệu quả canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc.
Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Gia Lai, thời gian qua vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã xuất hiện bệnh trắng lá mía gây hại với diện tích bị nhiễm bệnh trên 500 ha. Tập trung nhiều nhất là 2 huyện Phú Thiện và Ia Pa.