Gia Lai tập trung đối phó với bệnh trắng lá mía
Hộ ông Tống Mạnh Dũng (thôn Bình Trung 2, xã Chư Răng, huyện Ia Pa) có 3 ha mía lưu gốc năm 1. Vào khoảng tháng 4-2015, ông Dũng phát hiện rất nhiều gốc mía bị bệnh trắng lá. “Lúc đầu chỉ ít cây bị bệnh, gia đình tôi nhổ bỏ và xử lý gốc để ngăn bệnh lây lan sang các cây lân cận. Tuy nhiên chỉ thời gian sau, hầu hết số mía trên ruộng đều bị nhiễm. Vụ mía này coi như mất trắng mà không còn cách nào cứu được”-ông Dũng cho biết. Hiện nay, ruộng mía nhà ông bị nhiễm bệnh trắng lá với tỷ lệ hại trên 80%. Ở mức độ này, ngành chức năng khuyến cáo và buộc ông Dũng phải cày bỏ toàn bộ 3 ha mía và chuyển qua canh tác loại cây trồng khác. Hiện tại, ông Dũng đã tiến hành phun thuốc lưu dẫn và chuẩn bị phá bỏ hoàn toàn diện tích mía trên theo khuyến cáo của ngành chức năng.
Cũng ở thôn Bình Trung 2 còn có hộ ông Tống Đức Hải cũng chịu thiệt hại nặng bởi bệnh trắng lá mía. Vụ mía năm nay, ông Hải có 3,2 ha mía lưu gốc năm 1 bị bệnh trắng lá mía tấn công và gây hại với tỷ lệ trên 60%. Hay hộ bà Ngô Thị Tâm ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) cũng bị bệnh trắng lá mía 1,2 ha (mía lưu gốc năm 1) với tỷ lệ hại 60%... “Hầu hết số diện tích mía bị nhiễm bệnh đều là mía lưu gốc năm 1. Với những hộ có ruộng mía nhiễm bệnh với tỷ lệ hại cao như trên, chúng tôi khuyến cáo nông dân cày bỏ để ngăn chặn bệnh lây lan sang diện tích khác. Đến thời điểm hiện tại đã có tới 102,5 ha mía ở 4 xã: Kim Tân, Pờ Tó, Ia Ma Rơn và Ia Kdăm phải phá bỏ do có tỷ lệ nhiễm bệnh trắng lá cao 30 - 95%”-bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, cho biết.
Xử lý bệnh bằng phương pháp thủ công
Thống kê đến thời điểm cuối tháng 6, bệnh trắng lá mía đã gây hại trên diện tích 677,37 ha mía tại 3 huyện thuộc phía Đông Nam tỉnh là Ia Pa, Ayun Pa và Phú Thiện, trong đó nhiều nhất là huyện Ia Pa với 615,6 ha. “Dấu hiệu nhận biết dễ nhất là các lá đổi qua màu trắng thay vì màu xanh do mất diệp lục, thân cây lùn và mọc nhiều chồi. Cây mía nhiễm bệnh trắng lá sẽ chết từ từ sau 7 ngày phát bệnh. Một điều gây khó khăn cho việc đối phó với bệnh trắng lá mía là bệnh có thể lây lan qua đường gió, nước, dụng cụ lao động sử dụng tại nơi nhiễm bệnh chưa qua xử lý…”-bà Hường cho biết thêm.
Thời tiết mưa nắng thất thường, đi kèm nền nhiệt độ tương đối cao là điều kiện thuận lợi để bệnh lây lan và phát triển. Tuy nhiên, là loại bệnh chưa có thuốc đặc trị nên cách duy nhất để đối phó là xử lý, tiêu hủy thủ công để diệt mầm gây bệnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Trạm trưởng phụ trách Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Phú Thiện, chia sẻ thêm: “Bệnh này có thể phòng bằng cách xử lý sạch mầm bệnh trên hom giống trong giai đoạn xuống giống. Còn hiện nay, trắng lá mía là loại bệnh chưa có thuốc điều trị nên mới chỉ áp dụng phương pháp phổ biến là loại trừ, tiêu hủy thủ công đối với cây mía và xử lý đất tại nơi nhiễm bệnh”.
Related news
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đang triển khai trồng thêm 2 ha cây tam thất tại thôn Đội 4, xã Nàn Sán (1 ha); thôn Ngã 3, xã Mản Thẩn (1 ha) và giao cho các nhóm hộ thực hiện. Hiện nay, việc làm giàn cơ bản đã xong, giống cây cũng đã sẵn sàng để tiến hành trồng ngay trong tháng 11 này. Ước tính kinh phí đầu tư trồng 1 ha tam thất từ 700 đến 800 triệu đồng.
Mấy năm gần đây, diện tích trồng điều ở Bình Phước bị thu hẹp do một bộ phận nông dân chặt bỏ để trồng cây công nghiệp hoặc cây ăn trái có giá trị hơn. Tuy nhiên, không ít hộ vẫn giữ vườn điều và thu nhập cao bằng cách trồng xen ca cao, cây ăn trái. Hộ chị Nguyễn Thị Thanh Thủy ở thôn 12, xã Long Hà (Bù Gia Mập) đã giàu lên nhờ trồng xen ca cao vào vườn điều.
Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Hà Nội thời gian qua vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, điều này tạo thách thức không nhỏ đối với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Ít nhất khoảng 70 container chè của Việt Nam xuất qua thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đang “bị treo”- chưa được thông quan chỉ vì nguồn tin thất thiệt… khiến hàng chục doanh nghiệp xuất khẩu chè điêu đứng.
Chuyện ít ai ngờ nhưng đang là hiện thực ở đồng đất huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Mỗi hecta gừng thương lái vào tận rẫy bỏ cọc và đồng ý thu mua với giá khoảng 1,5 tỉ đồng.