Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Dự Án Phát Triển Chăn Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học

Hiệu Quả Từ Dự Án Phát Triển Chăn Nuôi Vịt Thịt An Toàn Sinh Học
Publish date: Monday. July 15th, 2013

Cà Mau là tỉnh nằm ở cực Nam Tổ quốc, kinh tế mũi nhọn là ngư - nông – lâm. Bên cạnh sự phát triển con tôm, cây lúa thì việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi vịt cũng mang lại hiệu quả khá lớn cho bà con nông dân, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình...

Tuy nhiên, nhiều năm gần đây đa số người chăn nuôi chủ yếu là nuôi vịt chạy đồng, thả lan, tận dụng nguồn thức ăn từ đồng ruộng, gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm (H5N1).

Tháng 05/2011 từ nguồn kinh phí Dự án khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau thực hiện “Dự án phát triển chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học”. Mục tiêu của dự án là góp phần tăng thu nhập, nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật của người chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện vệ sinh thú y và phòng chống bệnh cúm H5N1. Đây là một mô hình khá mới đối với người chăn nuôi vịt tại Cà Mau. Việc xây dựng “Dự án phát triển chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh” là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Qua 3 năm thực hiện từ 2011 đến 2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau đã xây dựng 06 điểm trình diễn mô hình chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học và chuyển giao hơn 21.300 con vịt giống, có 102 hộ dân của 6 xã trên địa bàn 3 huyện và 1 thành phố gồm: Tân Lộc Bắc, Tân Phú, Trần Hợi, Khánh Hưng, An Xuyên và Khánh Lâm; mỗi hộ nhận từ 200 – 300 con vịt giống.

Mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học được thực hiện với hình thức Nhà nước hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và 30% hóa chất sát trùng. Qua thời gian nuôi các hộ tham gia mô hình trình diễn hầu như vịt không xảy ra dịch bệnh và đều có lãi dù giá cả đầu vào tăng cao và đầu ra sản phẩm không ổn định.

Anh Đào Thanh Nhanh, ngụ tại ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình năm 2011 phấn khởi cho biết, gia đình đã gắn bó với nghề nuôi vịt hơn 20 năm, hằng năm nuôi từ 500 – 1.000 con, gia đình chăm sóc rất kỹ nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra thường xuyên, có năm mất trắng.

Sau khi được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư hỗ trợ 300 con vịt từ mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học và tập huấn kỹ thuật nuôi vịt theo phương thức tập trung an toàn sinh học đã giảm bớt được chi phí so với nuôi vịt chạy đồng. Trước đây thời gian nuôi kéo dài khoảng 2,5 tháng mới bán được và trọng lượng chỉ đạt 2,5 – 3,0 kg/con, còn áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học khoảng 56 – 60 ngày là vịt đạt trọng lượng xuất chuồng từ 2,8 -3,2 kg/con.

Mô hình cho lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình anh lãi được hơn 9 triệu đồng. Anh cho biết thêm, nuôi vịt thời gian ngắn, đồng vốn quay nhanh anh tiếp tục duy trì mô hình và vận động bà con vùng lân cận thực hiện chăn nuôi vịt an toàn sinh học.

Tương tự, hộ anh Phạm Tuấn An ở ấp Nhà Máy C, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời, là hộ thực hiện mô hình năm 2012 được hỗ trợ 200 con vịt giống Supper M. Anh cho biết trước đây anh nuôi vịt chạy đồng nên khá vất vả, thường xuyên vắng nhà, tỷ lệ hao hụt cao, vịt phát triển không đồng đều, giá bán thấp và vịt hay mắc bệnh.

Nhưng nuôi theo cách mới này chỉ cần 1 người chăm sóc, không cần phải đi xa, dễ kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là đảm bảo an toàn dịch bệnh. Sau khi được tập huấn kỹ thuật về quy trình chăn nuôi vịt an toàn sinh học, và áp dụng đúng quy trình, đàn vịt phát triển tốt, không có dịch bệnh. Sau 58 ngày nuôi, vịt đạt trọng lượng đạt trên 3kg/con, đã giúp gia đình anh có thu nhập gần 8 triệu đồng.

Mô hình góp phần chuyển đổi dần hình thức chăn nuôi thả lan chạy đồng xa gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh sang chăn nuôi tập trung có kiểm soát và an toàn dịch bệnh, ít tốn công lao động. Ngoài ra về mặt xã hội, dự án đã nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tăng sức cạnh tranh thị trường, tận dụng công lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, góp phần trong việc xóa đói giảm nghèo, từng bước đưa ngành chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững.

Ngoài việc xây dựng mô hình trình diễn, dự án đã tổ chức 06 cuộc tập huấn đào tạo, nâng cao cho 180 nông dân chăn nuôi vịt trong tỉnh. Sau khi tham gia lớp đào tạo, tập huấn các học viên nắm được: Các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi vịt, kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học, một số bệnh thường gặp trên vịt và cách phòng ngừa.

Thông qua tập huấn, đào tạo ngoài việc nắm bắt qui trình chăn nuôi vịt theo phương thức tập trung an toàn sinh học góp phần hạn chế dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nhà; dần dần thay đổi tập quán nuôi vịt chạy đồng xa; không kiểm soát được dịch bệnh chuyển sang nuôi nhốt hoặc kết hợp chạy đồng gần; nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh nhất là bệnh cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ông Đoàn Phi Long ngụ tại ấp Kinh Củ, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời là học viên của lớp tập huấn đào tạo cho biết: “Đây là lớp tập huấn rất bổ ích, giúp tôi hiểu được các biện pháp an toàn sinh học như: Nuôi vịt phải cách ly, mua vịt có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch, nuôi tập trung hay kết hợp thả đồng phải có sự kiểm soát, tiêm phòng vaccin đầy đủ đặc biệt là biết phòng trị một số bệnh trên vịt. Sau khi được tập huấn, tôi nuôi vịt có hiệu quả hơn, đặc biệt bệnh tật ít xảy ra hơn trước”.

Cùng với xây dựng mô hình trình diễn, tập huấn đào tạo thì công tác thông tin tuyên truyền cũng được dự án thực hiện đồng bộ. Trung tâm đã tổ chức 06 cuộc tham quan hội thảo nhân rộng mô hình cho 390 nông dân. Trong các buổi hội thảo tham quan, bà con đã trảo đổi ý kiến về nhân rộng mô hình trong thời gian tới, chọn thời điểm nuôi khi xuất chuồng bán giá cao, nuôi nhỏ lẻ bị thương lái ép giá, đề nghị doanh nghiệp thu mua, đầu ra sản phẩm…

Ông Huỳnh Thanh Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú nhận xét: Mô hình nuôi vịt thịt an toàn sinh học thích hợp với điều kiện địa phương, phù hợp với những hộ ít vốn, ít đất sản xuất, vốn đầu tư không cao so với các vật nuôi khác, không tốn nhiều công chăm sóc so với chăn nuôi vịt theo truyền thống.

Ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thới Bình đánh giá: Nhờ dự án mà người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học từ khâu: chăm sóc, nuôi dưỡng đúng kỹ thuật, an toàn vệ sinh môi trường, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi theo tập quán truyền thống lâu nay. Chính vì vậy cần đầu tư, phát triển mô hình nuôi vịt an toàn sinh học.

Dự án chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học đã mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là hướng chăn nuôi bền vững cần tiếp tục nhân rộng.


Related news

Hà Tĩnh Được Mùa, Được Giá Vụ Tôm Cuối Năm Hà Tĩnh Được Mùa, Được Giá Vụ Tôm Cuối Năm

Từ đầu năm đến nay nhiều tổ chức cá nhân tại Hà Tĩnh đã mạnh dạn, đầu tư chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh, cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát và trong ao đất lót bạt, vỗ bờ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng diện tích mặt nước và tăng năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Tuesday. December 9th, 2014
Điều Nhân Giảm Phụ Thuộc Thị Trường Trung Quốc Điều Nhân Giảm Phụ Thuộc Thị Trường Trung Quốc

Chất lượng hạt điều Việt Nam được khách hàng nước ngoài thừa nhận là ngon nhất, trở thành thương hiệu mà người tiêu dùng các nước châu Âu và Mỹ ưa chuộng.

Thursday. July 24th, 2014
Nhiều Rào Cản Phát Triển Ngành Giống Nhiều Rào Cản Phát Triển Ngành Giống

Mấy năm trở lại đây ngành giống cây trồng (GCT) Việt Nam đã có bước phát triển tốt với quy mô tăng mạnh và đạt khoảng 340 triệu USD trong năm 2013. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành này vẫn bộc lộ nhiều yếu kém. Phóng viên Báo Công Thương đã trao đổi với TS Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Tuesday. December 9th, 2014
Quảng Trị Quan Tâm Nhiều Vấn Đề Nông Nghiệp, Nông Dân Quảng Trị Quan Tâm Nhiều Vấn Đề Nông Nghiệp, Nông Dân

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.167 tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch và tăng 55% cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 7,2%, trong đó lĩnh vực nông - lâm - nghiệp và thủy sản tăng 5,7%.

Thursday. July 24th, 2014
Tuyệt Chiêu Bắt Lươn Giữa Cao Ốc Tuyệt Chiêu Bắt Lươn Giữa Cao Ốc

Người đàn ông chúng tôi nhắc tới ở trên là ông Nguyễn Huy Sáng, quê ở thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội. Nghe người dân xã Sơn Đà đồn đại rất nhiều về khả năng bắt lươn của ông, nay tình cờ gặp ông ra trung tâm Thủ đô thăm con cháu kết hợp đánh lươn, chúng tôi có dịp chứng kiến ông trổ tài.

Thursday. July 24th, 2014