Hiệu Quả Từ Cánh Đồng Mẫu
Trước tình trạng đất cát, nhiễm phèn ảnh hưởng đến năng suất lúa của nông dân, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Đông Hòa đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao cho nông dân ở Hợp tác xã Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Xuân Tây 2 (HTX Hòa Xuân Tây 2) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo HTX Hòa Xuân Tây 2, các chân ruộng thuộc xứ đồng Đẫu, đồng Gò Am và đồng Rộc Lương là loại đất cát pha, bị nhiễm phèn nặng nên năng suất lúa sản xuất đạt thấp, hiệu quả kinh tế kém. Bà Lê Thị Nhạn ở xã Hòa Xuân Tây, một hộ dân có diện tích ruộng thuộc cánh đồng Đẫu cho hay: Nhà tôi có mấy sào ruộng nhưng vì đất ở đây xấu nên chi phí phân bón rất tốn kém mà năng suất thu hoạch lại không cao…
Để hỗ trợ cho bà con nông dân địa phương cải thiện năng suất, nâng cao hiệu quả canh tác trên các chân ruộng này, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên khảo sát và triển khai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao với giống lúa HT1 thuần chủng, kết hợp sạ hàng cho các hộ dân.
Ông Đỗ Xuân Quang ở thôn Bàn Nham Bắc, một trong những hộ dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao, cho hay: “Trước đây gia đình tôi làm các loại giống lúa thông thường nên năng suất bình quân 270kg/sào.
Từ khi đăng ký tham gia làm mô hình cánh đồng mẫu, năng suất lúa của gia đình luôn cao và làm có lãi. Hiện nay tôi đang canh tác 8 sào ruộng với giống lúa HT1, năng suất bình quân mỗi năm trên 350kg/sào”.
Cũng theo ông Quang, khi tham gia mô hình, ông được hướng dẫn gieo sạ 6kg giống/sào, giảm gần 2/3 lượng giống gieo sạ (lúc trước gieo 15kg giống/sào) nên rất e ngại. Nhưng nhờ giống lúa HT1 này nảy mầm và đẻ nhánh rất tốt, gié lúa dài, chắc hạt, ít bị ngã, ít rụng, tỉ lệ sống cao… nên năng suất thu hoạch vượt trội hơn hẳn.
Đồng thời, khi trồng lúa theo mô hình, ông được hướng dẫn chi tiết thời điểm, liều lượng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên giảm đáng kể chi phí đầu tư. Còn gia đình ông Phạm Trọng Quỳnh hiện đang làm hơn 4 sào lúa với loại giống HT1, mỗi vụ năng suất đạt 340kg/sào.
Ông Quỳnh nói: “Bà con chúng tôi mấy năm nay chưa bao giờ làm lúa đạt được 300kg/sào. Từ ngày thay đổi giống lúa mới và được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, năng suất vượt trội, khắc phục được những hạn chế về thổ nhưỡng của địa phương.
Không những vậy, hiện lúa HT1 còn có giá bán cao hơn từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg so với các giống lúa lâu nay bà con vẫn canh tác. Tôi mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho người dân những giống mới cũng như đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào để làm sao năng suất cây lúa ngày một cao hơn, đời sống chúng tôi cũng sẽ cải thiện hơn”.
Ông Nguyễn Đình Nhu, Chủ nhiệm HTX Hòa Xuân Tây 2, cho biết: “Từ khi bà con áp dụng mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa chất lượng cao đã cải thiện được năng suất sản xuất lúa, bình quân mỗi vụ năng suất thu hoạch đạt 70 tạ/ha, tăng 15 tạ/ha so với trước đây.
Nhờ vậy mà ngày càng có nhiều người dân đăng ký tham gia làm mô hình này.” Theo ông Nhu, trong vụ hè thu 2013, toàn HTX chỉ có 30 hộ làm mô hình cánh đồng mẫu với diện tích 5ha thì đến nay đã tăng lên 79 hộ với tổng diện tích canh tác 10ha.
Ngoài ra, thông qua mô hình, nhiều hộ nông dân đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật, hiệu quả của việc sử dụng lúa giống thuần chủng và không còn lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác… góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường.
Related news
Hải Phòng đang triển khai 7 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Compost maker xử lý rơm rạ trên địa bàn 5 huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo.
Khởi nguồn từ sáng kiến của những nông dân HTX Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc) trồng ngô đông bằng bầu trên nền đất ướt, vụ ngô đông ở miền Bắc mở ra có thời điểm lên tới trên 150.000 ha.
Ngày 21/11, Trạm thú y huyện Diễn Châu đã tiến hành tiêu hủy 2.600 con gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong lộ trình thực hiện cải cách hành chính, lâm nghiệp là lĩnh vực đầu tiên trong ngành NN-PTNT hoàn thành việc xây dựng và thực hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC).
Sau hơn 3 năm thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Phước giảm hẳn.