Hiệu Quả Thực Hiện Đề Án Nhân Rộng Các Mô Hình Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Yên Lập
Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Lập đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương áp dụng các chương trình, dự án, cơ chế chính sách và phát huy những điều kiện thuận lợi của địa phương để thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực khi được áp dụng tại địa phương.
Điển hình là dự án phát triển sản xuất thâm canh lúa nếp gà gáy Mỹ Lung thành vùng sản xuất hàng hóa trên địa bàn huyện năm 2009 - 2011; mô hình gieo trồng giống lúa (N ưu 838, N ưu 7), 2 giống ngô lai NK 4.300 và DK 9955 và một số mô hình của giống lúa, ngô khác đã được khảo nghiệm trong 4-5 năm trở lại đây…
Một số mô hình chăn nuôi, đã áp dụng những loại giống phù hợp với điều kiện ở vùng đồi, như mô hình nuôi lợn rừng lai F1 thương phẩm chất lượng cao triển khai năm 2009, nâng giá trị kinh tế so với giống lợn thường từ 60.000-80.000 đồng/ 1 kg; mô hình nuôi gà ri lai thả vườn đã cho kinh tế vượt trội với một số giống gà khác.
Đặc biệt, gà ri lai thả vườn có chất lượng thịt ngon, khả năng kháng bệnh tốt, được thị trường ưa chuộng. Mô hình trồng cây bưởi Diễn ở các xã Đồng Thịnh, Phúc Khánh, Xuân Thuỷ, Xuân An, Ngọc Lập, Ngọc Đồng, Minh Hoà từ năm 2007 cũng tạo giá trị tăng cao trong sản xuất của nông hộ, nông trại, nâng nguồn thu nhập ổn định cho các gia đình thực hiện mô hình.
Mới đây mô hình cây thanh long ruột đỏ đã thực hiện ở các xã Mỹ Lương, Lương Sơn, Xuân Viên, Hưng Long… trên diện tích 1,59ha ở những diện tích đất vườn tạp, bước đầu đã cho thu nhập cao, được nhân dân ủng hộ.
Gia đình chị Đỗ Thị Sơn, khu Đồng Tiến, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập tham gia mô hình trồng thanh long ruột đỏ với số lượng 350 gốc, năm đầu đã cho thu hoạch 10-15kg quả/gốc.
Để hoàn thành các mục tiêu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Yên Lập đã chỉ đạo, điều hành tổ chức đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó Đề án nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp được đưa vào Nghị quyết số 50 của Hội đồng nhân dân huyện năm 2013 để thực hiện trong giai đoạn 2014-2015.
Ngày 10/3/2014, UBND huyện ban hành kế hoạch, giao chỉ tiêu cho 17 xã, thị trấn, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn phân công cán bộ trực tiếp theo dõi và hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai thực hiện.
Triển khai Đề án, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tăng cường công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên thực hiện mục tiêu của đề án; tổ chức 30 lớp tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, cấp phát 1.618 bản tài liệu tới cán bộ chuyên môn và nông dân. 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng Đề án đồng thời lồng ghép các nguồn vốn ưu tiên, hỗ trợ của các ngành, các cấp ở địa phương của Trung ương để thực hiện...
Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án nhân rộng các mô hình trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện nâng cao giá trị thu nhập và mức sống của người dân, đưa tổng giá trị ngành sản xuất nông lâm nghiệp - thuỷ sản năm 2014, ước đạt 104,5% so với cùng kỳ…
Một số đơn vị đã thực hiện tốt, đảm bảo đúng tiến độ, điển hình như các xã: Mỹ Lung, Lương Sơn, Minh Hoà, Đồng Thịnh, Phúc Khánh, Hưng Long, Nga Hoàng… đưa diện tích lúa lai N ưu 838, N ưu số 7 vượt mục tiêu đề án 13,3%.
Sản xuất thâm canh lúa nếp gà gáy Mỹ Lung ở vùng dự án đã phát triển 30ha ở xã Mỹ Lung, cho sản lượng 99 tấn, trị giá 2,376 tỷ đồng. Tổng đàn lợn rừng lai mở rộng ra thêm 38 hộ chăn nuôi, nâng số lượng 1.362 con, sản lượng 40,891 tấn thịt thương phẩm, trị giá ước khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Đàn gà ri lai phát triển với số lượng ngày càng tăng, đạt 150% so với kế hoạch. Mở rộng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh cải tiến (SRI) và gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay mặc dù có nhiều khó khăn, do yếu tố khách quan (diện tích gieo trồng phân tán, nhỏ lẻ) song toàn huyện đã có 2.136ha được ứng dụng tiến bộ KHKT thâm canh cải tiến (SRI) và gieo thẳng bằng giàn sạ, đạt 213,6%.
Một số mô hình tác động trực tiếp đến việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế trên đất vườn đồi của nhiều hộ dân ở các xã vùng núi, vùng khó khăn như mô hình trồng bưởi Diễn, mô hình trồng thanh long ruột đỏ, riêng mô hình trồng bưởi Diễn mở rộng được 25,4ha với hàng ngàn gốc.
Tuy nhiên, Đề án thực hiện vẫn còn có những khó khăn, hạn chế như việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cải tiến (SRI) và gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay do diện tích gieo trồng manh mún, nên số diện tích đủ tiêu chuẩn để được hưởng chính sách còn thấp. Chương trình nuôi lợn rừng lai chưa thu hút nhiều hộ tham gia và quy mô mở rộng chưa nhiều…
Để Đề án tiếp tục thực hiện đạt kết quả cao hơn, UBND huyện đưa ra những giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước để người dân tích cực tham gia; chỉ đạo ngành nông nghiệp chuyển giao cho nông dân ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý rơm rạ tại chỗ trên đồng ruộng sau thu hoạch góp phần làm giàu chất hữu cơ trong đất, hạn chế dịch bệnh, giảm công lao động, ứng dụng chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh, đồng thời tổ chức sản xuất với quy mô liên doanh, liên kết giữa các nông hộ sản xuất quy mô nhỏ, tạo thành sản xuất hàng hoá lớn và tìm kiếm mở rộng tiêu thụ sản phẩm; tạo mô hình sản xuất bền vững gắn kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá sản phẩm tìm kiếm thị trường; tiếp tục tuyên truyền thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa tạo thành vùng sản xuất liền khu, liền khoảnh trên quy mô lớn để thuận lợi cho việc chuyển giao KHKT; tiếp tục đầu tư mới và nâng cấp duy tu bảo dưỡng các tuyến đường liên thôn, đường ra đồng, đường đến các trang trại lớn, đường lên đồi và hệ thống hồ đập, kênh mương…; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý cho đội ngũ cán bộ làm lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là việc nghiên cứu, tìm hiểu các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện của địa phương để thí điểm và nhân rộng quy mô phù hợp với địa phương.
Related news
Bà Nguyễn Thị Chính, ở ấp So Đũa, xã Thạnh Xuân (Châu Thành A, Hậu Giang) cho biết: "Tôi trồng 60 bụi chuối, cứ thu hoạch 2 lần/tháng, sản lượng 20 – 40 buồng, bán với giá từ 70.000 – 90.000 đồng/chục, nhưng hơn tháng nay giá chỉ còn 40.000 – 45.000 đồng/chục".
Từ đầu năm 2014 đến nay, giá bưởi da xanh ổn định và luôn đứng ở mức khá cao. Hiện đang là vụ thu hoạch rộ nhưng giá vẫn đứng ở mức 38.000 đ/kg loại I; loại II có giá 28.000 đ/kg; loại III giá 18.000 đ/kg. Với mức giá này sau khi trừ chí đầu tư nhà vườn thu lãi hơn 70%/tổng thu nhập.
Đa số doanh nghiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn và lợi nhuận giảm, nguyên nhân chính là nhân lực yếu.
Năng suất diệp hạ châu đạt đến trên 3 tấn/ha. Qua phân tích của Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng (Sở KH-CN Lâm Đồng), hàm lượng dược chất có ích trong cây diệp hạ châu ở Cát Tiên cao hơn sản phẩm cùng loại ở những vùng khác từ 2-3 lần.
Nguyên nhân diện tích cao su trong những năm qua tăng là do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây cao su; đặc biệt là từ năm 2009- 2012, giá mủ cao su liên tục tăng, hiệu quả từ cây cao su đem lại rất lớn so với các cây trồng khác. Do đó, nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cao su.