Hiệu Quả Qua 4 Năm Thực Hiện Mô Hình Trồng Hoa Trên Bờ Ruộng Ở Tân Phước (Tiền Giang)
Mô hình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý sâu bệnh trên đồng rộng" hay gọi đơn giản như nông dân là "Trồng hoa trên bờ ruộng" trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang) 4 năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng chống rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá.
Tân Hòa Thành, Phước Lập, Tân Hòa Tây là các xã đầu tiên ứng dụng mô hình "Trồng hoa trên bờ ruộng". Trong giai đoạn thử nghiệm từ tháng 6/2010 đến nay, các xã trên đã có 4 loại hoa được chọn trồng trên bờ ruộng ở mô hình. Đó là những loại hoa có màu sắc, hương thơm phù hợp, có nhiều mật, phấn hoa, dễ trồng, ít chăm sóc và có thể trổ hoa quanh năm, gồm cúc gót, đậu bắp, sao nhái và xuyến chi.
Kết quả thử nghiệm trong mấy năm qua cho thấy, mật số các loài thiên địch chính của rầy nâu như nhện lớn bắt mồi, bọ xít mù xanh và ong ký sinh của rầy nâu ở khu mô hình luôn cao hơn so với khu ruộng đối chứng. Điều này đã làm cho rầy nâu ở các ruộng mô hình không có điều kiện bộc phát thành dịch.
Theo một vài nông dân tham gia mô hình này ở xã Tân Hòa Thành, mô hình "Trồng hoa trên bờ ruộng" cho lợi ích thiết thực về mặt môi trường và kinh tế. Chẳng hạn, số lần sử dụng thuốc trừ sâu ở mô hình thấp hơn so với trên ruộng đối chứng là 2,5 lần/vụ. Số lần phun thuốc trừ bệnh ở mô hình thấp hơn so với ruộng đối chứng 4,6 lần/vụ. Vì vậy, mô hình "Trồng hoa trên bờ ruộng" đã giảm được số lần sử dụng thuốc trừ sâu so với ruộng bình thường, qua đó giảm được ảnh hưởng xấu đối với môi trường.
Theo thống kê hàng năm, sau khi thu hoạch, năng suất lúa ở mô hình "Trồng hoa trên bờ ruộng" tuy thấp hơn các khu vực ngoài mô hình, nhưng chi phí đầu tư ở ruộng mô hình thấp hơn: ruộng trong mô hình khoảng 8.201.700 đồng/ha, còn ruộng đối chứng là 11.400.000 đồng/ha.
Như vậy có thể thấy sau 4 năm thử nghiệm, mô hình "Trồng hoa trên bờ ruộng" huyện Tân Phước đã cho thấy lợi ích rõ rệt từ phòng chống dịch bệnh đến bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa. Chú Hà Văn Chậm, ấp 4, xã Tân Hòa Thành chia sẻ: "Từ khi tham gia mô hình, chú đỡ phải tốn công xịt thuốc nhiều như trước đây, đây là mô hình có hiệu quả".
Với những ưu điểm trên, thiết nghĩ bà con nông dân cần quan tâm thực hiện đồng bộ với diện tích ngày càng cao, vừa giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, vừa chống ô nhiễm môi trường, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới.
Related news
Mô hình nuôi gà đen lấy thịt được Trung tâm khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện tại xã Mường Báng và xã Sính Phình của huyện Tủa Chùa. Với quy mô 1.150 con, 28 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, thức ăn và thuốc thú y. Chi phí chuồng trại và công chăm sóc do người dân tự đóng góp.
Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiêm túc thực hiện.
Đó là cách làm giàu của chị Vũ Thị Oanh ở tổ dân phố số 2, phường Quyết Tiến (thị xã Lai Châu). Trên diện tích hơn 5.000 m2, từ trồng rau gia vị, trừ mọi chi phí, mỗi năm chị thu được hơn 200 triệu đồng.
Sáng 1-4, tại phía trên đập thủy điện Sơn La, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phối hợp với tỉnh Sơn La và Công ty Thủy điện Sơn La tổ chức lễ thả cá giống xuống hồ thủy điện Sơn La.
Sau 6 tháng triển khai, đến nay, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ở xã Lộc Nga (Lâm Đồng), được thực hiện tại 15 hộ với số lượng 60 kg cá giống, do Trung tâm Nông nghiệp thành phố Bảo Lộc đã triển khai, đã đem lại hiệu quả khá cao.