Hiệu Quả Mô Hình Trồng Khoai Tây Theo Phương Pháp Làm Đất Tối Thiểu
Ngày 12/1/2012, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trạm BVTV huyện Định Hóa và Ủy ban nhân dân xã Tân Dương tổ chức hội nghị tổng kết mô hình “Trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu” vụ đông năm 2011. Đến dự hội nghị có trên 60 bà con nông dân trong huyện và cán bộ nông nghiệp trong tỉnh.
Mô hình được Chi cục BVTV tỉnh Thái Nguyên triển tại xóm 1, xã vùng cao Tân Dương của huyện Định Hóa, trên diện tích 3.600m2 đất 2 vụ lúa, với 05 hộ nông dân tham gia. Mô hình sử dụng giống khoai tây Solara của Đức và công thức đối chứng là phương pháp sản xuất khoai tây truyền thống của nông dân địa phương.
Mô hình triển khai nhằm giúp người dân giảm công lao động trong khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch khoai tây (tiết kiệm khoảng 60% công lao động); giảm lượng phân bón, tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ rơm rạ sau thu hoạch lúa mùa, góp phần cải tạo đất và từng bước khắc phục được tình trạng đốt rơm, rạ trên đồng ruộng gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường.
Trồng khoai tây theo phương pháp làm đất tối thiểu khá đơn giản. Sau khi gặt xong lúa mùa, tiến hành cày tạo luống và cày xung quanh ruộng tạo rãnh tưới nước cho khoai rồi che phủ rơm, rạ lên toàn bộ mặt luống. Được che phủ rơm rạ nên luống khoai tây được giữ ẩm rất tốt, vì vậy chỉ khi nào ruộng thực sự khô thì tưới bổ sung. Phương pháp này do không vun xới nên củ khoai thường tập trung ở sát mặt đất, khi thu hoạch chỉ cần dùng tay vạch rơm, bới củ, không cần dùng cuốc dễ xây xát củ.
Kết quả cho thấy, năng suất khoai tây làm đất tối thiểu đạt 650kg/sào, cao hơn phương pháp cũ khoảng 50 kg/sào, mỗi sào khoai tây người dân thu lãi khoảng 4,6 triệu đồng (tương đương 127,4 triệu đồng/ha), cao hơn phương pháp cũ khoảng 500.000 đồng/sào. Củ khoai to, tròn đều, mã củ đẹp, mắt củ nông, nhẵn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và dễ thu hoạch. Về dịch hại: bệnh héo xanh xuất hiện rải rác trên cả hai công thức, tuy nhiên, tại ruộng làm theo phương pháp làm đất tối thiểu thì tỷ lệ thấp hơn so với phương pháp truyền thống. Các đối tượng khác như: sâu xám, bệnh sương mai, bệnh mốc sương… thì ở cả hai công thức đều bị nhiễm ở mức nhẹ. Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Thái Nguyên cho biết, đây là năm thứ 2 triển khai thực hiện ô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu. Vụ đông năm 2010, Chi cục thực hiện mô hình tại xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên (vùng đồng bằng) và xã Động Đạt, huyện Phú Lương (miền núi) và năm nay thực hiện tại xã vùng cao. Qua 2 vụ thực hiện cho thấy, đây là phương pháp trồng khoai tây tiên tiến, dễ làm, phù hợp với điều kiện canh tác của người dân tỉnh Thái Nguyên; phương pháp này giúp giảm chi phí đầu vào như vật tư, phân bón, công lao động mà vẫn cho năng suất cao, chất lượng khoai tốt, thu nhập cao hơn hẳn so với cách làm cũ. Vào mùa đông, do thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiều hộ nông dân thường bỏ trống đất ruộng, nay trồng cây khoai tây là rất thích hợp để tăng hiệu qua sử dụng đất, sử dụng nguồn lao động dôi dư sẵn có tại địa phương. Tiến bộ kỹ thuật này cần được phổ biến tại nhiều địa phương khác để bà con nông dân học tập, ứng dụng sản xuất đại trà và mở rộng diện tích trồng khoai tây trong những năm tới
Related news
Những ngày này, người dân nhiều xã ở huyện miền núi Pác Nặm (Bắc Kạn) đang vào vụ thu hoạch gừng. Sau gần ba năm đưa vào trồng thử nghiệm và phát triển trên diện rộng, cây gừng đã từng bước khẳng định được giá trị kinh tế và mang lại cho người nông dân nguồn thu đáng kể.
Mặc dù điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn do hạn hán song lạc L14 qua phục tráng cho năng suất thực tế đạt 22,23 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha so với giống lạc L14 sản xuất đại trà.
Niên vụ 2015 – 2016, vùng mía Lam Sơn trồng 12.776 ha mía nguyên liệu, tăng 116 ha so với cùng kỳ; năng suất ước đạt 62 tấn/ha, tăng 4 tấn/ha. Dự kiến từ ngày 5 đến 9-12-2015, vùng mía Lam Sơn sẽ bước vào thu hoạch mía nguyên liệu niên vụ 2015 – 2016.
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân thị trấn Mỹ Luông (An Giang) đã chuyển đổi 30 ha đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang vườn.
Với gần 20 ha cam, quýt các loại như: cam lòng vàng CS1, V2, cam canh, quýt ôn châu, mỗi năm gia đình anh Bùi Việt Bách, khu 3, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong thu nhập tiền tỷ và giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương.