Hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn VietGAP tại Hòa An
Từ năm 2012, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Hòa An đã áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi lợn. Việc áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đã bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), góp phần bảo vệ môi trường, mang đến sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP của gia đình anh Hoàng Đặng Gầu, xóm Pác Pan, xã Nam Tuấn (Hòa An) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
HIỆU QUẢ CAO, LỢI ÍCH KÉP
Năm 2012, Dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP - Lifsap” đã tổ chức thực hiện mô hình chăn nuôi lợn áp dụng theo quy trình VietGAP tại 6 xã: Nam Tuấn, Bế Triều, Hoàng Tung, Hưng Đạo (nay thuộc Thành phố), Hồng Việt, Đức Long của huyện Hòa An, quy mô 31 nhóm, với 478 hộ tham gia. Đồng chí Phan Thị Huế, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hòa An cho biết: Các hộ được lựa chọn tham gia mô hình là hộ có truyền thống, kinh nghiệm chăn nuôi lợn, tổng đàn lợn nuôi thường xuyên đạt từ 5 - 10 con, đáp ứng điều kiện trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, như: cách xa đường giao thông, khu chăn nuôi khác…. Tham gia mô hình chăn nuôi lợn VietGAP, các hộ nuôi được tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học từ khâu chọn giống, lựa chọn thức ăn, công tác thú y (tiêm phòng, phun khử trùng, tiêu độc); hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ để nâng cấp chuồng trại, 200 USD/hộ để xây dựng hầm biogas, cung cấp một số vật tư chăn nuôi…
Sau 4 năm triển khai mô hình chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAP, ý thức của người chăn nuôi đã được nâng cao để cung cấp những sản phẩm chăn nuôi an toàn cho người tiêu dùng. Người chăn nuôi đã biết chủ động bảo vệ đàn lợn của mình thông qua việc tiêm phòng các loại vắc - xin theo quy định, vệ sinh chuồng trại hằng ngày cũng như phun thuốc sát trùng định kỳ 2 lần/tháng để phòng, chống dịch bệnh, tạo được thói quen ghi chép nhật ký sản xuất để kiểm soát thời gian tiêm vắc - xin cũng như tính các chi phí đầu tư... Tổng đàn lợn chăn nuôi tăng từ 5 - 10 con/hộ khi bắt đầu dự án đã lên 15 - 25 con/hộ. Cân nặng khi xuất chuồng đạt từ 80 - 100 kg/con. Hằng năm thu lãi từ chăn nuôi đạt từ 50 - 80 triệu đồng, tăng cao hơn so với chăn nuôi truyền thống từ 7 - 10%. Môi trường chăn nuôi trong vùng không bị ảnh hưởng xấu và sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn. Việc xây dựng các hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi còn giúp các hộ chăn nuôi mỗi tháng tiết kiệm được một khoản tiền nhiên liệu cho đun nấu, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ cho việc trồng trọt. Đến nay, toàn huyện có 232 hộ đạt tiêu chuẩn được cấp chứng nhận VietGAP.
Anh Hoàng Lưu Truyền, ở xóm Pác Pan, xã Nam Tuấn (Hòa An) chia sẻ: Gia đình tôi đang nuôi 4 con lợn nái, 20 con lợn thịt. Trước đây, khi thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh bùng phát, có năm đàn lợn bị dịch, nhiều con mắc bệnh, bị chết. Từ năm 2012, gia đình tôi tham gia nhóm chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Năm nào lứa lợn của gia đình tôi cũng khỏe mạnh, phát triển tốt, tăng trọng đều, xuất chuồng nhanh (thời gian nuôi mỗi lứa giảm từ 15 - 30 ngày). Lợn xuất chuồng to đều, đạt bình quân từ 80 - 100 kg/con, với giá bán 45 nghìn đồng/kg hơi, lãi thuần 1 - 1,2 triệu đồng/con. Ngoài ra, nhờ chăn nuôi theo quy trình VietGAP, chất lượng con giống tốt nên các hộ chăn nuôi ở vùng lân cận cũng tìm đến để mua giống với giá 70 nghìn đồng/kg hơi. Bán lợn giống và lợn thịt, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 65 - 70 triệu đồng…
Không chỉ gia đình ông Truyền mà nhiều gia đình khác khi tham gia mô hình nuôi lợn áp dụng quy trình VietGAP thuộc dự án “Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP - Lifsap” triển khai tại huyện Hòa An đều đem lại hiệu quả cao, thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm, như các gia đình: Hoàng Đặng Gầu, Hoàng Văn Vụ ở xóm Pác Pan, xã Nam Tuấn; Nông Thị Duyên, Lê Văn Ba ở xóm Nà Coóc, xã Đức Long; Hoàng Văn Hải ở xóm Lam Sơn, xã Hồng Việt…
Ngoài những hiệu quả đem lại cho người chăn nuôi, Dự án Lifsap còn mang lại tiện ích rất lớn cho người tiêu dùng. Khu bán thực phẩm tươi sống tại 5 khu chợ tại các xã: Nam Tuấn (2 chợ), Dân Chủ (1 chợ), Nguyễn Huệ (1 chợ), thị trấn Nước Hai (1 chợ) đã được Dự án Lifsap đầu tư cải tạo theo một mẫu chuẩn với nền chợ được xây cao, thông thoáng, hệ thống chiếu sáng, quầy bán thịt được ốp đá và có hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh công cộng thuận tiện. Tổ chức các chương trình tập huấn, hướng dẫn cho ban quản lý chợ và tiểu thương cách vận hành, bảo quản tài sản và kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
MÔ HÌNH CẦN NHÂN RỘNG
Đồng chí Lưu Văn Bách, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hòa An cho biết: Sau 4 năm thực hiện mô hình, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt về kinh tế, chất lượng thực phẩm cung cấp cho thị trường, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình này cũng còn gặp không ít khó khăn. Thực tế là hiện nay, việc tiếp cận đến sản phẩm thịt lợn an toàn của người tiêu dùng còn hạn chế do mắc ở khâu phân phối sản phẩm. Trên địa bàn huyện chưa có cá nhân, tổ chức nào đứng ra tiêu thụ sản phẩm thịt an toàn một cách có hệ thống. Các chợ chưa có các gian hàng bán sản phẩm thịt lợn VietGAP. Ngoài ra, tỉnh cũng chưa có khu giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn. Lợn nuôi theo quy trình VietGAP hiện nay chỉ bán nhỏ lẻ cho các tiểu thương mua về giết mổ. Thịt lợn VietGAP cũng bị bán trôi nổi ngoài thị trường cùng với thịt lợn không đảm bảo an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là thịt lợn “sạch” vì giá tương đương nhau. Vì những lý do này nên mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGAP chưa phát huy được hết thế mạnh của mình.
Để mô hình phát huy tiềm năng và được nhân rộng, tỉnh cần có chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp trong xây dựng các khu giết mổ tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hệ thống tiêu thụ sản phẩm thịt an toàn... Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chỉ đạo các khuyến nông viên, thú y viên thường xuyên bám sát cơ sở, giám sát, vận động nhân rộng mô hình chăn nuôi góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh.
Related news
Về Nam Thanh, Nam Đàn, có thể dễ dàng mua gà “sạch”, lợn “sạch” từ những trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng VietGAP.
Thành viên tổ hợp tác nuôi heo VietGAP huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre vẫn không từ bỏ nghề nuôi heo sạch tiêu chuẩn.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ chăn nuôi, cung ứng ra thị trường sản phẩm thịt lợn an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi