Nông dân Mỏ Cày, Bến Tre đầu tư nuôi heo VietGAP
Mặc dù bị ép giá, thiếu đầu ra ổn định nhưng anh Hồ Văn Truyền - Giám đốc Công ty chăn nuôi Thiện Thành, thành viên tổ hợp tác nuôi heo VietGAP huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre vẫn không từ bỏ nghề nuôi heo sạch tiêu chuẩn.
- Cơ duyên nào đưa anh đến với mô hình nuôi heo VietGAP?
- Tôi bắt đầu nuôi heo từ năm 2005 với hình thức nhỏ lẻ nhằm tự tạo việc làm. Sau một thời gian, khi tích lũy được một số kinh nghiệm; biết cách hạn chế các dịch bệnh tai xanh, tiêu chảy cấp..., tôi quyết định mở rộng trang trại để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, bản thân là một người tiêu dùng, tôi cũng mong muốn được sử dụng các sản phẩm sạch. Vì thế, tôi quyết định nuôi heo theo VietGAP nhằm đem đến những sản phẩm sạch, chất lượng cho mọi người.
- Cách nuôi nuôi heo VietGAP và nuôi heo thông thường có gì khác nhau?
- Nhìn chung, cách nuôi heo theo VietGAP và nuôi heo thông thường không khác nhau nhiều. Tuy nhiên, nuôi heo theo VietGAP cần phải ghi chép vào sổ theo dõi hàng ngày và đảm bảo tuân thủ các quy định vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh; ví như việc người ra vào chuồng phải khử trùng sạch sẽ để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của heo.
- Giá bán heo VietGAP và heo thường chênh lệch nhau như thế nào?
- Giá bán của heo VietGAP và heo thường ở thời điểm hiện tại không khác nhau nhiều. Đó là trăn trở lớn đối với những người chăn nuôi heo sạch như chúng tôi. Cho đến giờ, heo VietGAP của tổ hợp tác vẫn chưa nhận được cơ chế hỗ trợ cụ thể trong khâu bao tiêu sản phẩm. Đây quả thực là một bài toán khó.
- Sản lượng heo mỗi năm của tổ hợp tác Mỏ Cày được tiêu thụ qua những kênh nào?
- Mỗi năm, sản lượng heo của tổ hợp tác đạt khoảng 20.000 tấn. Trong đó, trang trại của tôi cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn. Thời điểm mới bắt đầu nuôi theo VietGAP, Sở Công Thương có giới thiệu Công ty kỹ nghệ Vissan thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, cơ chế thu mua của công ty khá phức tạp, giá thành lại không cao hơn thị trường, nên chúng tôi không bán.
Ngoài ra, nhiều thương lái cũng đặt vấn đề với tổ hợp tác để thu mua heo số lượng lớn, giá thành cao, tuy nhiên đi kèm với đó là việc đề nghị chúng tôi xuất giấy bán số lượng ảo. Họ dùng cách này để trà trộn heo không rõ nguồn gốc với heo sạch, dùng dùng giấy chứng nhận VietGAP để cung cấp heo cho các doanh nghiệp, siêu thị... Chúng tôi không đồng ý việc này nên cũng không bán.
- Anh có định hướng gì để phát triển mô hình nuôi heo VietGAP?
- Dù đầu ra của heo VietGAP còn gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn mong muốn triển khai rộng hơn nữa mô hình này. Tôi cũng đang ấp ủ dự án thành lập hợp tác xã cung cấp thịt heo sạch có tem mác đầy đủ với sản lượng khoảng 4.000 tấn mỗi năm.
Related news
Tại 2 khu chuồng trại của gia đình ông Dũng VietGap đang nuôi trên 800 con lợn, trong đó có tới gần 100 lợn nái để gây lấy lợn giống và hơn 700 lợn thịt.
Ông Long phấn khởi khoe, từ khi nuôi theo VietGAP, đàn heo của tổ viên chưa mắc dịch, con nào con nấy chắc nịch, thương lái đến hỏi mua không ngớt.
Về Nam Thanh, Nam Đàn, có thể dễ dàng mua gà “sạch”, lợn “sạch” từ những trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng VietGAP.