Hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi ở Hợp tác xã Đức Mai
Hợp tác xã Đức Mai được thành lập từ năm 2008 với ngành nghề đăng ký hoạt động là chăn nuôi và kinh doanh buôn bán thức ăn chăn nuôi gia súc, vật liệu xây dựng, trong đó chăn nuôi lợn là mũi nhọn.
Trải qua quá trình hoạt động, đến nay Hợp tác xã Đức Mai đã xây dựng được uy tín trên thị trường. Cách quốc lộ 3 khoảng 500m, nằm ở thôn Thôm Mò của xã Quân Bình, khu trang trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã Đức Mai được xây dựng thoai thoải trên sườn đồi, rộng hơn 1ha, với 7 khu chuồng chính.
Mỗi khu chuồng nuôi được chia thành 7-12 ô và áp dụng công nghệ chăn nuôi mới, toàn bộ các ô nuôi lợn đều được trang bị các máy chăn cám tự động, hệ thống nước tự động, chất thải được xử lý qua hệ thống hầm biogas nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường xung quanh.
Để tạo uy tín chung về thương hiệu lợn đảm bảo chất lượng và đầu ra ổn định, Hợp tác xã Đức Mai được thành lập trên cơ sở chọn xã viên có tâm huyết với ngành chăn nuôi lâu năm trên địa bàn xã. Các hộ xã viên làm đơn vị hạch toán và tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất. Sản phẩm chính của hợp tác xã là lợn thịt thương phẩm, phân phối mua bán theo quy trình chăn nuôi bài bản.
Hợp tác xã có 25 con lợn nái, đẻ ra bao nhiêu nuôi bằng đấy bởi vậy nên ở đây luôn duy trì nuôi trên dưới 300 con lợn, tháng nào cũng có lợn con mới đẻ và lợn thương phẩm xuất bán. Năm 2014, Hợp tác xã Đức Mai xuất bán trên 60 tấn lợn hơi, thời gian để xuất bán lợn thương phẩm nuôi từ lúc lọt lòng là 5 -5,5tháng, khi xuất đạt trọng lượng 1 tạ/con.
Dựa vào nhu cầu của thị trường, hiện nay Hợp tác xã Đức Mai đang mở rộng quy mô trang trại, chăn nuôi thêm gà thả đồi. Đây cũng là cách làm hiệu quả để tận dụng nguồn thức ăn thừa trong chăn nuôi lợn.
Việc mở rộng quy mô sang chăn nuôi gà không chỉ giúp tăng thu nhập cho xã viên mà còn tạo được việc làm ổn đinh cho nhiều lao động địa phương. Hợp tác xã Đức Mai đang tạo việc làm ổn định cho 3 lao động chính, với mức thu nhập từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng và lao động thời vụ 3-4 người với mức tiền 120-150 nghìn đồng/người/ngày.
Để có được những thành công như trong thời gian qua, ông Trương Văn Phấn- Chủ nhiệm Hợp tác xã Đức Mai chia sẻ: Phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đòi hỏi sự kiên trì bởi giá cả luôn không ổn định. Bên cạnh đó, phải chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn trong việc phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc và tìm thị trường.
Thời gian qua việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn luôn được Hợp tác xã Đức Mai đặt lên hàng đầu, xung quanh trang trại, chuồng phải được rắc vôi bột 1 lần/tháng, phun tiêu độc khử trùng tuần 1 lần, thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đàn lợn, phân để phát hiện kịp thời dịch bệnh...
Mặc dù là mô hình tiên phong và hoạt động hiệu quả nhưng theo đánh giá của Chủ nhiệm Hợp tác xã Đức Mai thì quy mô sản xuất vẫn còn khá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương cũng như nguồn quỹ đất của khu trang trại. Nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu vẫn là do đầu ra cho sản phẩm chưa thật ổn định, giá cả bấp bênh khiến hợp tác xã không dám đầu tư quy mô lớn.
Hiện nay, sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh rất phong phú, nhưng luôn vấp phải những rào cản liên quan đến thị trường tiêu thụ mà quy luật chung là năm được mùa thì mất giá, năm được giá lại mất mùa. Trước tình hình đó, việc thành lập hợp tác xã để liên kết các hộ dân chăn nuôi, sản xuất nhằm điều tiết giá cả thị trường và xây dựng sản phẩm có thương hiệu như Hợp tác xã Đức Mai là cần thiết.
Related news
Đến kỳ thu hoạch vụ lúa đông xuân 2012-2013, nhưng nhiều hộ dân ở các xã, thị trấn thuộc huyện Thạch Thất (Hà Nội) đang như "ngồi trên đống lửa", bởi hàng trăm héc ta ruộng gieo cấy giống lúa BC15 (toàn bộ lượng giống này mua của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình) đang dần hiện hữu mất mùa, năng suất dự kiến giảm 40-70% so với vụ trước do lúa bị lép hạt. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng giống lúa BC15 mà họ đã mua để gieo cấy là giống rởm?
Ngày 18.2, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) xác nhận sau một thời gian dài được khống chế trên địa bàn cả nước, dịch lợn tai xanh đã tái phát tại Quảng Nam.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, do không có cơ sở nhân giống lớn nên giống gà ta hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Các trang trại quy mô từ 500 - 1.000 con/lần nuôi phải nhập giống từ tỉnh Bình Định hoặc các tỉnh miền Tây.
Cách nay hơn 8 năm, cá tra từng được xem là “con cá vàng” của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do mỗi hecta nuôi cá tra có thể đạt lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Do thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong nuôi nai nên nhiều hộ nuôi ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa - Phú Yên) đã để nai bị chết trong lúc cắt nhung hay sinh đẻ. Vì thế, bà con đang rất cần được tham gia các lớp tập huấn nhằm khắc phục tình trạng này. Vấn đề này đã được đề xuất cách đây hơn một năm nhưng vẫn chưa được thực hiện.