Hiệu quả dự án nuôi gà đồi tại xã Bảo Hà (Lào Cai)

Gia đình chị Hoàng Thị Lệ ở bản Liên Hà 6, là hộ được chọn thực hiện dự án chăn nuôi gà thả đồi của huyện Bảo Yên. Tham gia dự án, gia đình chị Lệ được cấp 500 con gà giống với trọng lượng khoảng 50 gam. Nhưng đến nay, đàn gà của gia đình chị Lệ đã đạt trọng lượng trung bình mỗi con từ 1,2 - 1,5 kg.
Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, ngoài việc chăm sóc, cung cấp đủ thức ăn cho gà theo từng chu kỳ sinh trưởng, chị Lệ luôn coi trọng công tác thú y, vệ sinh chuồng nhốt cho đàn vật nuôi. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng, chị đều chủ động tiêm phòng và cho gà uống thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Vào thời điểm thời tiết rét đậm, ngoài việc hạn chế thả gà, chị Lệ che kín chuồng nuôi, vào ban đêm lắp đặt thêm bóng điện sưởi ấm cho gà. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, tổng đàn gà của gia đình chị Lệ vẫn duy trì và có tốc độ sinh trưởng khá cao.
Cùng với gia đình chị Lệ, trên địa bàn xã bảo Hà có 13 hộ được lựa chọn để triển khai dự án, mỗi hộ được cung ứng 500 con gà giống và một phần thức ăn ban đầu cho gà. Đến thời điểm này, đàn gà thuộc dự án đều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ gà sống đạt từ 94% - 97%.
Chị Hoàng Thị Liên, bản Liên Hà 6, xã Bảo Hà - một trong những hộ tham gia dự án chia sẻ: “Qua quá trình chăm sóc tôi nhận thấy gà thả đồi phù hợp với điều kiện chăn nuôi của bà con, hơn nữa kinh phí đầu tư cho việc xây dựng hệ thống chuồng nuôi nhốt không quá tốn kém, thức ăn cho gà có thể tận dụng các sản phẩm từ nông nghiệp như: Cây chuối, thóc, ngô, rau màu dư thừa, nên hiệu quả kinh tế đem lại cao. Bên cạnh đó, nuôi gà thả đồi có thể tận dụng diện tích đất dưới các tán cây rừng, cây ăn quả để chăn thả, phân gà thải ra cũng góp phần cải tạo đất”.
Giống gà trong dự án nuôi gà thả đồi là giống gà ta, chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, thức ăn chủ yếu tận dụng từ nông nghiệp, nên chất lượng, phẩm cấp thịt được đánh giá cao, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng. Khi triển khai dự án, huyện Bảo Yên đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng, chống dịch bệnh cho các hộ tham gia. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra, đánh giá về tốc độ sinh trưởng và phát triển của đàn gà theo từng chu kỳ, trên cơ sở đó sẽ tổ chức đánh giá về sự phù hợp trong điều kiện chăn nuôi, hiệu quả kinh tế và lấy đó làm mô hình để bà con trong huyện có thể làm theo, nâng cao thu nhập.
Hiện, giá mỗi kg gà thả đồi được bà con bán từ 90.000 - 110.000 đồng, cao hơn gần 30% so với giống gà nuôi công nghiệp.
Đánh giá về hiệu quả dự án, đồng chí Dương Đức Huy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bảo Yên đang xây dựng kế hoạch mở rộng dự án chăn nuôi gà thả đồi lên từ 10 - 13 xã trong huyện, tiến tới sẽ xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu gà đồi Bảo Yên. Cùng với đó, huyện sẽ có cơ chế hỗ trợ người dân tham gia dự án, như hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng nuôi nhốt, hỗ trợ thú y và hỗ trợ lãi suất ngân hàng trong chu kỳ chăn nuôi.
Hiện nay, đàn gà thuộc dự án chăn nuôi gà thả đồi của các hộ dân tại xã Bảo Hà phát triển tốt, một số hộ đang tiến hành xuất bán và đầu tư chăn nuôi lứa tiếp theo. Cùng với mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế, dự án đã giúp các hộ nông dân từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, mở ra hướng làm giàu mới cho người dân.
Related news

Ông Anh Quân, nông dân ở xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) hồ hởi: “Tôi có hơn 600 gốc ca cao trồng xen với cao su trên diện tích 2 ha, nên vừa rồi dù giá mủ cao su rớt mạnh, nhưng cũng vớt vát lại được hơn 100 triệu đồng nhờ bán quả ca cao tươi”.

Nhiều giải pháp về thuế, vốn vay, chính sách phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su… đã được đặt ra tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước mới diễn ra tại TP.HCM.

Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 8, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 4,44 triệu tấn, trị giá 2,01 tỷ USD, giảm 9% về khối lượng, và giảm 5,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Nuôi tôm quảng canh cải tiến theo mô hình cánh đồng tôm lớn đang được nhân rộng ở huyện Cái Nước (Cà Mau) mang lại hiệu quả cao.

Với ý chí và quyết tâm vươn lên làm giàu, nông dân Lê Hữu Mông ở khu 4, phường Long Thủy (TX. Phước Long, Bình Phước) đã thành công với mô hình nuôi rắn hổ trâu (hổ vằn). Với 40 con rắn bố mẹ, trên 200 rắn con, hàng trăm quả trứng rắn và trên 60 rắn nước, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.