Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Dự Án Ngân Hàng Bò

Hiệu Quả Dự Án Ngân Hàng Bò
Publish date: Wednesday. June 18th, 2014

Với lợi thế điều kiện chăn nuôi thuận lợi, việc hỗ trợ bò cho người dân miền núi đã mang lại kết quả khả quan. Dự án này đang được tiếp tục nhân rộng, huy động các nguồn lực xã hội để giúp người dân miền núi thoát nghèo.

Vợ chồng anh Bhnước Tư ở thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) là một trong số 20 hộ dân nghèo của xã được hỗ trợ bò giống từ dự án giúp đỡ người dân thoát nghèo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai từ năm 2010.

Qua thời gian chăn nuôi, từ một con bò giống ban đầu gia đình anh chị đã có thêm 4 con bê. Chị Alăng Thị Bíp (vợ anh Tư) cho biết, vừa rồi gia đình bán hai con bò được hơn 15 triệu đồng, thêm tiền vào sửa nhà, mua ti vi. Bao năm mơ ước làm cái nhà cho vững vàng nay mới thành hiện thực.

Ông Bhnước Báo – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Jơ Ngây cho biết, do địa bàn rộng, lượng cỏ tự nhiên dồi dào, nhất là ngay trong vườn mỗi hộ dân có thể đủ cỏ cung cấp quanh năm nên việc nuôi bò khá thuận lợi. Không riêng gì gia đình anh Tư, ở đây nhiều hộ dân được hỗ trợ bò, kinh tế gia đình dần khá lên. Điều đáng mừng, để tránh những rủi ro trong chăn nuôi, chính quyền địa phương đã có sáng kiến kêu gọi người dân cam kết trách nhiệm.

Bản cam kết được dán ngay trước cửa mỗi nhà dân, trong những điều khoản cam kết có nêu cụ thể việc chăn nuôi với mỗi gia đình phải được làm chuồng trại, không thả rông, sáng đưa ra vườn ra núi chăn thả thì chiều tối phải đón về chuồng trại. Vì quyền lợi liên quan trực tiếp đến mỗi người dân nên những hộ được nhận nuôi bò đều chấp hành nghiêm túc.

Trao đổi với chúng tôi về dự án hỗ trợ bò cho người dân ở địa phương, ông Lê Văn Hai - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đông Giang cho biết, dự án “ngân hàng bò” giúp người nghèo miền núi Đông Giang được khởi động với 70 con bò thực hiện ở xã Ba, A Ting, Jơ Ngây đến nay qua kiểm tra cho thấy hiệu quả mang lại rất thiết thực.

Không ít hộ dân chưa được hỗ trợ cũng mong muốn có được bò để chăn dắt, học theo cách làm ăn của những hộ đã có bò. Anh Alăng Lời – thôn Bút Tưa, xã Jơ Ngây nói: “Chừ mình chỉ thích con bò thôi, có bò mới có thể làm ăn khấm khá được”.

Cảm động trước suy nghĩ thật thà của anh Lời, ông Phạm Phú Phương - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Điện Bàn (đơn vị kết nghĩa với huyện Đông Giang) cho biết trong năm 2014 sẽ vận động giúp huyện Đông Giang 20 con bò, gia đình anh Lời sẽ là một trong số 20 gia đình đầu tiên được hỗ trợ bò cho mục đích sinh kế, thoát nghèo.

Trong năm 2014, dự án “ngân hàng bò” giúp đồng bào thoát nghèo do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chủ trương tiếp tục được triển khai. Theo kế hoạch, Quảng Nam sẽ vận động 250 con bò giúp đồng bào nghèo 9 huyện miền núi. Hiện các huyện, thành hội trong tỉnh huy động nguồn lực cho chương trình với tinh thần khá tích cực.

Đáng mừng, thời điểm này huyện Đại Lộc là địa phương đầu tiên của tỉnh đã hoàn thành kế hoạch vận động được 20 con bò giúp huyện kết nghĩa Nam Giang. Ông Thái Văn Quang – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đại Lộc cho biết, trong tháng 5 tới đây 20 con bò giống sẽ trao tận tay người dân.

Được biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã vận động được gần 600 triệu đồng trong chương trình dự án “ngân hàng bò” giúp đồng bào thoát nghèo. Với phương châm lấy hiệu quả làm thước đo, hy vọng dự án sẽ huy động được nhiều hơn nguồn lực xã hội, giúp được nhiều người dân thoát nghèo, tìm được sinh kế bền vững.


Related news

Chuyển Đổi Cây Trồng Vật Nuôi Theo Hướng Hàng Hóa Ở Tỏa Tình Chuyển Đổi Cây Trồng Vật Nuôi Theo Hướng Hàng Hóa Ở Tỏa Tình

Tỏa Tình là 1 trong 2 xã của tỉnh Điện Biên được chọn thí điểm thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch xã. Xã sớm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả. Hiện nay, Tỏa Tình đã hình thành vùng chuyên canh cà phê, sơn tra cho giá trị thu nhập cao.

Friday. June 28th, 2013
Kiểm Tra Ao Nuôi, Ổn Định Môi Trường Nuôi Tôm Nước Lợ Kiểm Tra Ao Nuôi, Ổn Định Môi Trường Nuôi Tôm Nước Lợ

Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam vừa công bố kết quả phân tích các chỉ tiêu môi trường tại các khu vực sông nước lợ, nước ao nuôi và kiểm tra bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đợt 1, tháng 9. Các mẫu xét nghiệm cho thấy hiện tại độ pH trong nước các ao nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh nằm trong ngưỡng thích hợp, không phát hiện khí độc NH3; vi khuẩn vibrio có mặt ở hầu hết các mẫu nước ao nuôi với mật độ thấp; các mẫu kiểm tra không có ký sinh trùng, vi rút gây bệnh.

Monday. September 16th, 2013
Gặp Ngư Dân Đầu Tiên Của Nghề Nuôi Cá Da Trơn Gặp Ngư Dân Đầu Tiên Của Nghề Nuôi Cá Da Trơn

LTS: Hàng chục năm trước, những ngư dân vùng đầu nguồn An Giang đã gầy dựng nên nghề nuôi cá da trơn. Cũng từ đó, tiếng tăm con cá tra, cá ba sa vang xa và trở thành sản phẩm xuất khẩu chiến lược của quốc gia.

Thursday. September 19th, 2013
“Thủ Phủ” Tôm Giống “Thủ Phủ” Tôm Giống

Ngọc Hiển (Cà Mau) từng một thời được biết đến là “thủ phủ” của vùng sản xuất tôm sú giống. Thời điểm cực thịnh, số cơ sở sản xuất tôm giống mọc lên nhanh như nấm sau mưa.

Monday. September 23rd, 2013
Triển Vọng Nghề Nuôi Cá Lồng Ở Lòng Hồ TX. Mường Lay Triển Vọng Nghề Nuôi Cá Lồng Ở Lòng Hồ TX. Mường Lay

Thực hiện Dự án Tái định cư Thủy điện Sơn La, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của TX. Mường Lay bị thu hẹp. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân hậu TĐC luôn được các cấp, các ngành chú trọng. Bằng nguồn vốn DANIDA, Trung tâm Thủy sản tỉnh đã triển khai mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Mường Lay.

Friday. June 28th, 2013