Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiện Tượng Ngô Không Hạt Dưới Góc Nhìn Khoa Học

Hiện Tượng Ngô Không Hạt Dưới Góc Nhìn Khoa Học
Publish date: Friday. July 4th, 2014

Từ góc độ khoa học trên, liên hệ với thực tế SX ngô trong các vụ xuân và HT ở các tỉnh phía Bắc nước ta có thể xác định ra 3 nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ngô không hạt.

Trong canh tác ngô thường xảy ra hiện tượng ruộng ngô khi thu hoạch không có hoặc có rất ít hạt (thường gọi là ngô không hạt) làm năng suất sụt giảm nghiêm trọng, thậm chí chỉ còn 10 - 30% so với ruộng ngô kết hạt tốt, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và tạo dư luận không tốt cho các nhà quản lý, các công ty cung ứng giống.

Ở các tỉnh miền Bắc nước ta, hiện tượng này thường xảy ra trong các vụ xuân và hè thu. Tại sao có hiện tượng ngô không hạt, nguyên nhân nào gây ra hiện tượng trên? Sau đây là một số ý kiến giải thích hiện tượng này trên góc độ khoa học nhằm giúp bà con nâng cao hiểu biết và có các giải pháp khắc phục hữu hiệu.

Theo các tài liệu nghiên cứu về đặc điểm thực vật học, ngô là cây giao phấn nhờ gió, sự thụ phấn thụ tinh các hoa cái trên bắp ngô là kết quả tổng hòa của hai quá trình bao gồm: 1) Quá trình hình thành các hoa đực (bông cờ) và các hoa cái (bắp ngô). 2) Quá trình hạt phấn rơi được vào râu ngô để nảy mầm, nhằm tạo phôi, tạo hạt.

Các giai đoạn này kéo dài khoảng 30 ngày trước khi trổ và 10 - 15 ngày sau trổ, tổng khoảng 40 - 45 ngày. Trong thời gian này, nếu ngô sinh trưởng tốt, gặp điều kiện ngoại cảnh như nhiệt độ thích hợp, đủ nước, ánh sáng mạnh, ngô sẽ có lượng hạt phấn nhiều, chất lượng tốt, khả năng nhận phấn thụ tinh cao, các bắp ngô có nhiều hạt, ruộng đạt năng suất cao.

Nguyên nhân ngô không hạt

Từ góc độ khoa học trên, liên hệ với thực tế SX ngô trong các vụ xuân và HT ở các tỉnh phía Bắc nước ta có thể xác định ra 3 nguyên nhân chính gây nên hiện tượng ngô không hạt:

Bố trí thời vụ trồng ngô chưa hợp lý làm cho ngô gặp điều kiện ngoại cảnh không thuận lợi ở hai giai đoạn: 1) Giai đoạn hình thành bông cờ và bắp ngô nếu gặp nhiệt độ quá cao, quá thấp, khô hạn, thiếu ánh sáng, sâu bệnh hại thì cây sinh trưởng kém, quá trình phân hóa không thuận lợi; thậm chí nếu gặp nhiệt độ thấp hay quá cao thì có thể làm bất dục hạt phấn ngay trên bông cờ;

2) Giai đoạn trổ cờ tung phấn phun râu gặp các điều kiện ngoại cảnh bất thuận như nhiệt độ cao hơn 37 độ C, nắng nóng kéo dài, khô hanh, độ ẩm không khí thấp hơn 50% sẽ gây hiện tượng chết hạt phấn, khiến cho cây ngô không thể thụ phấn tạo hạt. Nếu gặp mưa lớn hay kéo dài khi ruộng ngô trổ thì cũng làm chết hoặc bay hạt phấn, đổ cây, giảm khả năng nhận phấn, gây hiện tượng không hạt.

Thiếu các giống ngô chịu nóng: Hiện nay đã có nhiều giống ngô lai mới có khả năng chịu hạn, ngắn ngày, cho năng suất cao được các công ty giống cây trồng, các viện nghiên cứu chọn tạo và đưa ra trồng trên diện rộng.

Tuy nhiên, khi nhiệt độ quá cao trên 37 độ C phần lớn hạt phấn ngô vẫn bị chết, không thụ phấn, thụ tinh được gây hiện tượng ngô không hạt, nhưng do không đủ thông tin nên nhiều cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và người nông dân cho rằng các giống ngô chịu hạn vẫn có thể sinh trưởng, cho năng suất cao trong điều kiện nắng nóng như vậy.

Sử dụng các biện pháp kỹ thuật không hợp lý. Trong quá trình trồng ngô nhiều hộ nông dân không bón đủ phân, chăm sóc không tốt khiến ngô sinh trưởng yếu, không đồng đều, kéo dài thời gian tung phấn phun râu làm mật độ phấn trên ruộng thấp, gây hiện tượng thiếu phấn, làm cho nhiều bắp ngô bị thiếu hạt.

Dự báo cho các vụ mùa tiếp theo

Vụ xuân 2014 là vụ có điều kiện thời tiết không thuận lợi cho SX ngô ở miền Bắc. Trong giai đoạn từ gieo hạt đến cây con (10/2 - 25/2) thời tiết rét hại kéo dài, thiếu nắng làm cây con sinh trưởng kém. Giai đoạn tiếp theo (25/2 - 30/3) có mưa nhiều, số giờ nắng thấp hơn hàng năm làm cho ngô phát triển yếu.

Đặc biệt vào cuối tháng 4 đến trung tuần tháng 5 (30/4 - 10/5), các vùng trồng ngô vụ xuân chính của miền Bắc gặp những đợt nắng nóng kéo dài liên tục, đỉnh điểm lên đến 41 độ C tại Hòa Bình và 39.7 độ C tại Hà Nội.

Nhận định về tình hình nắng nóng năm nay, Phó GĐ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Lê Thanh Hải cho biết, nắng nóng gay gắt sẽ tập trung vào tháng 5 đến tháng 7, nhiệt độ có thể vượt giá trị lịch sử.

Nắng nóng gay gắt nhất ở Bắc bộ và Trung bộ sẽ xảy ra vào tháng 6, tháng 7, riêng với Trung bộ có thể đến tháng 8. Nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36 - 39 độ C, một số nơi ở vùng núi các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La... có thể cao hơn 40 độ C.

Do đặc điểm điều kiện thời tiết không thuận lợi cho ngô sinh trưởng giai đoạn cây con và hình thành cơ quan sinh sản, đặc biệt nắng nóng kéo dài vào đúng thời kỳ trổ cờ, tung phấn, phun râu của nhiều trà ngô, dự đoán rất nhiều địa điểm trồng ngô vụ xuân năm nay ở phía Bắc xảy ra hiện tượng ngô thụ phấn kém, dẫn đến không hạt, gây thiệt hại lớn cho các hộ trồng ngô, làm giảm năng suất và hiệu quả kinh tế.

Trong các năm tới, do xu hướng thâm canh tăng vụ kết hợp với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, khô hạn, nắng nóng có xu hướng tăng với tần suất và thời gian kéo dài, hiện tượng ngô thiếu hạt sẽ tiếp tục xảy ra nếu không có các giải pháp kỹ thuật để khắc phục như sau:

- Bố trí thời vụ hợp lý cho từng vùng SX: Các vùng trồng ngô thường gặp nắng nóng lúc ngô trổ cờ, tung phấn, phun râu cần tính lại lịch gieo ngô, tranh thủ gieo sớm kết hợp với dùng giống ngắn ngày để ngô trổ sớm, tránh các đợt nắng nóng trong tháng 5.

- Sử dụng bộ giống ngô chịu hạn, chịu nóng. Các nhà kỹ thuật, các công ty giống cần lựa chọn bộ giống thích hợp cho từng vùng, khả năng thích ứng rộng, giúp giảm khả năng thiệt hại do nhiệt độ cao, độ ẩm không khí thấp.

Xu hướng mới nên chọn giống ngô ngắn ngày, có thời gian trổ cờ, tung phấn trùng nhau hoặc chênh lệch khoảng 1 - 2 ngày nhằm dễ bố trí thời vụ trồng, lúc ngô phun râu trùng với thời kỳ bông cờ tung phấn, tạo ra lượng phấn nhiều, làm cho bắp ngô dễ nhận phấn, thụ tinh.

- Sử dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp canh tác cho vùng khô hạn như tranh thủ gieo hạt ngay khi có mưa, đất đủ ẩm. Chăm sóc ngô tốt ngay từ các giai đoạn cây con, phân hóa bông cờ và bắp để nâng cao chất lượng của hoa đực và bắp, tạo điều kiện cho ngô nhận phấn, thụ tinh tốt.

Cần bón phân cân đối, đủ liều lượng NPK nhằm tăng sức sống, tạo sức bật cho cây, đảm bảo cây có đủ chất dinh dưỡng để hình thành bông cờ và bắp ngô. Cung cấp đủ nước vào giai đoạn trước và sau trổ bằng cách bố trí thời vụ kết hợp tưới nước khi có điều kiện.

Thực tế SX ngô cho thấy không thể loại bỏ triệt để hiện tượng ngô không hạt mà chỉ có thể giảm thiểu các thiệt hại. Các nhà quản lý, các cán bộ kỹ thuật cần căn cứ vào điều kiện thời tiết khí hậu của từng vùng để đưa ra những giải pháp khắc phục, trong đó bố trí mùa vụ trồng và chọn bộ giống thích hợp cho vùng trồng là hai giải pháp quan trọng, dễ thực hiện nhất.


Related news

Thị Xã Gia Nghĩa Hội Thảo Về Nuôi Cá Chép V1 Thị Xã Gia Nghĩa Hội Thảo Về Nuôi Cá Chép V1

Sau 5 tháng triển khai nuôi, tỉ lệ cá sống đạt 90%, trọng lượng đạt 0,5 kg/con, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/sào. Trong quá trình nuôi, các hộ dân đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Cán bộ của Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư thị xã Gia Nghĩa đã phổ biến kỹ thuật và phát tài liệu về kỹ thuật nuôi một số loại cá cho các hộ dân và khuyến nông viên.

Wednesday. November 19th, 2014
Mường Mùn Giữ Rừng Để Hưởng Lợi Từ Rừng Mường Mùn Giữ Rừng Để Hưởng Lợi Từ Rừng

Xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo có 2.300ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hầu hết diện tích rừng nằm trong khu vực phòng hộ sông Đà nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sống con người... Những năm qua xã Mường Mùn luôn xác định bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.

Wednesday. November 19th, 2014
Điện Biên Đông Chuyển Giao Khoa Học Kỹ Thuật Cho Nông Dân Điện Biên Đông Chuyển Giao Khoa Học Kỹ Thuật Cho Nông Dân

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, những năm qua, huyện Điện Biên Đông luôn nỗ lực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân. Thông qua các hình thức chuyển giao đào tạo, bồi dưỡng; trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn... Đó là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Wednesday. November 19th, 2014
Cơ Hội Từ Xuất Khẩu Trái Cây Cơ Hội Từ Xuất Khẩu Trái Cây

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau quả trong năm 2014 có khả năng đạt mức hơn 1,4 tỷ USD, con số cao nhất từ trước cho đến nay. Dự báo sẽ có làn sóng nhập khẩu lớn từ thị trường Việt Nam trong những năm tới sẽ là cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản.

Wednesday. November 19th, 2014
Liên Kết Tiêu Thụ Còn Nhiều Việc Phải Làm Liên Kết Tiêu Thụ Còn Nhiều Việc Phải Làm

Thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện đang là khó khăn lớn đối với sự phát triển của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, nhất là HTX nông nghiệp. Trong khi đó, hàng hóa cung ứng chưa đạt chất lượng đồng đều, sự thiếu năng động của các HTX cũng là khó khăn rất lớn cho việc liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay.

Wednesday. November 19th, 2014