Hãy Sát Cánh Cùng Nông Dân
Cứ mỗi độ xuân về, chúng tôi thường cùng nhau điểm lại những việc đã làm được trong năm qua và đề ra những nhiệm vụ để hợp tác với bà con trong những năm tới.
Năm 2015 lại là một năm có quá nhiều sự kiện của đất nước.
Chúng ta sẽ chào đón Lễ Quốc khánh mừng đất nước tròn 70 tuổi và Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đó lại là năm Đảng ta sẽ tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ 12. Đây là một sự kiện quan trọng vì nó sẽ quyết định hướng đi lên của đất nước trong những năm tới.
Chính vì vậy mà ngành nông nghiệp cũng phải có những chuyển biến đột phá để đưa bộ mặt của nông thôn chúng ta sang một trang mới. Trách nhiệm này đâu chỉ dồn lên đầu các vị lãnh đạo mà nó đòi hỏi sự quyết tâm của toàn thể bà con nông dân chúng ta.
“Làm gì trong năm 2015” là vấn đề mà chúng ta phải bàn để nông dân cả nước cùng quyết tâm tham gia.
Vào dịp cuối năm vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc chất vấn với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát về tình hình sản xuất nông nghiệp của nước nhà. Bộ trưởng đã khẳng định: Chúng ta phải chuyển mạnh sang hướng sản xuất ra hàng hóa có chất lượng cao để đủ sức hội nhập với thế giới; phải dựa vào yêu cầu của thị trường và lấy mục tiêu chính là tăng thu nhập cho nông dân…
Đây có lẽ là một bước ngoặt, chấm dứt cái thời buộc nông dân chỉ được sản xuất ra lúa gạo. Nó sẽ mở đường để nhiều ngành nghề, nhiều đối tượng khác được phát triển, đa dạng hóa sản phẩm ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho bà con.
Tiềm năng sinh học của đất nước là vô cùng to lớn. Ta tự hào về sự phong phú và đa dạng của sinh giới ở Việt Nam. Chúng tôi cùng với nhiều đơn vị đã tìm ra rất nhiều đối tượng đầy triển vọng. Chúng rất cần được đưa nhanh vào sản xuất.
Tuy nhiên đã có thời, các phát hiện này còn bị cản trở bởi những quy định vô lý hoặc sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của một vài quan chức cấp trên. Nhưng tới nay, chúng ta đã sang một trang mới. Nhà nước đã cho phép chuyển đổi các đối tượng sản xuất, các hình thức sản xuất để bà con ta có thể tăng được thu nhập.
Bộ trưởng đã khẳng định việc này trước Quốc hội. Nó mở đường cho các suy nghĩ đột phá – các hướng làm ăn mới để nông dân có cơ hội vươn lên.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chúng tôi đã phát động phong trào nuôi thủy đặc sản trong cả nước khi đưa ra quy trình nuôi ếch, nuôi lươn, nuôi ba ba, nuôi cua biển, ... Khắp nơi, từ miền xuôi lên miền ngược, từ Bắc vào Nam bà con thực hiện rầm rộ. Hàng vạn nông dân đã giàu lên nhờ nuôi thủy đặc sản.
Thế mà tới tận năm 2013, còn có những quyết định trái khoáy mới được bãi bỏ (như việc bắt giữ hàng nghìn con ba ba của một cơ sở sản xuất khi đưa đi tiêu thụ đã được giải tỏa). Sự giác ngộ muộn mằn ấy cũng còn hơn là không được thay đổi.
Bây giờ đã rộng đường, chúng ta hãy mạnh dạn giúp cho bà con những hướng đi nhiều triển vọng. Trong năm 2014, chúng tôi đã tập trung giới thiệu hàng loạt đối tượng mới để nông dân xem xét.
Riêng trong chăn nuôi gia cầm, anh em đã tận dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn cho bà con kỹ càng cách nuôi vịt trời, vịt biển, ngan lai vịt để lấy gan, gà Đông Tảo, gà 9 cựa, gà tre, gà tây, nuôi công, nuôi yến, nuôi chim trĩ và cả việc nuôi đà điểu…
Riêng với con vịt trời, nó đã đem tới sự ngỡ ngàng cho nhiều người. Hàng trăm đoàn đã lên tận huyện Lục Nam (Bắc Giang) để tham quan cơ sở nuôi của anh Tô Quang Dần. Chủ và khách rất dễ thân thiện với nhau vì họ đều là nông dân.
Vịt trời nhờ đó mà được phát triển mạnh ở các tỉnh. Nuôi nó đâu khó, hiệu quả lại rất cao. Chúng ta nên mở rộng việc này vì thị trường luôn cần và chấp nhận với giá cao. Nuôi vịt trời rất dễ giúp bà con vươn lên giàu có. Nuôi nó chả khác mấy so với nuôi vịt bầu nhưng giá có khi lại cao gấp 4-5 lần.
Hàng loạt các giống đặc sản mà chúng tôi đã nêu ra trước đây chắc sẽ có điều kiện để phát triển mạnh trở lại. Nó dễ dàng giúp cho bà con ta tăng được thu nhập.
Ở Cty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, anh em lại đưa ra một kết quả mới đầy hấp dẫn. Đó là việc tạo ra giống lai giữa bò BBB (của Bỉ) với các giống bò của ta. Con lai nuôi 20 tháng mà đã xấp xỉ 600 kg. Nếu nuôi đủ 2 năm, chắc phải đạt được 7 - 8 tạ.
Điều này thật kỳ diệu đối với người nuôi bò thịt. Tuy nhiên, con mẹ nhận tinh phải có khối lượng từ 280 kg trở lên. Nếu nhỏ quá thì làm sao đẻ được con sơ sinh khi lọt lòng đã 35 – 40 kg rồi. Vì vậy, phải có khâu chuẩn bị đàn bò mẹ.
Rõ ràng, trên đất nước mình, ngoài lúa, ngô, khoai, sắn ra, ta còn có biết bao loại cây trồng và vật nuôi đủ sức giúp cho bà con vươn lên. Việc tìm ra và tổ chức cho bà con thực hiện tốt các đối tượng này là cả một sự nghiệp mà ngành nông nghiệp cần dồn sức giúp nông dân.
Cả nước trông chờ vào chúng ta. Hãy sát cánh với bà con!
Ở Hà Nội, người ta đã nhận được hàng ngàn con bò BBB cho khắp các huyện ngoại thành. Họ cũng đang giúp cho nhiều tỉnh thực hiện việc này. Hy vọng, đây sẽ là biện pháp cải tạo đàn bò thịt hiệu quả nhất. Chúng ta nên xúc tiến việc này.
Về cây trồng, chúng tôi đã nêu ra cho bà con rất nhiều giống tốt và cách thức canh tác. Đó là các loại cây ăn quả như táo, ổi, na, cam, quýt, chanh không hạt, mắc ca, bơ, trám, sấu, dưa hấu không hạt, sầu riêng, gấc…
Các loại cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây hoa, cây cảnh và cả các loại cây làm thuốc như tô mộc, ba kích, kim tiền thảo, sồi, thạch đen, sắn dây, .... Ở mỗi vùng, đều có thể chọn ra được những đối tượng phù hợp để đưa vào canh tác.
Người ít vốn nên chọn những cây mau cho thu hoạch như táo, ổi. Hiện ta đã có những giống táo, ổi rất tốt. Chúng vừa cho năng suất cao, lại cho chất lượng tốt. Trồng chúng vào đầu năm là cuối năm đã được thu hoạch.
Ở Tây Nguyên, chúng tôi ra sức vận động bà con trồng mắc ca, bơ. Đó là các loại cây rất thích hợp với vùng này. Chúng có thể trồng xen trong vườn cà phê. Nó vừa che tán cho cà phê, vừa cho ta thu hoạch quả. Quả của chúng lại có giá trị cao, bán rất được giá.
Hiện có nhiều doanh nghiệp “khổng lồ” ở các thành phố đã để mắt tới mắc ca. Họ đang lùng sục khắp Tây Nguyên để tìm mua đất. Chắc chắn mắc ca sẽ thành 1 trong những cây trồng vươn lên ngang hàng với các cây trồng đứng đầu ở Tây Nguyên. Bà con nên quan tâm tới các loại cây này.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, cam, chanh, quýt, bưởi vẫn là các đối tượng “nặng ký”. Ngoài ra, xoài, chuối, na, mít, nhãn, măng cụt, vú sữa vẫn là những cây trồng triển vọng.
Ở Đông Nam bộ và miền Trung, thanh long, nho, sầu riêng, chôm chôm…vẫn là thế mạnh của vùng. Nên đánh giá đúng giá trị của các loại cây ăn quả này, chúng ta sẽ đầu tư tốt để biến chúng thành thế mạnh cho từng địa phương.
Ở vùng biển, Nhà nước đang xúc tiến việc cho vay để bà con ta đóng tàu lớn đủ sức đi đánh bắt xa bờ. Các kỹ thuật tiên tiến trong việc bảo quản và chế biến hải sản có thể giúp ngư dân tăng thu nhập lên nhiều lần. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có kỹ thuật cao và quyết tâm lớn. Đây cũng là cơ hội để chúng ta hội nhập với thế giới.
Related news
Giai đoạn 2 của dự án vũng neo đậu tàu thuyền huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi được coi là dự án rất quan trọng của huyện đảo Lý Sơn, nhất là trong việc giải quyết nơi neo đậu tàu thuyền cho ngư dân trong mùa mưa bão. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dùng ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% vốn đầu tư Dự án Vũng neo đậu tàu thuyền đảo Lý Sơn giai đoạn 2.
Sau một thời gian dài giảm và giữ giá ở mức thấp, hiện giá gà trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tăng trở lại từ 5.000 - 10.000 đ/kg khiến người chăn nuôi rất phấn khởi.
Gạo, cao su, than đá, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… - những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, có thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc trong 6 tháng qua.
Tây Nguyên đang bước vào mùa khô, là thời điểm thích hợp để nông dân chăm sóc, bón phân cho càphê, cao su, hồ tiêu… sau mùa thu hoạch. Năm nay, nguồn cung phân bón khá dồi dào, giá cả không có biến động nhiều, chủng loại khá đa dạng, phong phú.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa các Hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới, trước hết là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn nước rút, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU)… dự kiến kết thúc đàm phán cuối năm nay.