Hapro huy động 6.000 nhân viên bán vải
Hapro mua 5.000 tấn vải Thanh Hà
Tham vọng bao mua với số lượng lớn vải thiều Thanh Hà để mở chiến dịch tiêu thụ quy mô tại thị trường nội địa của Hapro đang thổi luồng gió mới trước thềm vụ vải 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này xem ra không dễ thực hiện.
Như NNVN đã đưa tin, Tổng Cty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã lên kế hoạch thu mua khoảng 5.000 tấn vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) để tiêu thụ tại thị trường nội địa trong vụ vải tới.
Nếu kế hoạch này của Hapro được triển khai thì đây là DN hiếm hoi có quyết định táo bạo trong việc bao tiêu sản phẩm số lượng lớn cho người trồng vải ở phía Bắc, đặc biệt không phải để XK mà đưa quả vải thâm nhập một cách bài bản ở thị trường trong nước.
Sẽ huy động 6.000 nhân viên bán vải
Gấp rút triển khai kế hoạch này khi vụ vải chính vụ chỉ còn khoảng nửa tháng, hôm qua (19/5), Hapro cùng UBND huyện Thanh Hà và các cơ quan tỉnh Hải Dương đã tổ chức cuộc họp bàn các phương án tiêu thụ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Hapro tái khẳng định, kế hoạch tiêu thụ vải của Hapro là đặt mục tiêu kinh doanh có tính lợi nhuận hẳn hoi, chứ không phải phát động phong trào cho vui.
“Đây là lần đầu tiên Cty tham gia tiêu thụ vải thiều, một lĩnh vực còn khá mới mẻ với Hapro nên sẽ khá mạo hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi không huy động cả Tổng Cty đi bán vải chỉ để thu một ít tiền lãi trước mắt, mà về lâu dài, Hapro lấy đây là bước đi để xây dựng chiến lược bài bản có tính dài hơi trong tiêu thụ nhiều loại nông sản khác sau này, chứ không chỉ riêng vải thiều” – ông Thắng khẳng định.
Cũng theo vị này, Hapro không tham gia mua vải thiều theo kiểu “thương lái đánh tỉa”, mà sẽ có kế hoạch bài bản từ tổ chức thu mua, in ấn bao bì, bảo quản, quảng bá thương hiệu, truyền thông, marketing…, với mục tiêu tạo ra kênh tiêu thụ vải thiều đến tay người tiêu dùng với giá rẻ nhưng tạo được sự khác biệt so với kiểu “xe thồ, bán mớ” như lâu nay.
Theo kế hoạch, Hapro sẽ huy động toàn bộ khoảng 5.000 – 6.000 cán bộ nhân viên của gần 30 đơn vị thành viên tập trung vào chiến dịch tiêu thụ vải trong đợt cao điểm khoảng 20 ngày, với ít nhất khoảng 100 điểm bán hàng trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội.
Vấn đề vận chuyển, bảo quản vải trong quá trình tiêu thụ cũng là lo lắng lớn, bởi hiện nay chỉ có cách đóng vải vào thùng xốp có đá lạnh. Nếu không mở thùng, vải có thể tươi được cả tuần, tuy nhiên khi bán lẻ, nếu phải mở thùng thì vải lập tức chuyển màu đen thâm, rất nhanh hỏng. Trước bài toán này, Hapro cho biết chủ trương là sẽ tiêu thụ vải ngay trong ngày. Theo đó, Cty sẽ làm việc với các địa phương để đảm bảo việc vận chuyển vải từ Hải Dương lên Hà Nội nhanh nhất, đảm bảo vải phải có mặt tại các điểm bán lẻ trước 5h sáng hàng ngày. Để không phải mở thùng xốp nhằm giữ thời gian bảo quản, bên cạnh các túi lưới bán lẻ cho khách hàng mua số lượng ít, Cty sẽ đặt các loại thùng xốp có kích cỡ khác nhau, như 5kg/thùng, 10kg/thùng hoặc 15 kg/thùng… để bán nguyên thùng cho khách hàng. |
Dĩ nhiên, việc triển khai tiêu thụ theo cách này sẽ khiến chi phí đội lên, vì vậy, bên cạnh yêu cầu về đảm bảo chất lượng, sản lượng vải cung ứng cho Hapro phải đủ lớn.
“Chúng tôi chỉ có thể vào cuộc nếu địa phương cam kết đảm bảo số lượng vải chí ít cũng phải trên 1.000 tấn, với điều kiện vải phải có nguồn gốc từ vùng SX đã được cấp chứng nhận VietGAP. Vì vậy, chính quyền địa phương phải hỗ trợ để đảm bảo kiểm soát được quá trình thu mua, đảm bảo chất lượng và số lượng cần thiết” – ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Hapro đề nghị.
Khó khả thi
Kế hoạch của Hapro thu mua vải cho nông dân được đại bộ phận ý kiến của lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhiệt liệt hoan nghênh, tuy nhiên, vấn đề làm sao để tổ chức thu mua được số lượng vải khổng lồ của hàng nghìn hộ dân trồng vải đang là vấn đề nan giải không dễ thực hiện.
Ông Nguyễn Kim Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà ái ngại nêu thực trạng: Vùng vải Thanh Hà hiện nay ngoài Cty Thực phẩm Đồng Giao hàng năm mua số lượng nhỏ để chế biến nước vải XK, đa số vải được bán cho tư thương tứ xứ, đông nhất vẫn là chuyển vào TP.HCM và đặc biệt là lực lượng thương lái Trung Quốc năm nào cũng sang tận nơi “nằm vùng” thu mua.
Theo cam kết của Hapro, đơn vị này sẵn sàng mua vải với giá cao hơn thị trường, tuy nhiên mức giá phải tương đối ổn định trong cả vụ.
Trong khi đó, thực tế nhiều năm qua cho thấy giá vải liên tục biến động theo từng ngày. Trong khi đó, do nông dân vẫn chưa có ràng buộc gì theo hợp đồng nên họ có quyền bán cho ai mua với giá cao nhất. Chưa hết, với lực lượng tư thương đông đảo, kể cả khi Hapro có mua với giá cao hơn tư thương đi nữa thì cũng khó mà mua được vải.
Bởi chuyện tư thương tranh mua tranh bán, sẵn sàng mua với giá trên trời để đối thủ hết đường mua, rồi sau đó lại đánh tụt giá xuống đất là điều xảy ra liên tục. Chính quyền cũng không thể can thiệp bắt dân không được bán cho ai trả giá cao.
“Nên chăng Hapro cần nghiên cứu kỹ để có phương án ký hợp đồng nguyên tắc về giá cả thế nào đó, sau đó ký thẳng hợp đồng cam kết với các hộ dân, ai đồng ý và cam kết phải bán vải cho Hapro thì mới có thể ổn định được số lượng. Cty cũng cần ký hợp đồng nguyên tắc đó với chính quyền địa phương, có hợp đồng ấy thì chính quyền mới có thể tham gia giám sát thu mua cho DN được” – ông Hoàn kiến nghị.
Cũng theo ông Hoàn, giá vải thiều Thanh Hà đầu vụ hiện đang từ 35-45 nghìn đồng/kg, tuy nhiên thời điểm chính vụ năm nay, kỳ vọng giá vải giữ được ở mức 15 nghìn đồng/kg như mọi năm thì tốt, mà không cũng mong đừng dưới 10 nghìn đồng/kg. Mong là mong vậy, nhưng vựa vải Thanh Hà trăm người bán vạn người mua, diễn biến giá thế nào chẳng ai có thể biết trước.
Related news
Ngày 30/6/2015, Trung tâm chất lượng nông, lâm, thủy sản vùng 1 đã có kết quả phân tích chất lượng an toàn thực phẩm đối với các mẫu dưa được lấy tại một số hộ dân thôn Nà Hai, xã Quảng Khê (Ba Bể - Bắc Kạn) do Sở NN và PTNT thôn gửi đi đề nghị xét nghiệm.
Một số nhà vườn ở huyện Định Quán (Đồng Nai) đã đưa vào trồng thử giống mãng cầu ta không hạt và hiện đã cho trái. Mãng cầu ta không hạt hiện được thị trường khá ưa chuộng vì mùi vị ngọt thanh, thịt trắng dai, không có hạt.
Dù công chăm sóc khó nhọc hơn những loại cây khác nhưng trồng nhiều loại cây ăn trái trên cùng đơn vị diện tích đã mang lại hiệu quả cao cho không ít gia đình. Ở xã Bình Sơn (Bù Gia Mập - Bình Phước) vườn cây ăn trái của gia đình anh Nguyễn Hồng Phương ở thôn Phú Châu cho lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích canh tác, Trạm Khuyến nông huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) phối hợp với xã Xuân Trường đưa vào trồng thử nghiệm 2 ha cây chùm ngây xen cam tại cánh đồng Nải Tài.
Mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống cây mới vào sản xuất, anh Phạm Văn Tiến, xã Khánh Trung (Yên Khánh - Ninh Bình) đã ứng dụng thành công kỹ thuật trồng giống dưa Kim Hoàng hậu (còn gọi là dưa vàng) có xuất xứ từ Thái Lan, cho năng suất, chất lượng không thua kém dưa nhập khẩu, nhưng giá thành lại rẻ hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với loại cây trồng khác.