Hạnh Phúc Đi Lên Từ Cây Mía
Đến xã Hạnh Phúc (Quảng Uyên) vào những ngày này, đi trên những con đường nội vùng bạt ngàn màu xanh của mía, trên những cánh đồng, nông dân khẩn trương thu hoạch mía vận chuyển đến Công ty cổ phần mía đường Cao Bằng.
Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã đã vận động nhân dân phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu từ cây mía.
Bà con xã Hạnh Phúc Vận chuyển mía đến Công ty Cổ phần mía đường Cao Bằng
Trao đổi với chúng tôi về phát triển diện tích trồng mía nguyên liệu, đồng chí Đàm Chiến Hữu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Toàn xã có 734 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng mía 264 ha. Trước đây, người dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng cây ngô, lúa; diện tích trồng mía manh mún, nhỏ lẻ, chưa theo hướng sản xuất hàng hóa.
Năm 1997, khi Nhà máy Đường Phục Hòa được xây dựng và đi vào hoạt động thì việc đưa cây mía thành cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm hàng đầu.
Để mở rộng diện tích trồng mía theo hướng sản xuất hàng hóa, xã đã ra nghị quyết chuyên đề phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đưa chỉ tiêu trồng mía mới vào kế hoạch hằng năm và phân công cán bộ, đảng viên phụ trách các xóm để tuyên truyền vận động bà con trồng mía thay thế cho cây trồng khác. Xã thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách các xóm và đến từng hộ gia đình để tuyên truyền.
Cán bộ, đảng viên gương mẫu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa một số giống mía có năng suất, sản lượng cao, như: Lox22, Lox119 vào trồng đạt hiệu quả, để bà con thấy giá trị kinh tế cao của cây mía. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên diện tích trồng mía toàn xã từ 40 ha năm 1997 đến nay đã tăng lên 264 ha; riêng vụ ép năm 2010 - 2011, toàn xã thu hoạch trên 14 nghìn tấn mía, trị giá gần 14 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng bao tiêu toàn bộ sản lượng mía, ngoài ra, Công ty còn tư vấn kỹ thuật trồng, thâm canh mía, cung ứng trước giống, phân bón... Anh Lương Văn Bình, xóm Lũng Luông phấn khởi cho biết: Từ khi trồng mía, gia đình tôi không những đủ ăn mà còn phấn đấu làm giàu; năm nay gia đình thu hoạch được khoảng 30 tấn mía, với giá bán bình quân 1.000 đồng/kg, thu được 30 triệu đồng.
Hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Hạnh Phúc trồng mía cho thu nhập cao, tiêu biểu như: Gia đình anh Lục Văn Quân, xóm Lũng Tao, hằng năm thu hoạch khoảng 100 tấn, thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ trồng mía, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 40%; 100% hộ sắm được xe máy, các thiết bị nghe nhìn..., nhiều hộ mua được máy cày, máy phun thuốc thay thế sức lao động của con người. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả ở xã Hạnh Phúc đã tạo một hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên canh.
Related news
Xã Nhơn Lý có trên 55% số hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Toàn xã có trên 332 tàu thuyền, trong đó có 14 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, số còn lại chuyên đánh bắt ở ngư trường trong tỉnh.
Theo ngư dân xã An Ninh Đông, mùa vụ khai thác tôm hùm giống từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Đây là vụ khai thác tôm hùm giống trúng đậm nhất từ 3 năm trở lại đây ở địa phương này.
Ở khía cạnh xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ ở các nước đang có phần khởi sắc hơn. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cũng mới có dấu hiệu tăng nhẹ. Điều này một phần còn chịu ảnh hưởng khá lớn từ tình trạng cạnh tranh quyết liệt về giá bán giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước.
Thời gian qua, tuy Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, song tình trạng ngư dân dùng ngư cụ bị cấm như: Xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, hóa chất độc hại... để khai thác thủy sản vẫn tiếp tục xảy ra.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, chiều ngày 6-3, tỉnh đã họp và quyết định sẽ công bố dịch cúm gia cầm tại xã Mã Đà và Thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu).