Hàng trăm hecta lúa không kết hạt phải cắt cho bò ăn

Bà con nông dân địa phương buồn rầu, đành phải cắt lúa về cho trâu bò ăn.
Nông dân mất trắng
Trên cánh đồng lúa rộng bát ngát của bà con nông dân làng Bèo, xã Vĩnh Long, nhiều hộ nông dân đang cắt thân cây lúa còn xanh rì về cho trâu bò ăn.
Chị Hoàng Thị Vui (37 tuổi, trú tại làng Bèo) dừng tay liềm bên ruộng lúa còn xanh mướt, bông trổ cờ mà không kết hạt, buồn rầu cho biết: “Nhẽ ra vào thời điểm này diện tích lúa mùa của bà con nông dân địa phương đã ngả màu vàng, hạt lúa nặng trĩu bông, bắt đầu cho thu hoạch.
Nhưng vụ mùa năm nay do Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Long điều tiết, bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ khi gieo cấy đến lúc lúa làm đòng, trổ bông không hợp lý; nhất là vào thời điểm lúa thụ phấn, kết hạt không đủ nước nên dẫn đến diện tích lúa của làng Bèo bị mất trắng khá nhiều”.
Chị Vui cho biết thêm vụ mùa này gia đình chị gieo cấy 10 sào lúa, trong đó mỗi sào rộng 500m2 nhưng đến nay đã bị mất trắng 5 sào.
Trong khi đó, mỗi sào lúa bà con nông dân phải chi phí đầu vào gồm tiền giống, phân bón, cày bừa, nước tưới… hết từ 700.000 - 900.000 đồng.
Nếu năng suất lúa đạt 2,5-3 tạ/sào, trừ hết mọi chi phí, bà con nông dân chỉ còn được một nửa sản lượng lúa thu hoạch được.
Còn vụ mùa năm nay, hàng chục hộ dân ở làng Bèo bị mất trắng 3-5 sào, cá biệt nhiều hộ mất tới 8-10 sào lúa nên trong thời gian tới có nguy cơ thiếu đói.
Bởi vì theo thời vụ đến đầu năm 2016 mới gieo cấy vụ lúa chiêm xuân, đến tháng 5 mới cho thu hoạch. Do vậy, bà con nông dân địa phương rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ đối với diện tích lúa bị thiệt hại để người dân yên tâm sản xuất vụ tới.
Thiếu nước hay do giống, phân bón?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Đình Viên - chủ tịch UBND xã Vĩnh Long - cho biết ban đầu chính quyền xã cũng xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng hơn 100ha lúa của xã có trổ bông mà không kết thành hạt được, dẫn đến đen lép là do thiếu nước tưới trầm trọng trong quá trình cây lúa sinh trưởng, làm đòng trổ bông.
Để hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại vụ lúa mùa này, hiện nay UBND xã đã mua gần 2 tấn ngô giống về cấp miễn phí cho các hộ dân trồng ngô vụ đông.
Chính quyền xã đang phối hợp với cán bộ Phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên để có hướng xử lý.
Ngày 14-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tào Quang Thiệu - trưởng Phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc - cũng có nhận định ban đầu nguyên nhân dẫn đến số diện tích lúa mùa ở xã Vĩnh Long có trổ bông mà không kết hạt, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân là do thiếu nước tưới nghiêm trọng.
Hiện nay phòng chuyên môn đang giao cho UBND xã Vĩnh Long thống kê chi tiết số diện tích lúa thiệt hại của từng hộ dân, để UBND huyện báo cáo với UBND tỉnh xin kinh phí hỗ trợ nông dân địa phương.
Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện yêu cầu UBND xã phải làm rõ nguyên nhân từ khâu giống lúa, phân bón, nước tưới, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để xác định rõ nguyên nhân chính gây thiệt hại diện tích lúa của bà con nông dân. Từ đó có căn cứ để xử lý cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc này.
Bà con nông dân ở làng Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đem cây lúa trổ bông mà không kết hạt về cho trâu bò ăn
Hàng chục hộ dân ở làng Bèo bị mất trắng 3-5 sào, cá biệt nhiều hộ mất tới 8-10 sào lúa nên trong thời gian tới có nguy cơ thiếu đói
Related news

Xã Tân An là một trong những vựa rau lớn của Gia Lai nói chung và huyện Đak Pơ nói riêng. Thế nhưng những ngày qua, bầu không khí ảm đạm đang bao trùm khắp nơi đây, bởi lẽ người dân phải bán tống bán tháo hoa màu, thậm chí phá bỏ cho gia cầm, gia súc ăn vì giá quá rẻ.

Để thúc đẩy nền nông nghiệp huyện nhà phát triển theo hướng bền vững, ngành Nông nghiệp huyện Kbang đã tích cực triển khai nhiều biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống vật chất của người dân trên địa bàn huyện, tiến tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Sáng mùng 2 Tết, sau bữa cơm quần tụ với con cháu, gia đình, bác Lê Thị Tình (54 tuổi), ở làng Bi, xã Ia Dom đã tranh thủ lặn lội lên vườn cách nhà hơn 2 km để nhặt hạt điều. “Vườn xa nhà nên sợ mất trộm, Tết nhất vẫn tranh thủ đi nhặt hạt từ các quả chín rụng xuống đất. Thấy của phơi ngoài vườn ngồi không yên được, bởi tiền bạc lo lắng mọi việc, kể cả con cái học hành đều trông cả vào đó”- bác Tình, tâm sự.

Chiều mùng 6 Tết, tại khu vực bến thuyền nhỏ ở tổ dân phố Thủy Đầm, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cảnh mua bán ruốc diễn ra khá tấp nập. Dưới bến, nhiều chiếc thuyền thúng liên tục chuyển ruốc từ những con tàu đậu ngoài xa vào bờ. Trên bến, hàng chục người đang tất bật bốc xếp những sọt ruốc tươi rói cân bán cho các thương lái.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở sản xuất giống thủy sản chuẩn bị cải tạo ao, bể ương, lấy nước dự trữ ương nuôi giống, xác định nhu cầu con giống của các địa phương và các vùng lân cận. Xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm, để kịp thời cung ứng giống phục vụ người nuôi bảo đảm kịp thời vụ.