Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lối Đi Nào Cho Công Nghiệp Nông Thôn ?

Lối Đi Nào Cho Công Nghiệp Nông Thôn ?
Publish date: Friday. November 28th, 2014

Thực tế diễn ra trong thời gian qua là việc phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong khi công tác khuyến công vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Với xuất phát điểm thấp, các ngành nghề công nghiệp nông thôn (CNNT) tỉnh Hậu Giang còn lạc hậu so với các địa phương khác. Cả tỉnh có trên 4.224 cơ sở CNNT, nhưng đa số hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết trong sản xuất - tiêu thụ. Do vậy, công nghiệp nông thôn vẫn loay hoay chưa tìm ra chỗ đứng.

So với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, việc thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển CNNT chưa được chú ý. Mặc dù có nhiều sản phẩm trên thị trường nhưng hiện nay việc nâng chất hoạt động cơ sở (hoặc doanh nghiệp) còn khá vất vả. Năm 2014, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh chỉ mới hỗ trợ cho 2 cơ sở CNNT thay đổi thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, thay thế sản xuất thủ công bằng thiết bị hiện đại, tổng kinh phí 360 triệu đồng trích từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia.

Trong số các cơ sở cần được hỗ trợ thì đây chỉ mới là “hạt cát giữa sa mạc”. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ phía tỉnh hầu như không có. Ông Đỗ Tấn Bảy, ở khu vực 3, phường V, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Ngành cơ khí hiện nay hoạt động èo uột. Trong nội ô thành phố chỉ còn 1 xưởng cơ khí này thôi.

Cơ sở không đủ khả năng tân trang, mua mới các máy móc, thiết bị vì thiếu vốn. Hiện, chỉ có 3 máy tiện, hoạt động tạm ổn nhưng về kỹ thuật tân tiến vẫn chưa nâng cao được. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, công nghệ của ta còn thua cả chặng đường, sản phẩm làm ra lạc hậu, không đủ khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà. Tỉnh cần có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để vực dậy ngành cơ khí”.

Đối với các hợp tác xã (HTX) chuyên nghề đan lục bình như HTX Thanh Tú, ở ấp 10, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy hầu như 100% các công đoạn đều được làm bằng tay.

Chị Lê Thị Ngọc Thu, Chủ nhiệm HTX, chia sẻ: “Mỗi tháng HTX cho ra từ 2.000-3.000 sản phẩm (tùy theo đơn đặt hàng), mỗi xã viên có tay nghề cao làm từ 3-4 sản phẩm/ngày, mức lao động đánh giá chỉ trung bình. Nghĩa là muốn tăng thêm lượng sản phẩm thì phải cần nhiều yếu tố như máy móc, tay nghề, nhưng HTX chưa đủ điều kiện nâng cao chất lượng do chưa có nguồn hỗ trợ mua thiết bị thay cho lao động thủ công. Đây cũng là khó khăn chung của các cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ”.

Ông Hồ Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết: Nguyên nhân khách quan là do nền kinh tế đang gặp khó khăn nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu tác động nặng nề. Đối với một số cơ sở CNNT, mức hỗ trợ vốn ban đầu thiếu hấp dẫn.

Đơn vị được ưu tiên thì không đủ điều kiện bổ sung tiền để sắm thiết bị mới do không đủ vốn. Một vài cơ sở có vốn chỉ từ 200-300 triệu đồng, trong khi đầu tư mua 1 máy móc cho khâu sản xuất mất 700-800 triệu đồng hoặc cả tỉ đồng thì không có khả năng tìm vốn đối ứng. Doanh nghiệp có vốn mạnh thì chưa quan tâm cải tiến sản phẩm. Đây chính là sự bất cập trong đầu tư, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất nói chung và của cơ sở nói riêng.

Một thực trạng nữa là đội ngũ cán bộ làm ở lĩnh vực khuyến công chưa nhiều. Cán bộ trực tiếp ở các huyện, thị, thành đa số kiêm nhiệm, chưa có người chuyên trách, chưa có mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện, xã và chưa được hỗ trợ về tài chính.

Do vậy, việc nắm bắt hết nhu cầu của cơ sở CNNT chưa được sâu sát. Công tác khuyến công chỉ dừng lại ở 2 nội dung đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đề án thay đổi máy móc thiết bị tiên tiến trong dây chuyền sản xuất. Chính vì vậy, khi xây dựng chương trình hoạt động khuyến công còn nhiều hạn chế, chưa khuyến khích các cơ sở CNNT tham gia tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ.

Từ đó, nhu cầu của doanh nghiệp (DN) chưa được quan tâm đến nơi đến chốn. Mặt khác, chính DN chưa hiểu hết lợi ích của công tác khuyến công hoặc chỉ hiểu mù mờ. Có thể nói, kể từ đầu năm 2014 đến nay, hoạt động khuyến công mới thực sự được biết đến. Đây cũng là nguyên nhân xuất phát từ khâu tuyên truyền chưa tốt của cán bộ ngành khuyến công.

Ông Hồ Ngọc Thái cho biết thêm: Trong năm 2015, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh làm rất nhiều đề nghị hỗ trợ công tác khuyến công, trong đó có kinh phí khuyến công địa phương (kinh phí 2 tỉ đồng) và hỗ trợ công tác điều tra hoạt động CNNT trên toàn tỉnh.

Trên cơ sở này, để đơn vị nắm bắt lại hết nhu cầu cũng như những bức xúc của cơ sở, DN. Mặt khác, tìm sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để làm sản phẩm tiêu biểu cho địa phương. Hiện đã chọn được 16 sản phẩm, trong thời gian tới sẽ lập hội đồng bình chọn thêm một lần nữa để tìm ra sản phẩm đặc trưng nhất.

CNNT tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp chuyển dịch kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Chính vì vậy, tìm hướng đi mới cho CNNT là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Cải tiến, thay mới thiết bị, máy móc phục vụ quy trình sản xuất ngoài việc giúp các cơ sở CNNT tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn mà còn là tiền đề cho phát triển lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE183248/Loi_di_nao_cho_cong_nghiep_nong_thon_.aspx


Related news

Tăng Thu Nhập Từ Nuôi Trăn Tăng Thu Nhập Từ Nuôi Trăn

Trong thời điểm dịch bệnh trên vật nuôi như hiện nay, một mô hình chăn nuôi mới đang dần mở ra hướng tích cực, bởi ít gặp rủi ro lại nhẹ công chăm sóc. Đó là mô hình chăn nuôi trăn của một số hộ dân thuộc ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Monday. April 23rd, 2012
Thanh Long Trái Vụ - Chuyện Dài Giữa Ông Nhà Đèn Và Bác Nông Dân Thanh Long Trái Vụ - Chuyện Dài Giữa Ông Nhà Đèn Và Bác Nông Dân

Nhu cầu dùng điện lưới để chong đèn thanh long trái vụ ở tỉnh Bình Thuận lớn thế nào thì ai cũng biết. Những năm gần đây, do sự phát triển diện tích trồng thanh long nên nhu cầu trên lại tiếp tục tăng với nhịp độ chóng mặt

Thursday. June 28th, 2012
Bạc Liêu: Sử Dụng Thảo Dược, Tôm Chết Hàng Loạt Bạc Liêu: Sử Dụng Thảo Dược, Tôm Chết Hàng Loạt

Mấy ngày qua, hàng chục hộ nuôi tôm ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu) sử dụng thảo dược để diệt giáp xác, cá tạp trong ao thì phát hiện tôm đột ngột chết hàng loạt chỉ sau 1-2 ngày thả nuôi.

Tuesday. April 24th, 2012
Người Chăn Nuôi Được Tiếp Vốn Người Chăn Nuôi Được Tiếp Vốn

Thông qua Dự án “Chăn nuôi lợn nái sinh sản”, 22 hộ ở xã miền núi Quân Bình, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã được tiếp vốn để tu sửa, xây mới chuồng trại, mua thêm lợn giống.

Tuesday. April 24th, 2012
Tăng Cường Kiểm Soát Theo Chuỗi Tăng Cường Kiểm Soát Theo Chuỗi

Thời gian qua, hàng loạt sự cố mất an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp được phát hiện khiến cho người tiêu dùng lo ngại. Để kiểm soát tốt hơn chất lượng nông sản, theo nhiều chuyên gia, cần đẩy mạnh quản lý theo chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ.

Friday. June 29th, 2012