Hạn hán kéo dài, nông dân ngửa mặt than trời

Giá như trời đổ mưa sớm hơn 1 tháng khi mà những trà lúa đang phải trỗ “khan”, nay năng suất lúa quá thấp không đủ chi trả tiền giống má; những trà lúa không đủ nước dưỡng, cây lúa chỉ vươn lên khỏi mặt ruộng chừng 20 cm.
Hạn hán kéo dài, nông dân cắt lúa về làm thức ăn cho trâu bò.
Nhiều hộ gạt nước mắt cắt lúa về làm thức ăn cho trâu bò. Sản xuất nông nghiệp ở những vùng đất cao cưỡng, chờ trời, đợi nước quá đỗi gian nan, hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết.
Cả 32 ha lúa của xóm 2, xã Nghi Đồng (Nghi Lộc) đều phụ thuộc vào nguồn nước tự chảy từ đập khe Xiêm. Vụ hè thu - mùa năm nay, lượng nước chỉ đủ phục vụ xuống giống, gieo cấy.
Từ khi xuống giống đến cuối tháng 8, trời không đổ nửa hạt mưa, hồ khe Xiêm trơ đáy. Không có nước dưỡng, cánh đồng khô trắng, nứt nẻ thành từng rãnh lớn.
Cây lúa chỉ cao hơn mặt ruộng chừng 20 cm. Họa hoằn mới có vài chân ruộng sâu trũng lúa phát triển hơn nhưng cũng trỗ lỗ chỗ, lá đã vàng rũ nhưng chỉ được đôi hạt đóng chắc. Những chân ruộng ấy, sau hơn 3 tháng chăm bón, nông dân xóm 2 thu về chưa đến 20 kg/sào (500 m2).
Tính đến nay, nông dân xóm 2 đã cắt được 50% diện tích về phơi, làm thức ăn cho trâu bò. Nhiều hộ chán chường còn bỏ mặc ruộng cho trâu bò phá. Số diện tích còn lại trên những cánh đồng, sâu cuốn lá, sâu đục thân thỏa sức phá hại.
Cả 8 sào lúa hè thu - mùa của gia đình chị Châu Thị Khuyên tại xóm 2 đều không có nước tưới. Ngày nào vợ chồng chị cũng ra xem đồng, ứa nước mắt, rồi cắt mỗi bữa một ít về cho trâu bò ăn.
“Ước gì những cơn mưa này xuất hiện cách đây chừng 1 tháng. Bây giờ trời mới chịu mưa chỉ tổ thêm xót của! Nhà tôi đầu tư tiền giống, phân bón… tất tần tật trên 10 triệu đồng nhưng đổi lại chỉ được mấy cọng rơm. Bò ăn rơm tươi lắm cũng chán, đành phải cắt về phơi khô làm thức ăn dự trữ. Năm nay thất bát, khốn khổ lắm”, chị Khuyên xót xa.
Vụ hè thu - mùa năm nay, Nghi Đồng chỉ gieo trồng được 200/270 ha theo kế hoạch. Trong số này chỉ 30 ha đủ nước tưới. Xã đã tìm đủ mọi cách, huy động máy móc, nạo vét nhưng vô ích bởi hồ khe Xiêm cạn kiệt.
Ngoài máy móc, có những thời điểm xã huy động hàng trăm người dân nạo vét hồ, đường dẫn nước nhưng mọi nỗ lực trở nên vô nghĩa khi trời không đổ mưa. Cán bộ xã Nghi Đồng cho biết, chi phí cho việc chống hạn đến nay đã trên 150 triệu đồng, cao hơn nhiều so với những gì sẽ thu hoạch được.
Thiếu nước, việc triển khai sản xuất cây màu vụ đông cũng gặp muôn vàn khó khăn. Trên 70 ha ngô vụ đông vừa gieo trồng đã mất trắng, dân phải cày xới đất, trồng trỉa lại.
Đến thời điểm này năm 2014, toàn xã đã thu hoạch được 50% diện tích lúa và hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ đông nhưng năm nay tiến độ ì ạch hơn rùa bò.
Đã 2 ngày liền, chiều nào trời cũng đổ mưa. Nước đọng thành từng vũng trên con đường từ QL1A vào xã nhưng tình thế không thể thay đổi.
Những trà lúa đã trỗ bông trong thời điểm “khan” nước, hạt lép gấp bội hạt chắc, vẫn đứng như chào cờ, năng suất ước đạt 70-80 kg/sào. Những trà chưa trỗ bông không còn đủ khả năng phục hồi. Nông dân và chính quyền địa phương ngán ngẩm.
Xã Nghi Hưng nằm sát xã Nghi Đồng, cũng chịu chung số phận. Hơn 300 ha lúa hè thu theo kế hoạch, do thiếu nước chỉ triển khai được 1/3. Thiếu nước, đến nay nông dân Nghi Hưng mới thu hoạch được 139 ha, năng suất ước đạt 150 kg/sào.
Có gần 100 ha mất trắng, nông dân đã cắt dần cho trâu bò ăn. Số còn lại khả dĩ cho thu hoạch, nếu thời tiết thuận lợi, năng suất ước tính cũng chỉ đạt trên dưới 100 kg/sào. Cũng như Nghi Đồng, tại Nghi Hưng tiến độ thu hoạch lúa hè thu, mùa và triển khai vụ đông đang rất chậm so với kế hoạch.
Tình trạng trên đang diễn ra tại các xã phía tây huyện Nghi Lộc như Nghi Công, Nghi Đồng, Nghi Hưng, Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Văn… khiến nông dân chỉ biết kêu trời.
Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện Nghi Lộc, dù đã đến giữa tháng 9 nhưng lượng mưa trên địa bàn mới chỉ đạt 1/3 lượng mưa trung bình hàng năm; 13/14 hồ đập trơ đáy.
Nghi Lộc nằm ở cuối hệ thống thủy lợi Nam, đầu nguồn nước mặn, nước tưới khó khăn lại dễ xâm nhập mặn nên hạn hán khốc liệt nhất Nghệ An.
Nhờ sự nỗ lực điều tiết, lượng nước từ thệ thống thủy lợi Nam cơ bản đáp ứng tưới cho 3.000 ha lúa, năng suất đạt khá (45 tạ/ha). Nhưng 3.000 ha lúa mùa thì có tới 1.500 ha không đủ nước cho lúa sinh trưởng. Nắng hạn cũng đã thiêu cháy 500 ha ngô hè thu đang thời kỳ trỗ bông, phun râu.
Trước tình hình trên, UBND huyện Nghi Lộc đã hỗ trợ 30.000 đồng/kg ngô giống cho các hộ trồng ngô trên đất lúa và triển khai trồng 4.900 ha cây màu vụ đông. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài đến nay chỉ mới thực hiện được 1/3 kế hoạch. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2014, kế hoạch sản xuất vụ đông tại Nghi Lộc đã hoàn thành.
Related news

Rau xanh không thể thiếu được trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người chúng ta. Không giống như cây lúa, cây rau được gieo trồng với nhiều chủng loại phong phú, có thời gian sinh trưởng ngắn nên đòi hỏi chế độ tưới nước bón phân cũng như phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn. Từ đó nảy sinh ra nhiều vấn đề như, rau dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư đạm, rau nhiễm các loại vi trùng và ký sinh trùng… có khả năng gây hại đến sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sau vụ trồng mới đó, đợt xen canh vụ ngô đông xuân đầu tiên, mỗi hộ gia đình công nhân tham gia trồng mới có thêm thu nhập 35 triệu đồng/ ha. Thực tế sản xuất đã gợi mở con đường tăng thêm thu nhập khá hiệu quả nên những năm sau lượng người nộp đơn xin vào đơn vị nhận khoán trồng mới ngày một nhiều.”

Liên tiếp trong những ngày qua, những trận mưa lớn trái mùa trên diện rộng làm cho hơn 360 ha lúa vụ 2 của nông dân thành phố Cà Mau bị ngã đổ. Theo phản ánh của bà con, lúa bị ngã đổ phải cắt bằng tay, với giá lên tới gần 500.000 đồng/công, (so với cắt bằng máy chỉ khoảng 300.000 đồng/công) nhưng không có nhân công để cắt lúa.

Ghé thăm ngôi nhà 3 tầng mới xây trị giá 1,4 tỷ đồng ở bản Nong Nưa, được chủ nhà Lèo Văn Hặc, Bí thư chi bộ bản tiếp chuyện: Nhà có hơn 4 ha cây cà phê đang thời kỳ thu hoạch, năng suất 15 tấn/ha. Vụ vừa qua, gia đình đã thu được trên 60 tấn quả tươi, bán được hơn 700 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng lãi được hơn 400 triệu đồng.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang, trong khuôn khổ Dự án phát triển ca cao giai đoạn 2010 - 2014, tỉnh đã trồng thêm được 1.100 ha ca cao xen canh dưới tán vườn cây ăn trái, nâng tổng diện tích lên đến 2.400 ha; phấn đấu đến năm 2020, mở rộng diện tích ca cao lên 5.000 ha.