Hạ Lang Khai Thác Tiềm Năng, Lợi Thế Phát Triển Sản Xuất Nông Nghiệp Hàng Hoá
Nhằm khai thác triệt để, tiềm năng lợi thế về các điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, từ năm 2006, huyện Hạ Lang tiến hành ký kết hợp đồng với huyện Long Châu (Trung Quốc) phát triển trồng mía nguyên liệu xuất khẩu với quy mô đến năm 2015 trồng 1.200 ha. Từ hiệu quả việc trồng mía đã góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất ổn định, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Nông dân xóm Pác Ty, xã Việt Chu (Hạ Lang) chăm sóc mía.
Hạ Lang là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Đông tỉnh Cao Bằng, gồm 14 xã, thị trấn, trong đó có 8 xã biên giới giáp với Trung Quốc. Địa hình của huyện khá phức tạp, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và giao lưu hàng hoá. Toàn huyện có 6.930 đất sản xuất nông nghiệp.
Nhìn chung đất đai, khí hậu tương đối thuận lợi đã tạo cho Hạ Lang có điều kiện phát triển một nền sản xuất nông lâm nghiệp phong phú, đa dạng với nhiều loại cây, con sinh trưởng và phát triển tốt, có giá trị hàng hoá cao, trong đó có một số sản phẩm chủ yếu, như: ngô, đậu tương, mía đường.
Sau khi nghiên cứu, khảo sát và phân tích lợi thế so sánh về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, đất đai, lao động của địa phương, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi từ cây trồng truyền thống: lúa, ngô, đỗ tương, khai thác các vùng đất bạc màu trồng các loại cây có năng suất thấp sang trồng mía nguyên liệu xuất khẩu, đồng thời vẫn đảm bảo kế hoạch và sản lượng lương thực được giao.
Trên cơ sở tham quan, các nhà máy đường của huyện Long Châu và Đại Tân (Trung Quốc), tìm hiểu về kỹ thuật và phương thức trồng mía, khảo sát gia, thị trường tiêu thụ; huyện đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trồng mía xuất khẩu đến năm 2015, với quy mô 1.500 ha.
Từ đó Đảng bộ huyện ra nghị quyết chuyên đề về trồng mía xuất khẩu; năm 2007, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tổ chức thực hiện tại 11/14 xã, thị trấn, trồng được gần 80 ha. Đến năm 2010, mở rộng diện tích lên 733 ha, sản lượng trên 47.000 tấn, thu nhập hơn 24 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác vùng trồng mía được nâng lên từ 18 triệu đồng lên 35 triệu đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.
Điển hình là các xã: Thị Hoa, Thái Đức, Việt Chu, Quang Long, nhiều hộ đã có thu nhập khá, làm nhà xây, mua sắm xe máy, ti vi, các công cụ sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên. Phát huy kết quả đạt được, năm 2011, huyện đã chủ động nhập và cung ứng 1.064 tấn giống mía từ Đại Tân ( Trung Quốc) cho nhân dân.
Cùng với số giống tự điều chuyển tại địa phương, toàn huyện trồng mới 339,56 ha, nâng diện tích mía trong năm lên 862 ha, năng suất bình quân khoảng 600 tạ/ha, sản lượng ước đạt 51.720 tấn. Riêng 8 xã tiếp giáp với huyện Long Châu trồng 791 ha, sản lượng ước đạt 47.460 tấn, ngoài số mía để làm giống, xuất bán khoảng 30.000 tấn, thu về cho nông dân một khoản tiền không nhỏ.
Anh Nông Văn Huy, Trưởng xóm Lũng Phjô, xã Lý Quốc phấn khởi cho biết: Từ năm 2007, bà con nhiệt tình hưởng ứng chủ trương trồng mía xuất khẩu của huyện, đã khai hoang diện tích đất rẫy tại đầu làng để trồng mía. Do chưa có kinh nghiệm trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý điều hành của Hợp tác xã Sản xuất vật liệu xây dựng Bằng Ca, xã Lý Quốc, nên đem lại hiệu quả thấp, bà con chuyển sang trồng cây trồng khác.
Đến năm 2010, Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp huyện Hạ Lang ký kết hợp đồng cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm, bà con trong xóm đã trồng 3 ha. Riêng gia đìng tôi trồng 4.000 m2 , do trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây mía phát triển tốt. Vụ mía năm nay dự kiến bán được 3 xe mía thương phẩm, cả nhà có một món tiền khá để vui xuân, đón Tết. Qua 2 năm trồng mía, bà con rất vui vì cây mía cho lợi nhuận cao, lá mía là nguồn thức ăn chính cho trâu, bò trong mùa đông giá rét. Năm 2012, bà con trong xóm sẽ mở rộng diện tích.
Về quan điểm chỉ đạo, điều hành trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng chí Hà Đức Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Hạ Lang cho rằng: Trong những năm tới, huyện tập trung huy động nguồn lực của Nhà nước, của xã hội, của người dân để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp để thực hiện chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện chủ động khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh đặc thù, các nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: cây mía, lạc, thuốc lá; khai thác tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế rừng.
Coi trọng việc đầu tư cho khoa học - công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung thực hiện tốt các chương trình mục tiêu đề ra, nhất là chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Chuyển mạnh sản xuất từ kinh tế tự cấp, tự túc sang nền sản xuất hàng hoá hướng vào thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới và phát triển công nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ gắn với vùng sản xuất nguyên liệu. Phát huy, khai thác tiềm năng nông, lâm nghiệp của huyện, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng theo chương trình, dự án đã xây dựng như vùng ngô, đậu tương, vùng mía, vùng thuốc lá, vùng lạc, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi gia súc.
Chia tay Hạ Lang, hình ảnh cán bộ, nhân dân vui mừng trước thành quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là cây mía xuất khẩu vẫn đọng lại trong tôi. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc, chúng tôi tin rằng, huyện Hạ Lang sẽ có bước phát triển mới trong những năm tiếp theo.
Related news
Xã Ngọc Đường thành phố Hà Giang có tổng diện tích đất tự nhiên của toàn xã là 2.892ha, trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp là 286ha, chiếm 9,9%, gồm đất trồng lúa 171ha, chiếm 60%; đất trồng ngô 40,5ha, chiếm 14,2%; đất trồng rau mầu các loại 34,45ha, chiếm 12%; diện tích cây chè, cỏ, lạc, cây ăn quả 40,05ha, chiếm 14%. Tổng dân số toàn xã 772 nhân khẩu với 3.194 hộ, gồm 13 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Theo ông Trần Bảo Toàn, GĐ DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp), giá gạo thành phẩm ở ĐBSCL đang ở mức khá cao. Ngày 8/7, gạo 5% tấm thành phẩm tại kho ở mức 8.200-8.300 đ/kg. Giá gạo 5% tấm khi cặp mạn tàu khoảng 8.400-8.500 đ/kg. Gạo thành phẩm 15% tấm ở mức 7.800 đ/kg …
Trong những ngành hàng nông sản XK chủ lực, hồ tiêu có lẽ là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong nửa đầu năm nay. Tính đến giữa tháng 5, các DN đã XK được 83.471 tấn hạt tiêu, đạt giá trị trên 579 triệu USD.
Giữa trưa, trong cái nắng chói chang của mùa hè, trên đồng muối thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) nhưng hàng chục diêm dân mải miết lao động. Người cào, người gánh, người vận chuyển muối lên xe đưa đi tiêu thụ, tất cả đều rất hối hả.
Không đầu tư thêm nhà máy chế biến cá tra phi lê ở ĐBSCL - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tại buổi lấy ý kiến dự thảo “Quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020” tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 10/7.