Gương sáng đại ngàn
Người phụ nữ đầu tiên mà chúng tôi gặp là chị Phạm Thị Lụa, thôn Nước Trinh, xã Ba Chùa. Như bao phụ nữ ở làng, chị Lụa cũng đầu tắt mặt tối để lên nương rẫy trồng khoai, mì, keo, xuống đồng làm ruộng, nuôi gia súc, gia cầm để lo cuộc sống gia đình. Thế nhưng, kể từ ngày xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, chị đã sắp xếp việc riêng tham gia công tác xã hội.
Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ Hội mà nhiều phụ nữ ở Ba Tơ có kiến thức và vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nước Trinh, chị Lụa đã vận động các chị em trong hội thấy rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Chị giảng giải: “Xây dựng nông thôn mới là xây dựng cho chính làng quê mình ngày càng tươi đẹp”.
Từ chỗ hạ tầng thiếu thốn, bà con đồng lòng cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, con em cùng nhau phấn đấu học hành... Như mưa dầm thấm lâu, chị đã rỉ rả vận động được hơn 190 chị trong thôn tham gia phong trào.
Đối với bà con vùng cao Ba Chùa, nhiều gia đình còn nghèo, đất đai là phương tiện sinh kế, nhưng qua sự vận động của chị Lụa đã có nhiều chị em tự nguyện đóng góp cả ngàn mét vuông đất, góp hàng chục triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn, đường giao thông. Thôn Nước Trinh được đánh giá là một trong những thôn tiêu biểu của phong trào xây dựng xã điểm nông thôn mới ở Ba Chùa.
Nếu như chị Lụa có những hành động đẹp để xây dựng quê hương, thì chị Phạm Thị Bai ở thôn Gò Vành, xã Ba Vì như một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trên vùng đất khó.
Những năm trước, Ba Vì có đất sản xuất rộng mênh mông, nhưng thiếu kỹ thuật trồng cây, nuôi con giống mới. Cuộc sống nơi vùng cao này nghèo khổ chênh lệch khá lớn so với trung tâm xã, thị trấn Ba Tơ. Thế là năm 2010 chị Bai được Nhà máy Đường Phổ Phong chọn hợp đồng trồng mía trên đất đồi, đất nà ven sông Re.
Nhà máy Đường hỗ trợ giống, công làm đất, chị Vành đã tích cực trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên năm đầu tiên chị có thu nhập cao. Từ nguồn tiền này, chị tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất.
Trên vùng đất rộng 6ha, chị lấy tiền bán mía và vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để trồng đa loại cây, với mục đích lấy ngắn nuôi dài, cây này thất thu thì còn cây khác đắp đổi. Vì thế, sau một năm chị đã thu hoạch được 1ha mì, 1ha mía, 5 sào ruộng lúa nước, cùng với 3ha keo đang phát triển.
Cứ trồng gối đầu và xen canh thế mà sau 5 năm chị đã thu được gần 150 triệu đồng trên vùng đất khó. Nhờ làm ăn khá mà mỗi mùa xuống giống hay thu hoạch nông sản, chị Bai đã giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động.
Chị Bai không chỉ làm kinh tế giỏi, giữ mái ấm yên bình mà đối với công tác xã hội chị đã tích cực làm tốt vai trò của trưởng chi hội phụ nữ thôn, kiêm cộng tác viên dân số kế hoạch hóa gia đình. Đối với những hộ nghèo khó, chị Bai vận động chị em đóng góp tiền cho vay không lãi suất, đóng góp gạo hỗ trợ lúc ốm đau...
Một tấm gương sống có trách nhiệm với công việc, với bà con chòm xóm khác là chị Trương Thị Yến ở tổ dân phố Tài Năng, thị trấn Ba Tơ. Cũng giống như chị Lụa, chị Bai, với vai trò là trưởng chi hội phụ nữ, chị Yến được người dân tin yêu là nhờ sự năng động, luôn hết mình với công việc và biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích cộng đồng.
Khi Nhà nước chủ trương thực hiện phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện văn minh đô thị, chị Yến đã tích cực tuyên truyền, vận động 100% hội viên phụ nữ trong tổ dân phố tham gia. Qua đó, giúp cho các hội viên nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Không chỉ là người tích cực đi đầu trong phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, chị Yến còn biết vận dụng những vấn đề thực tiễn để nêu gương trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ở vùng cao, vì có nhiều hộ có hoàn cảnh nghèo khó nên chị đã chọn mô hình “tín dụng tiết kiệm” để triển khai.
Từ mô hình này, chị đã huy động chị em đóng góp 15 triệu đồng cho những chị em nghèo vay không lãi suất, đồng thời hỗ trợ ngày công, con giống... giúp các chị sản xuất. Chị Yến còn góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình; gia đình hội viên không có trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học, không sinh con thứ ba trở lên...
Tấm gương sống vì cộng đồng, vì làng quê yên bình của các chị đã khuyến khích nhiều hộ gia đình trong làng, trong xã học tập và noi theo. Mỗi việc làm của các chị như những bông hoa đa sắc màu, tỏa hương thơm giữa đại ngàn. Các chị đã được Hội LHPN huyện Ba Tơ chọn biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 – 2015.
Related news
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay giảm giá mạnh, khoảng 3,6%-5%.
Những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã chú trọng tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao đời sống người dân.
Trạm Khuyến nông huyện Vân Canh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình vỗ béo bò trước khi xuất bán tại xã Canh Hiển, 30 đại biểu là hộ tham gia mô hình, nông dân nghèo, đại biểu các Hội, đoàn thể đã dự hội nghị.
Trong mùa mưa, nền nhiệt độ thấp, biên độ nhiệt ngày đêm cao, ẩm độ cao, ánh sáng ngày ngắn, chất lượng thức ăn thô xanh giảm; các loại vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng, nấm bệnh phát sinh phát triển, nên gia súc cũng dễ mắc bệnh.
Hà Tĩnh là vùng đất chảo lửa túi mưa nên nhiều giống lúa mới đua nhau “chen chân”, hy vọng sẽ được khoe mình dành thị phần. Nhưng thực tế, rất ít giống lúa đứng vững, phần nhiều đưa vào khảo nghiệm đã bị thất bại.