Gỡ Khó Cho Người Nuôi Tôm
Những năm qua, tôm nuôi ở tỉnh Sóc Trăng thiệt hại nặng với tỷ lệ hơn 50%. Đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vụ nuôi năm rồi, mức thiệt hại giảm đáng kể so những năm trước, chỉ còn khoảng 30%. Hiện Sóc Trăng đang tiếp tục tập trung nhiều giải pháp gỡ khó cho người nuôi tôm, phấn đấu thắng lợi vụ tôm mới...
"Thắng" vẫn "lo" Trước đây, người nuôi tôm ở Sóc Trăng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiệt hại tôm liên tục, giá tôm nguyên liệu lại sụt giảm. Tôm bị thiệt hại do nhiều nguyên nhân như: cơ sở hạ tầng yếu kém; phát triển vùng nuôi chưa hợp lý; người nuôi thiếu liên kết trong sản xuất, mạnh ai nấy làm dẫn đến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh tràn lan...
Năm 2011 là năm khó khăn nhất khi diện tích nuôi tôm thiệt hại lên đến hơn 70%, đứng hàng đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh ở tôm phần lớn là đốm trắng, đầu vàng, hội chứng teo và hoại tử gan tụy, còn lại khoảng 40% chưa rõ nguyên nhân. Dù vậy, Sóc Trăng luôn xác định con tôm vẫn là đối tượng nuôi chủ lực của vùng mặn, lợ trong tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh nhiều lần họp bàn tìm giải pháp khắc phục thiệt hại như: tập trung đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, quy hoạch rõ ràng vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh lúa - tôm... quyết tâm cải tạo môi trường nuôi.
Qua việc ban hành khung lịch mùa vụ, tăng cường công tác quản lý quy hoạch của chính quyền địa phương, triển khai quan trắc môi trường vùng nuôi và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho nông dân, kiểm tra chặt chẽ các yếu tố đầu vào phục vụ nuôi tôm của ngành nông nghiệp, năm 2012, người nuôi tôm, nhất là Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, các công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác có chuyển biến bước đầu trong liên kết sản xuất, tuân thủ lịch mùa vụ, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường vùng nuôi, cho nên thiệt hại tôm giảm xuống còn khoảng 50%.
Trở lại những vùng nuôi tôm của Sóc Trăng như: Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên… chúng tôi cảm nhận được không khí nhộn nhịp khi nông dân đang chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Từ thành phố Sóc Trăng chạy dọc theo con đường trải nhựa phẳng phiu hàng chục km về vùng tôm Vĩnh Châu, trước mắt chúng tôi là cánh đồng tôm với hàng trăm vuông tôm nước xanh đầy ắp hy vọng.
Bà con nông dân hớn hở cho biết, năm rồi thời tiết, môi trường thuận lợi, cộng thêm thả nuôi theo lịch thời vụ cho nên phần lớn các hộ đều trúng mùa, trúng giá, có tiền ăn Tết lớn. Nhiều hộ đã xây nhà, tường khang trang để đón Tết Giáp Ngọ 2014.
Cuộc sống của người dân vùng nuôi tôm giờ đây sung túc hơn trước. Bà con đã trả được nợ, còn có dư để cải tạo ao, mua tôm giống thả nuôi vụ tiếp theo. Ông Huỳnh Văn Hữu ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên khoe: Hiện nay, tôi có mười ao tôm thẻ chân trắng đã thả nuôi gần hai tháng. Vụ nuôi này thuận lợi, tôm đã được khoảng 80 con/kg. Vụ này ăn chắc, vì với cỡ tôm như vậy, tôi có thể thu hoạch bất cứ lúc nào. Nếu xổ tôm lúc này, tôi cũng lời tròm trèm hai tỷ đồng.
Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2013, Sóc Trăng thả nuôi hơn 45.450 ha. Các hình thức nuôi quảng canh cải tiến, thâm canh và bán thâm canh đều có năng suất cao. Tổng sản lượng đạt khoảng 68.500 tấn, tăng hơn 25% so năm 2012, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm gấp hai lần tôm sú. Phần lớn người nuôi tôm trúng mùa, trúng giá, lãi cao.
Để có vụ tôm bội thu do giá tôm hấp dẫn, thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn, cho nên việc chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang tôm thẻ chân trắng tăng lên rất nhanh, có nơi như huyện Cù Lao Dung, nông dân đua nhau bỏ mía, đào ao nuôi tôm thẻ.
Điều này không những làm dịch bệnh xảy ra và lây lan trên diện rộng mà còn gây áp lực lớn về giống tôm thẻ chân trắng chất lượng. Trước tình hình này, Sóc Trăng đang kêu gọi các nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư sản xuất giống chất lượng cung cấp đủ cho bà con nuôi tôm; đồng thời chú trọng đến công tác quy hoạch thủy sản, quản lý tốt các vùng nước lợ theo quy hoạch, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, điện, giao thông...
Ngoài ra, Sóc Trăng cũng đang ráo riết thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mô hình thí điểm thủy lợi cấp thoát nước riêng biệt vùng chuyên canh nuôi tôm khu vực huyện Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu; nhân rộng mô hình nuôi tôm an toàn sinh học nhằm kiểm soát và hạn chế dịch bệnh. Tỉnh còn khẩn trương chỉ đạo các địa phương quan tâm và làm tốt thủy lợi nội đồng, rà soát, triển khai nhanh các công trình quan trọng để tạo nguồn nước thông thoáng phục vụ sản xuất.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi; thả nuôi theo lịch mùa vụ, trong năm chỉ nuôi một vụ tôm sú hoặc hai vụ tôm thẻ; sau khi thu hoạch tôm nên trồng lại lúa, nuôi thủy sản khác hoặc tháo nước vào ao cho đất nghỉ, cải tạo môi trường ao nuôi để chuẩn vụ cho vụ nuôi năm sau. Ở một số vùng nuôi tôm đang thiếu điện ba pha, ngành nông nghiệp cần phối hợp các đơn vị có liên quan thống kê nhu cầu sử dụng điện trong nuôi tôm, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Bên cạnh việc đầu tư sản xuất, Sóc Trăng còn vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh theo phương châm: Phát hiện sớm, báo cáo nhanh, công bố dịch kịp thời, xử lý ổ dịch gọn, hạn chế lây lan trên diện rộng, ngưng thả giống. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp thụ động vì tác nhân chính gây ra hội chứng tôm chết sớm vẫn chưa được xác định rõ.
Do đó, trong thời gian tới, ngoài phối hợp với các viện, trường, các nhà khoa học nghiên cứu tìm ra tác nhân gây bệnh trên tôm, Sóc Trăng cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: kịp thời công bố dịch khi đủ điều kiện, ngừng thả giống nhằm giảm diện tích thiệt hại, không để tôm giống nhập vào vùng có dịch; áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong nuôi tôm, nâng cao ý thức tự khai báo dịch bệnh ở người dân; quản lý chặt chẽ giống nhập tỉnh, hạn chế giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý thức ăn, thuốc thú y thủy sản; kiểm tra chất lượng, dư lượng kháng sinh trong tôm nuôi...
Related news
Ngày 12-8, thanh tra của Bộ NN&PTNT phối hợp với sở ngành tại Đồng Nai làm việc với Công ty cổ phần nông nghiệp quốc tế Anco và Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan, dự kiến 7 tháng đầu năm 2015 lượng cà phê xuất khẩu chỉ đạt 788.000 tấn với kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, giảm 30,5% về lượng và giảm 27% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề nghị phía Nhật Bản sớm cho phép xuất khẩu xoài Việt Nam sang Nhật Bản vào tháng 9 tới nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời xem xét xúc tiến mở cửa thị trường đối với thanh long ruột đỏ và vải tươi của Việt Nam…
Chi phí sản xuất đội lên, trong khi giá bán ra liên tục giảm, thương lái bẻ kèo, nông dân “vỡ mộng” với lúa chất lượng thấp… là thực trạng đã và đang diễn ra đối với vụ lúa hè thu muộn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Gần 95% sản lượng cà phê Việt Nam hiện nay xuất khẩu thô, không thương hiệu.