Vùng Triều Hồi Sinh
Trên cánh đồng ngày xưa, người nuôi tôm Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) từng khánh kiệt vì nguồn nước ô nhiễm, tôm chết hàng loạt. Nhưng rồi, trong cái khó người dân đã mạnh dạn đầu tư kiên cố trại, hồ thả nuôi cá, tôm kết hợp cua ở ba tầng nước và nhiều hộ đã thành công. Nay họ đang chăm cho cá, cua để kịp xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Cầm chiếc thanh tre một tay gõ vào thành giàn, tay rải mồi, đàn cá vược (còn gọi là cá chẽm) quẫy đuôi đớp mồi lia lịa, tung bọt nước trắng xóa cả một vùng hồ, bà Lê Thị Vân thở phào: “Cá khỏe và chóng lớn”. Ông Võ Ngọc Anh, chồng bà Vân đang ngồi bên hồ làm thức ăn cho cá, tiếp lời: “Mấy ngày nay, trời lạnh, cứ thấp thỏm, sợ cá sinh bệnh nhưng chúng thật thích nghi với môi trường”.
Hơn 5.000 con cá vược của vợ chồng ông Anh nuôi trong diện tích 2.000 m2 trái vụ được ông chăm sóc khá cẩn thận. Mặc cho mưa lạnh, gió lùa, kể từ ngày thả con cá xuống hồ là ông Anh túc trực suốt ngày. Lúc cho ăn, lúc lấy nước, xả nước, sục khí... Con cá vược có nguồn gốc từ biển, thức ăn của chúng là cá vụn. Từ 3 - 4 giờ sáng, bà Vân xuống bến cá Tịnh Kỳ mua cá về băm làm mồi. Ông Anh vừa trông hồ, vừa cùng vợ xử lý thức ăn cho cá. Bàn tay tím tái, đôi môi run run trong gió lạnh, nhưng ông Anh vẫn cười tươi, bảo: “Ở đây, đất vườn không, ruộng cũng không, gia đình trông cả vào cái hồ này. Giờ, vất vả nhưng có cái để thu hoạch, chứ mấy năm trước nuôi tôm, nước bị ô nhiễm, nhiều gia đình tán gia bại sản, đồng bỏ hoang, ai cũng khổ”.
Vùng triều xã Tịnh Kỳ từng bị ô nhiễm nay đã hồi sinh. Ảnh: MAI HẠ
Dân Tịnh Kỳ nằm sát bên biển. Số ra khơi mưu sinh, hộ không có đất sản xuất trước đây đã khai hoang rừng bần, đắp hồ để nuôi tôm. Thế nhưng, vì nguồn nước ô nhiễm, con tôm không trụ vững với vùng triều. Năm 2010, bà con vào Nha Trang hỏi thăm, biết con cá vược có sức đề kháng tốt phù hợp với vùng triều nên mua giống về thả nuôi. Từ một hộ nuôi thành công giờ cả vùng nuôi cá. Con cá vược đầu ra khá bấp bênh nên nhiều hộ đã chuyển sang xen ghép nuôi cá, cua.
Cào thức ăn còn thừa lên giỏ, ông Anh giải thích: “Số thức ăn này, cá vược “chê” vì không tươi, mình lấy làm thức ăn cho cua hạn chế được rất nhiều chi phí.
Nhờ đó, mô hình nuôi cá, cua vừa giữ được môi trường, vừa tăng thêm thu nhập”. Năm 2013, ông Anh thả nuôi 5.000 con cá vược kết hợp 600 con cua. Đến kỳ thu hoạch giá cá hạ dài, nhưng con cua thì được giá nên ông cũng “lận lưng” được vài chục triệu đồng.
Đến đa loài thủy sản 3 tầng nước
Từng gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản thu về cả trăm triệu từ con tôm, đến con cá vược kết hợp cua, nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp, ở thôn An Kỳ vẫn lo ngại trước đầu ra bấp bênh của con cá vược. Năm 2010, qua tìm hiểu tư liệu trên mạng, kết hợp với thực tế, ông Hiệp hiểu, dù sông hay biển vẫn có 3 tầng nước rõ rệt. Mỗi tầng nước có mỗi loài thủy sản thích nghi. Loài cá có thể sống ở trên, loại tôm sống ở giữa và loài cua sống tầng đáy. Nắm được “chìa khóa” này, năm 2011 ông Hiệp đầu tư mạnh tay.
Trên diện tích 10.000m2, ông Hiệp thả nuôi 1.000 con cá, 10.000 con tôm sú và 4.000 con cua. Theo ông, 3 loài thủy sản này có thể ăn cùng chung một nguồn thức ăn.
Nếu như tầng trên cá ăn còn thừa thì tầng dưới xử lý, tầng giữa thừa thì cua ăn. Ngay cả phân của loài này là nguồn thức ăn bổ sung của loài thủy sản khác nên môi trường trong sạch hoàn toàn. Sau 3 tháng thả nuôi, ông Hiệp bắt đầu thu hoạch tôm, đến cua rồi cá. Trừ chi phí ông cầm chắc trong tay hơn 100 triệu đồng.
Từ cách nuôi của ông, bà con trong vùng đã mạnh dạn mua cua giống thả nuôi với số lượng ngày càng lớn. Thấy tiềm năng tiêu thụ con giống khá dồi dào, ông Hiệp tiếp tục mở rộng trại nuôi, đầu tư ươm cua giống nhằm cung ứng cho bà con. Trong mùa này, ông đã ươm được 5 – 6 vạn con cua con.
Ông đã xuất bán được 9.000 con cho bà con trong vùng và các vùng triều Tịnh Khê, Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) và Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) nuôi để bán Tết. Số còn lại, nhiều người ở Quảng Nam, Bình Định đã hỏi mua sau Tết Nguyên đán. Ông Hiệp hy vọng sẽ mở rộng hồ nuôi tiếp tục ươm 10 vạn con để đáp ứng thị trường.
Related news
Vụ Đông năm nay, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có kế hoạch gieo trồng 3.100ha, trong đó chủ lực là cây đậu tương với 1.600ha.
Những năm gần đây, để duy trì diện tích đất lúa theo chủ trương của thành phố, tại hầu hết các huyện, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng và mở rộng nhiều mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.
Không thể phủ nhận hoàn toàn vai trò và sự cần thiết của phân bón vô cơ trong sản xuất nông nghiệp, nhưng theo thời gian những mặt tiêu cực của loại phân này đối với môi trường và sức khỏe con người ngày càng bộc lộ rõ.
Nưa là một loài cây thân thảo, cho củ, được trồng ở những vùng có nhiều giồng cát. Bà con nông dân trồng nưa lấy củ chế biến thành bột để làm các loại bánh, làm miến và sử dụng trong công nghiệp làm hồ vải.
Địa bàn xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng - Nam Định) ở nơi cửa sông, giáp biển, kề bên những ao cá, đầm tôm là những đồng bãi xanh ngút ngàn màu mỡ phù sa.