Gỡ khó cho người chăn nuôi bò sữa

Hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa đều bán sản phẩm cho Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Friesland Campina Việt Nam (nhãn hiệu Cô gái Hà Lan).
Thời gian gần đây, có đơn vị thu mua đặt ra hàng loạt hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn và thông báo sẽ giảm sản lượng thu mua khiến người chăn nuôi lo lắng…
Sữa giảm cả giá và lượng
Hộ ông Võ Văn Thẳng ở ấp Phú Bình, xã An Phú, huyện Củ Chi bắt đầu chăn nuôi bò sữa từ năm 2003, đến nay, đàn bò của gia đình ông được 80 con, sản lượng sữa đạt khoảng 500 kg/ngày.
Nhờ đầu tư chuồng trại đạt chuẩn và chăn nuôi đúng kỹ thuật nên đã tạo được niềm tin nơi đơn vị thu mua, đầu ra của sản phẩm ổn định.
Sản phẩm sữa của trang trại ông Thẳng có giá bán dao động từ 12.000 đến 13.000 đồng/kg, mức giá tương đối có lãi.
Gần đây, đơn vị thu mua thông báo, sắp tới chỉ thu mua khoảng 90% sản lượng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thẳng lo lắng: “Trước thông tin này, bà con chăn nuôi không dám đầu tư tăng đàn và sắp tới sẽ dần loại thải những con không đạt, nếu không sẽ lỗ nặng.
Nếu phía đơn vị kia chỉ thu mua 90% sản lượng, 10% còn lại chỉ mua với giá 7.400 đồng/kg, với giá như vậy, thà đổ cho bê ăn còn hơn”.
Một hộ chăn nuôi khác ở xã An Phú cho biết, năm 2014, gia đình có 30 con bò sữa, nay chỉ còn tám con.
Lý giải nguyên nhân giảm đàn, đại diện hộ này cho biết: Đơn vị thu mua thông báo sản phẩm sữa của gia đình bị nhiễm tạp trùng, tạm ngưng thu mua 14 ngày, trong khi mỗi ngày đàn bò cho sản lượng khoảng 110kg, đành phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ.
Gia đình tôi đã loại thải dần đàn bò với giá bán 30 triệu đồng/con.
Hiện giờ, đơn vị thu mua sữa đã thu hồi hợp đồng.
Đơn vị thu mua cho rằng, sản phẩm sữa của gia đình tôi nhiễm tạp trùng thì biết vậy, chứ đâu lấy gì kiểm chứng.
Từ giá đến chất lượng sữa đều do bên mua định đoạt, nông dân chẳng biết thực hư ra sao.
Tôi mong có một cơ quan độc lập kiểm tra chất lượng sản phẩm, đồng thời lo đầu ra ổn định, giá bán có lãi thì bà con mới tiếp tục tái đàn, nếu không sẽ bán hết…
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú Tăng Văn Đạo cho biết, toàn xã hiện có 422 hộ chăn nuôi bò sữa với khoảng 6.000 con.
Những năm qua, nhờ chăn nuôi bò sữa, địa phương thực hiện thành công chủ trương giảm hộ nghèo, tăng hộ khá.
Nhưng nay, bà con chăn nuôi đang đứng trước khó khăn do các đơn vị thu mua đưa ra hàng rào kỹ thuật chất lượng quá khắt khe.
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi Nguyễn Văn Cảm, qua khảo sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn, giá thành mỗi kg sữa dao động từ 8.500 đến 10.500 đồng, phụ thuộc vào chi phí thức ăn, điện, nước, công lao động và tùy theo số lượng đàn bò nhiều hay ít.
Nếu theo giá của các đơn vị thu mua đưa ra thì nông dân chỉ hòa vốn.
Gỡ khó cho các hộ chăn nuôi
Từ ngày 1-1-2016, Vinamilk tiếp tục ký hợp đồng với người chăn nuôi bò sữa với các điều khoản như trong năm 2015.
Riêng Công ty Friesland Campina, bắt đầu từ 1-1-2016, ký hợp đồng với nông dân với các tiêu chí quá khắt khe và có một số thay đổi trong phụ lục hợp đồng.
Chẳng hạn, tỷ lệ chất béo phải lớn hơn hoặc bằng 3,6%; vật chất khô lớn hơn hoặc bằng 12,2%; độ nhiễm vi sinh lớn hơn hoặc bằng
4 độ resazurin… Nếu đạt các tiêu chí này thì công ty sẽ thu mua với giá 7.400 đồng/kg, cộng 3.350 đồng tiền thưởng, quy ra giá thu mua là 10.750 đồng/kg.
Về sản lượng công ty này chỉ thu mua căn cứ vào sản lượng cùng kỳ và quy ra tiền bằng 90% giá thành cùng kỳ.
10% còn lại, công ty vẫn thu mua nhưng chỉ tính giá 7.400 đồng/kg; 3.350 đồng còn lại công ty dành để hỗ trợ ngành sữa (?).
Công ty còn kèm theo điều khoản: Hợp đồng có thể thay đổi tùy theo tình hình thực tế, tạm thời ký hợp đồng với người nông dân sáu tháng đầu năm 2016.
Gắt gao hơn, công ty đưa ra tiêu chí, nếu hai tháng liền kề người chăn nuôi bò sữa không đạt các tiêu chí trên sẽ bị cắt hợp đồng không được khiếu nại.
“Trước tình hình này, người chăn nuôi phải chọn tuyển con giống tốt, khẩu phần thức ăn, vệ sinh môi trường, chuồng trại mới bảo đảm được.
Với cách chăn nuôi bình thường như hiện nay, người chăn nuôi khó đạt các tiêu chí mà công ty đưa ra, nên bán với giá thấp là chuyện bình thường”, đồng chí Nguyễn Văn Cảm cho biết.
Để gỡ khó cho các hộ chăn nuôi bò sữa, trước mắt, huyện Củ Chi vận động bà con tham gia các tổ liên kết; làm việc với các đơn vị thu mua tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bà con tiêu thụ sản phẩm.
Về lâu dài, chủ trương của huyện Củ Chi không tăng đàn bò sữa, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng; quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung trọng điểm ở chín xã phía bắc.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân vay vốn ưu đãi về lãi suất theo Quyết định 13 của UBND thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng hạ tầng chuồng trại.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Trực, khi TPP có hiệu lực, ngành sữa trong nước bị tác động do giá sữa các nước như Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân có giá bán tại chỗ từ 7.200 đến 7.500 đồng/kg, thấp hơn giá ở nước ta.
Do đó, người chăn nuôi phải thích nghi “sân chơi” mới bằng biện pháp chỉ giữ lại những con bò có chất lượng cao, nhằm mục đích kéo giảm giá thành sản xuất.
Muốn đạt chất lượng và có giá bán tốt, người chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra chất lượng đàn bò theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Nhà nước sẽ hỗ trợ người chăn nuôi đánh giá thể trạng và công tác vệ sinh bò trước khi vắt sữa và vắt sữa bằng máy… nhằm giúp người chăn nuôi không bị thiệt thòi trước các tiêu chí mà người thu mua đưa ra.
“Nếu có mối quan hệ lợi ích hài hòa, minh bạch, công khai, hiệu quả; kết nối không vì mục đích loại trừ nhau thì sẽ đem lại lợi ích cho các bên.
Về phía người chăn nuôi, cần xem xét các tiêu chí mà phía thu mua đưa ra có hợp lý hay không thì mới ký hợp đồng, nếu không, nguy cơ sẽ bị thiệt hại.
Đối với thông tin đơn vị thu mua tự đưa ra hàng rào kỹ thuật khắt khe hơn về chất lượng, nhưng đến nay chưa có cơ quan kiểm tra độc lập, trước mắt, giữa hai bên nên áp dụng phương pháp “thuận mua, vừa bán”.
Sở NN-PTNT thành phố sẽ tham mưu về vấn đề này nhằm giúp người chăn nuôi không bị thiệt thòi, đồng thời sẽ làm việc với Công ty Friesland Campina về các hàng rào kỹ thuật để có thông tin cho bà con chăn nuôi trong thời gian sớm nhất” - đồng chí Nguyễn Văn Trực cho biết.
Related news

Đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được hơn 10.000ha mía của niên vụ 2015 - 2016, trong đó, huyện Phụng Hiệp (địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh) đã xuống giống được hơn 7.200ha, diện tích còn lại được phân bổ ở thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và một phần huyện Long Mỹ. Hiện mía trong giai đoạn từ mới trồng đến gần 3 tháng tuổi và đang phát triển tốt.

Song năm nay tình hình hoàn toàn trái ngược. Tại thôn Lạc Hòa của xã Ninh An, nhiều ruộng ớt cây lên rất tốt nhưng đến kỳ thu hoạch thì tự nhiên lá bị cháy và trái bị thối đồng loạt. Ngoài ra, không ít ruộng ớt lại mắc phải bệnh xoắn lá, khiến cây ớt không ra hoa được.

Thôn Quật Xá (xã Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị) là vùng đất thuần nông, người dân quanh năm chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, lạc và sắn. Trong câu chuyện làm ăn của những người dân địa phương, mọi người thường nhắc đến một cô gái trẻ tên là Hải Đường đang ngày đêm miệt mài phát triển mô hình trồng nấm sò.

Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nguyễn Hữu An thông tin: “Thời gian nghỉ Tết hàng năm, cán bộ, kỹ thuật viên của đơn vị vẫn đảm bảo công tác trực nhật và ra đồng cùng nông dân. Các trạm BVTV huyện đã phân công cán bộ xuyên suốt tại cơ quan, đồng thời nhắc nhở anh em kỹ thuật viên phải phối hợp cùng nông dân thăm đồng dịp Tết vì khả năng xảy ra sâu bệnh cao trong thời gian này”.

Gia đình anh Trần Đình Vân ở thôn 2, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Dak Lak) hiện có 3 ha cà phê kinh doanh. Mỗi đợt tưới, với 2 máy bơm tiêu hao khoảng 160 lít dầu, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Anh Vân cho biết, thời điểm năm ngoái, gia đình anh phải tốn khoảng 5 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm/đợt tưới. Nhưng đến nay, giá dầu giảm sâu, giúp người dân tiết kiệm khá nhiều.