Giúp Hội Viên Nông Dân Làm Giàu
Với 1.057 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, những năm qua, Hội Nông dân T.P Điện Biên Phủ luôn là một trong những cơ sở hội thực hiện tốt các phong trào phát triển KT – XH tại địa phương.
Hiện nay, Hội Nông dân thành phố có 5.458 hội viên sinh hoạt tại 169 chi hội. Xác định việc thực hiện phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vượt khó, xoá đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng là nhiệm vụ trọng tâm của các cơ sở hội, các cấp Hội Nông dân thành phố đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2012 tới hội viên. Trong đó, lấy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi làm chủ đề chỉ đạo cấp hội cơ sở thực hiện.
Để hội viên có điều kiện áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, năm 2012 Hội đã liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ (Hội Nông dân tỉnh), Phòng Kinh tế và Trạm Bảo vệ thực vật thành phố tổ chức 42 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân với sự tham gia của 2.593 lượt hội viên.
Việc đẩy mạnh thâm canh tăng vụ và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị sử dụng đất đã góp phần tăng thu nhập và giải quyết thời gian nông nhàn của nông dân. Như sản xuất cây ngô nếp trên diện tích đất 1 vụ, trồng khoai tây, các loại rau đậu vụ 3 trên đất 2 vụ lúa. Được sự tư vấn, hướng dẫn của tổ chức hội, nhiều mô hình thí điểm các giống, cây con mới áp dụng khoa học kỹ thuật đã được triển khai.
Như mô hình nuôi gà Đông Cảo tại 5 phường: Him Lam, Noong Bua, Mường Thanh, Thanh Bình và Tân Thanh đã mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao, giúp các hội viên có thêm kiến thức trong sản xuất chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Hay mô hình trồng bí xanh, ngô nếp trên đất 1 vụ tại bản Tà Lèng, xã Tà Lèng và bản Nà Lơi, xã Thanh Minh với thu nhập đạt 15 – 16 triệu đồng/1.000m2.
Tăng cường khuyến khích và từng bước nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế theo hình thức tổ hợp, nhóm, đến nay, tại một số xã, phường đã có hộ gia đình liên kết làm kinh tế theo mô hình nhóm. Như chi hội nông dân nuôi nhím ở phường Tân Thanh, chi hội trồng màu và nuôi trồng thủy sản phường Him Lam, chi hội trang trại phường Nam Thanh.
Giúp đỡ những gia đình hội viên khó khăn có điều kiện đầu tư, phát triển kinh tế, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp hội viên vay với lãi suất ưu đãi. Hiện nay, tổng dư nợ vay của cấp hội là 26 tỷ đồng cho 1.822 lượt hộ vay. Nguồn vốn vay hỗ trợ từ các tổ chức cũng được cấp hội chỉ đạo thực hiện, quản lý hiệu quả. Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Hội Nông dân thành phố đã xây dựng thành đề án và tổ chức giải ngân trên 600 triệu đồng cho 20 hội viên nông dân ở xã Tà Lèng, Thanh Minh vay nuôi lợn thịt và bò sinh sản.
Ngoài ra, các cơ sở hội còn xây dựng nguồn quỹ riêng để giúp đỡ hội viên nghèo có điều kiện phát triển sản xuất với lãi suất thấp. Hiện có 168/169 chi hội có quỹ hội. Như hội Nông dân phường Mường Thanh với tổng số quỹ 120 triệu đồng, Hội Nông dân phường Tân Thanh 104 triệu đồng. Hội Nông dân phường Him Lam đã vận động hội viên quyên góp được 6 triệu đồng cho 6 gia đình hội viên vay không lấy lãi để đầu tư vào chăn nuôi.
Qua phân loại cơ sở, hiện có 155/169 chi hội vững mạnh (đạt 91,17%), 12 chi hội khá. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, Hội Nông dân thành phố tích cực phát triển, nhân rộng các điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi ở nhiều mô hình: dịch vụ, thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trang trại...
Đặc biệt, đẩy mạnh việc liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, như: hướng dẫn người nghèo cách làm về khuyến nông, khuyến ngư theo cách “cầm tay chỉ việc”. Phấn đấu mỗi năm mỗi cơ sở hội nhận giúp đỡ 1 – 2 nông dân có hoàn cảnh khó khăn, duy trì số tổ nông dân tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo nguồn vốn lãi suất thấp giúp nông dân phát triển kinh tế.
Related news
Chị Nhùng cho biết, hồi mới đến lập nghiệp, nơi đây hoang vắng, chỉ có vài mái nhà lá đơn sơ. "Vợ chồng tôi không có vốn liếng, không nhà, không đất, sống tạm trong căn lều tranh vách nứa mưa dột, nắng cháy da. Đất đai toàn sỏi với đá, cuốc rát tay mới được miếng đất trồng sắn ăn qua ngày” chị nhớ lại.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 cả nước sẽ có 1,2 triệu ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó vùng ĐBSCL chiếm tới 90,8%, với khoảng 805.000 ha.
Tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), vụ tôm năm nay tôm thẻ chân trắng (TTCT) nuôi bị chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân điêu đứng, để tiếp tục thả nuôi nhằm gỡ gạc vốn, người phải đi vay nặng lãi. Và lý do sống chết với con tôm của họ là bởi “ở cái đất này, không nuôi tôm, cua thì cũng chả biết làm gì để sống”.
Tập trung nâng dần diện tích liên kết sản xuất với nông dân, góp phần gia tăng chuỗi giá trị gạo, ổn định nguồn nguyên liệu, tham gia bình ổn giá, đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm xây dựng hệ thống khép kín... là những tiêu chí hàng đầu hiện nay của Công ty Lương thực Bạc Liêu. Ông Trần Quốc Thống- quyền Giám đốc- chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Xuất Khẩu nông sản sang UAE tăng do tình hình kinh tế năm 2014 của UAE tiếp tục tăng trưởng ổn định từ 4,4- 4,7% khiến nhu cầu tiêu dùng tăng. Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực đi khảo sát thị trường và tham dự các hội chợ, triển lãm chuyên ngành thực phẩm, trong đó có triển lãm SIAL ME và Gulf Food.